Xứng đáng vai trò người đại biểu dân cử
Nguyễn Văn ThắngỦy viên dự khuyết BCH Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ðoàn ÐBQH tỉnh ĐBP - Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016 - 2021 sắp kết thúc với những dấu ấn đậm nét về sự đổi mới, sáng tạo trong hoạt động, tô thắm thêm truyền thống lịch sử 75 năm Quốc hội Việt Nam.
Ðồng chí Mùa A Vảng (thứ 2 từ phải sang), Ðại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Ðiện Biên tiếp xúc cử tri xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo). Ảnh: Mai Giáp
Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam bằng phương thức bầu cử dân chủ, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đến nay, Quốc hội Việt Nam không ngừng đổi mới và phát triển, đạt được những thành tựu quan trọng trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tạo được sự tin tưởng và những ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri và nhân dân cả nước. Trải qua 75 năm, với 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc, không ngừng phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của đất nước, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong thành quả chung hoạt động Quốc hội có vai trò quan trọng của nhiều thế hệ đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, Khu tự trị Thái Mèo và tỉnh Ðiện Biên ngày nay. Trải qua 14 khóa Quốc hội, Ðoàn đại biểu Quốc hội (ÐBQH) tỉnh đã có 53 đại biểu được bầu vào Quốc hội. Trong đó, nhiều đại biểu giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy cơ quan Ðảng, Nhà nước; có đại biểu đã gắn bó nhiều khóa với Quốc hội. Các vị đại biểu trong Ðoàn ÐBQH tỉnh đã có nhiều hoạt động, khẳng định vị trí, vai trò của người đại biểu dân cử, xứng đáng với niềm tin cậy của nhân dân các dân tộc ở mảnh đất Ðiện Biên Phủ anh hùng. Ðoàn ÐBQH khóa XIV tỉnh Ðiện Biên có 7 đại biểu, trong đó có 2 đại biểu công tác ở Trung ương, 5 đại biểu công tác địa phương. Các đại biểu đều có trình độ chuyên môn đại học trở lên, có kinh nghiệm thực tiễn, tâm huyết và trách nhiệm cao, tích cực tham gia các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Ðoàn ÐBQH. Ở từng cương vị công tác, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao và thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử.
Nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cử tri cũng như đông đảo quần chúng nhân dân là một yêu cầu quan trọng của ÐBQH, bởi vậy các ÐBQH tỉnh đã dành nhiều thời gian cho công tác tiếp xúc cử tri (TXCT). Từ đầu nhiệm kỳ đến nay Ðoàn ÐBQH tỉnh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và HÐND, UBND tổ chức hơn 100 hội nghị TXCT với nhiều hình thức như: TXCT định kỳ; TXCT nơi cư trú, nơi làm việc; TXCT chuyên đề. Về địa điểm tiếp xúc cử tri thì ở nhiều địa bàn khác nhau, trong đó chú trọng tới địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tìm hiểu thực tiễn, từ đó giám sát, kiến nghị với Quốc hội và đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật phù hợp với thực tế đời sống nhân dân và địa bàn. Qua hoạt động TXCT, đã tiếp thu trên 60 ý kiến, kiến nghị gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Không chỉ tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp Quốc hội, Ðoàn ÐBQH tỉnh đã phân loại tổng hợp trên 100 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến chính quyền địa phương đề nghị xem xét giải quyết. Ðến nay các ý kiến, kiến nghị cử tri do Ðoàn ÐBQH gửi đến đã được các cấp, các ngành quan tâm, giải quyết. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đã được các ÐBQH chuyển đến Quốc hội thông qua việc phát biểu thảo luận tại hội trường, phiên họp tại tổ tham gia vào các dự án luật, Nghị quyết của Quốc hội. Có thể nói rằng công tác TXCT trong nhiệm kỳ khóa XIV tiếp tục được hoàn thiện cả về quy trình tổ chức và xử lý thông tin; chất lượng ngày được nâng cao, cử tri thực sự cởi mở, tin cậy ở các ÐBQH.
Cùng với các hoạt động trên, với chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, Ðoàn ÐBQH tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động xây dựng pháp luật. Trong nhiệm kỳ, đã có nhiều đổi mới, cách thức tổ chức thực hiện; đã phối hợp chặt chẽ với Thường trực HÐND, UBND, ủy ban MTTQ các cấp và các cơ quan, đơn vị tổ chức 15 hội nghị lấy ý kiến và tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, đồng thời gửi lấy ý kiến tham gia góp ý vào 68 dự án luật. Ngoài ra, để có thêm thông tin nhằm phục vụ cho việc tham gia thảo luận xây dựng luật tại các kỳ họp, Ðoàn ÐBQH tỉnh tổ chức nhiều cuộc khảo sát nắm tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn. Tại các kỳ họp, mỗi đại biểu Quốc hội chủ động nghiên cứu, tích cực tham gia ý kiến xây dựng luật, đã tham gia 237 lượt ý kiến đóng góp các dự án luật tại các phiên thảo luận. Nhiều ý kiến tham gia của ÐBQH tỉnh được tiếp thu, chỉnh lý trước khi Quốc hội thông qua.
