Xứng đáng với chiếc nôi phong trào gia đình văn hóa của cả nước

Vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, ở thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long (Yên Mỹ), các tệ nạn cờ bạc, rượu chè, mê tín dị đoan khiến người dân bỏ hoang ruộng đất, không thực hiện các chính sách của Nhà nước. Trong hoàn cảnh như thế, Ty Văn hóa (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng, xây dựng nếp sống văn hóa để động viên người dân tham gia phát triển kinh tế. 6 gia đình ở thôn Ngọc Tỉnh được chọn để làm nòng cốt cho phong trào xây dựng nếp sống văn hóa là gia đình các ông: Luyện Văn Đễ, Nguyễn Văn Tục, Đinh Văn Khắc, Luyện Văn Ẩn, Đinh Văn Thức và bà Nguyễn Thị Oanh. Các gia đình này đã cùng giao ước thi đua thực hiện nếp sống mới, bao gồm những việc làm cụ thể: Giúp nhau sản xuất; gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân; nuôi con học hành tiến bộ; gia đình ngăn nắp, vệ sinh, sạch sẽ. Gia đình kiểu mẫu theo nội dung trên ban đầu chỉ bó gọn ở một số hộ, nhưng bởi ý nghĩa thiết thực nên như một hiệu ứng tự lan tỏa, nhanh chóng nhân rộng toàn thôn Ngọc Tỉnh, rồi phát động ra cả tỉnh. Phong trào trở thành một điển hình thi đua, hòa chung cùng làn sóng các cuộc thi đua khác của cả nước lúc bấy giờ như: “Gió Đại Phong", “Sóng Duyên Hải", “Cờ ba nhất", tiếng “trống Bắc Lý"... Để động viên, ghi nhận những sáng tạo trong xây dựng đời sống văn hóa, năm 1962, xã Ngọc Long được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba về công tác xây dựng nếp sống mới, được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng bức trướng “Chiếc nôi gia đình văn hóa”. Phong trào ngày càng lan rộng và đến năm 1967 toàn tỉnh đã có 60% số xã tiến hành xây dựng nếp sống mới, gia đình văn hóa.

Niềm vui trong gia đình ông Nguyễn Tấn Bước, phường Minh Khai (thành phố Hưng Yên). Ảnh tư liệu

Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, đến nay, công tác xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa đã thực sự trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, được mọi người, mọi nhà trên địa bàn tỉnh hưởng ứng. Gia đình văn hóa tăng cả số lượng và chất lượng. Từ 6 gia đình văn hóa đầu tiên của cả nước, đến năm 1997, toàn tỉnh có 42,5% tổng số hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa và năm 2020, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa là 91,5%. Trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 476 câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” và 43 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, thu hút gần 30 nghìn thành viên tham gia.

Nhờ triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực nên phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành nền nếp và mục tiêu phấn đấu của các gia đình. Đồng chí Đào Mạnh Huân, Phó Giám đốc điều hành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Nội dung của các tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa có ý nghĩa thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương, nhất là trong xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu hiện nay. Qua phong trào, các gia đình nâng cao ý thức, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động, sản xuất để ổn định cuộc sống; tích cực tham gia các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; không mắc các tệ nạn xã hội; tham gia hoạt động phòng, chống tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội; không vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tham gia thực hiện đầy đủ các phong trào thi đua, các buổi sinh hoạt, hội họp của cộng đồng; xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng...

Tuyên truyền thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ)

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều gia đình tiêu biểu xuất sắc, nhiều tấm gương "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền", anh em thuận hòa, sống có trách nhiệm. Có những gia đình 3 - 4 thế hệ cùng chung sống nhưng luôn hòa thuận, hạnh phúc. Nhiều gia đình năng động phát triển kinh tế, nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Đặc biệt, có nhiều gia đình dù trong hoàn cảnh khó khăn nhưng các thành viên luôn vượt khó, vươn lên để chiến thắng số phận, trở thành tấm gương điển hình về nghị lực sống. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Tấn Bước (phường Minh Khai, thành phố Hưng Yên); gia đình bà Vũ Thị Thoa (thị trấn Khoái Châu, huyện Khoái Châu); gia đình ông Nguyễn Văn Đáp (thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi); gia đình ông Nguyễn Thành Chương (thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động); gia đình ông Vũ Văn Nha (xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ)… Hàng năm, các địa phương đều tổ chức công bố, trao giấy chứng nhận “Gia đình văn hóa” vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư (18.11).

Có thể khẳng định, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã có tác động rất lớn vào mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội phát triển, củng cố quốc phòng - an ninh của tỉnh. Hiện nay, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để gia đình phát triển, song bên cạnh đó những mặt trái của cơ chế thị trường cũng tác động không nhỏ đến việc xây dựng văn hóa gia đình. Vì vậy, trong thời gian tới, các cấp, ngành, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí đặc biệt của gia đình đối với sự phát triển của xã hội; trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; thực hiện tốt công tác bình xét danh hiệu gia đình văn hóa; tôn vinh, nhân rộng các gia đình điển hình tiêu biểu xuất sắc nhằm góp phần lan tỏa ý nghĩa phong trào xây dựng gia đình văn hóa…

LÊ HIẾU

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoa/202112/xung-dang-voi-chiec-noi-phong-trao-gia-dinh-van-hoa-cua-ca-nuoc-b192c43/