Cùng với công tác xây dựng pháp luật, Ðoàn ÐBQH, ÐBQH thực hiện tốt hoạt động giám sát. Thực hiện chức năng giám sát tại các kỳ họp, cùng với Quốc hội thảo luận, xem xét, đánh giá báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách hàng năm; xem xét Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng; về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân hàng năm và nhiều báo cáo khác...; quyết định các chính sách mang tính quốc kế dân sinh, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của đất nước. Ðáng chú ý, trong nhiệm kỳ đã cùng với Quốc hội xem xét, quyết định nhiều chương trình, dự án quan trọng như: Ðiều chỉnh quy định sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia; Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Ðông giai đoạn 2017 - 2020; Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Ðặc biệt tại kỳ họp thứ 8, lần đầu tiên Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 88 phê duyệt Ðề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030… Ðây là những cơ sở pháp lý quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi, phát huy tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của đất nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền đô thị; cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành tập trung phát huy mọi nguồn lực để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhanh, bền vững.
Tại các phiên thảo luận, Ðoàn ÐBQH tỉnh Ðiện Biên cũng đã chuyển nhiều kiến nghị của cử tri đến Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương như “quan tâm bố trí kinh phí, tạo cơ chế thuận lợi để sớm thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Ðiện Biên”; “đề nghị Chính phủ ngoài sự quan tâm phân bổ các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, cần quan tâm chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các tập đoàn kinh tế lớn cùng có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ và tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh đối với các tỉnh miền núi, đặc biệt là các tỉnh biên giới”. Ðể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững, Ðoàn ÐBQH kiến nghị với “Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục tăng cường nguồn lực quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tạo điều kiện giao thông đi lại thuận lợi, thúc đẩy giao thương trao đổi hàng hóa nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, thu hút các nhà đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số, miền núi” và nhiều kiến nghị giải pháp khác.
Song song với việc xem xét các báo cáo trình tại các kỳ họp, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ này có nhiều đổi mới. Tại các phiên chất vấn của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với hình thức chất vấn trực tiếp hoặc gián tiếp bằng văn bản, ÐBQH tỉnh đã gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành nhiều ý kiến chất vấn liên quan đến các vấn đề thuộc các lĩnh vực như: Giáo dục, tư pháp, công thương, nội vụ, lao động, thương binh và xã hội, nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế… Các ý kiến chất vấn cơ bản được các thành viên Chính phủ trả lời, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, tập thể và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề của Ðoàn ÐBQH tỉnh cũng được triển khai, tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy định Luật hoạt động giám sát, góp phần quan trọng vào kết quả hoạt động giám sát chung của Quốc hội. Mặc dù số lượng ít, đại biểu đa số là kiêm nhiệm nhưng từ đầu nhiệm kỳ đến nay Ðoàn ÐBQH tỉnh đã tiến hành 15 cuộc giám sát và 8 cuộc khảo sát chuyên đề bao trùm trên nhiều lĩnh vực: Ðất đai, tài chính, ngân hàng, giao thông, xây dựng, thủy điện, an toàn thực phẩm, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… trên nhiều địa bàn, có nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa. Qua hoạt động giám sát Ðoàn đã kịp thời kiến nghị với các cơ quan Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện chính sách, pháp luật; các cơ quan chức năng khắc phục tồn tại, hạn chế nhằm thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Ngoài các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, vào những dịp lễ, tết, kỷ niệm ngày truyền thống, ngày thương binh liệt sĩ 27/7… Ðoàn ÐBQH phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đến thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình chính sách, gia đình có công với nước, bà mẹ Việt Nam anh hùng, các cán bộ lão thành cách mạng qua các thời kỳ, các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn… với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng và nhiều hiện vật khác. Bên cạnh đó, các vị ÐBQH tỉnh đã tích cực kêu gọi các tổ chức, tập đoàn kinh tế hỗ trợ với tổng số tiền hơn 10,5 tỷ đồng để xây dựng 3 công trình: Ðiểm trường Mầm non Huổi Ké, xã Mường Pồn (huyện Ðiện Biên), Trường PTDTBT Tiểu học Pa Tần và Trường PTDTBT THCS Vàng Ðán (huyện Nậm Pồ). Hoạt động xã hội của Ðoàn ÐBQH tỉnh góp phần tăng thêm mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa ÐBQH với quần chúng nhân dân.
Trong quá trình hoạt động, Ðoàn ÐBQH tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, duy trì và thực hiện nghiêm chế độ làm việc theo Luật Tổ chức Quốc hội và Quy chế hoạt động, có nhiều đóng góp tích cực vào các hoạt động của Quốc hội. Các đại biểu trong Ðoàn ÐBQH tỉnh thực hiện tốt nguyên tắc Ðảng lãnh đạo toàn diện, nghiêm chỉnh chấp hành và triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết, chủ chương của Tỉnh ủy; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Thường trực HÐND, UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân vào các dự thảo luật, thực hiện chức năng giám sát; hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo.
Từ những kết quả hoạt động trong nhiệm kỳ qua có thể khẳng định Ðoàn ÐBQH và các vị ÐBQH tỉnh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng được mong đợi của cử tri, khẳng định được vị trí, vai trò, uy tín; xứng đáng là những người đại biểu dân cử, đại diện cho ý chí, tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.