Xứng đáng với danh hiệu Nhà giáo Ưu tú
Cô Lê Thị Lan Phương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh không ngừng nỗ lực phấn đấu lao động, sáng tạo, đóng góp nhiều thành tích trong sự nghiệp trồng người.
Chuyên môn vững, tận tâm, nhiệt huyết, yêu nghề và hết lòng vì học sinh, sau nhiều năm cống hiến cho ngành giáo dục, vừa qua, cô Lê Thị Lan Phương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Là nhà giáo tâm huyết, nhiệt tình, có ý thức trách nhiệm cao với sự phát triển của nhà trường, phát triển giáo dục dân tộc và sự nghiệp giáo dục của tỉnh, cô luôn nêu cao ý thức rèn luyện, trau dồi, tu dưỡng đạo đức, tác phong nhà giáo; không ngừng nâng cao ý thức tự học, tự bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn đổi mới giáo dục.
Gần 30 năm công tác trong ngành giáo dục, cô trực tiếp tham gia giảng dạy bộ môn Ngữ văn tại vùng đặc biệt khó khăn ở Trường Phổ thông cấp 2 - 3 Đống Đa (Quảng Hòa) 3 năm và sau đó gắn bó với cơ sở giáo dục chuyên biệt là Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh 26 năm. Trong quá trình công tác cô luôn tận tụy, say mê với nghề, gắn bó, thương yêu, hết lòng vì học sinh; tích cực, chủ động, sáng tạo trong đổi mới phương pháp, kỹ năng dạy học. Tích cực tìm các giải pháp tối ưu để nâng cao chất lượng môn Ngữ văn, góp phần khẳng định chất lượng cao của bộ môn trong nhà trường và toàn tỉnh. Được nhà trường tín nhiệm phân công giảng dạy lớp chuyên (trong thời kỳ lớp chuyên của tỉnh học tại trường), lớp mũi nhọn khối nội trú, tỷ lệ học sinh có điểm thi và xét đại học bộ môn Ngữ văn từ mức khá trở lên trên 90%, các năm đều có học sinh đạt điểm cao nhất tỉnh trong kỳ thi THPT quốc gia, thi tốt nghiệp THPT; giáo dục đại trà đạt 100% học sinh khá, giỏi.
Nhiều năm liên tục trực tiếp giảng dạy và tham gia ôn luyện đội tuyển thi chọn học sinh giỏi các cấp và có nhiều học sinh đạt giải cao, như: học sinh đạt giải cấp quốc gia lớp 12 (năm học 2015 - 2016); 3 học sinh đạt Huy chương bạc, 1 học sinh đạt giải khuyến khích Hội thi văn hóa, thể thao các trường dân tộc nội trú toàn quốc; 2 học sinh của lớp dạy tham gia đội tuyển thi chọn học sinh giỏi quốc gia (năm 2006, 2016), hàng trăm lượt học sinh đạt giải các cấp. Chủ động, tích cực, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo về phương pháp, kiến thức, kỹ năng trong giảng dạy, ôn luyện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà. Thành tích các lớp dạy 5 năm gần đây 100% đạt khá, giỏi, 25 giải cấp huyện/Thành phố, 15 giải cấp tỉnh.
5 năm là tổ trưởng chuyên môn Tổ Khoa học Xã hội, cô Phương tổ chức hoạt động chuyên môn đúng chức năng, nhiệm vụ và phát huy được thế mạnh của các môn khoa học xã hội trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, chương trình ngoại khóa có quy mô lớn, như: Âm vang Điện Biên Phủ, Theo dấu chân Bác Hồ, Văn hóa dân gian, Mãi mãi tuổi 20, Những bài ca đi cùng năm tháng... Thường xuyên trao đổi, giúp đỡ đồng nghiệp tháo gỡ khó khăn trong chuyên môn; tổ chức hội thảo, chuyên đề, sáng kiến cải tiến để nâng cao chất lượng giảng dạy các môn khoa học xã hội phù hợp và hiệu quả đối với từng đối tượng học sinh của nhà trường. 5 năm là Tổ trưởng Giáo vụ - Quản lý học sinh và Thư ký Hội đồng, cô luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, có nhiều giải pháp hữu ích trong công tác quản lý dạy và học, quản lý hồ sơ, quản lý học sinh tự học, tự quản.
11 năm là Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, cô Phương chủ động tham mưu cho Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là xây dựng đội ngũ giáo viên vừa “hồng”, vừa “chuyên”; đề xuất những giải pháp xây dựng nhà trường phấn đấu các tiêu chí để tiến tới đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng chuyên môn của nhà trường ổn định, bền vững, kết quả năm sau cao hơn năm trước.
Từ năm 2022 đến nay, trên cương vị Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, cô luôn nâng cao ý thức tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tự học, tiếp thu ý kiến để trau dồi nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, nâng cao trình độ, giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức; mạnh dạn cải tiến, đổi mới phương thức quản lý. Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm lãnh đạo nhà trường thực hiện tốt các nhiệm vụ.
Là ngôi trường đặc biệt với 100% học sinh là con, em các dân tộc thiểu số, có điều kiện kinh tế, đời sống còn nhiều khó khăn, các em phải sống xa gia đình nên mỗi thầy, cô giáo là cha, mẹ của các em. Cô đề xuất và chỉ đạo thực hiện phong trào “Mỗi thầy, cô giáo, mỗi cán bộ, nhân viên nhận đỡ đầu một học sinh của trường có hoàn cảnh khó khăn” giúp đỡ các em từ học tập đến đời sống sinh hoạt hằng ngày… Đối với công tác quản lý phục vụ, chăm sóc học sinh, cô luôn quan tâm tới các biện pháp quản lý, giáo dục, tổ chức các hoạt động nội trú phù hợp, hiệu quả nhất cho học sinh.
Với lòng yêu nghề, thương cảm, chia sẻ với học sinh còn nhiều gian khó, cô đã dành tình cảm hỗ trợ, giúp đỡ nhiều em hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Nói về cô Phương, em Thào A Thành (dân tộc Mông) học Đại học Sư phạm Hà Nội luôn dành tình cảm trân trọng, yêu mến đối với cô: “Cô chính là người mẹ thứ hai, người giúp em có kiến thức, mở ra con đường tương lai tươi sáng cho em”.
Được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú là sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến của người giáo viên đầy tâm huyết. Nhưng có lẽ sự ghi nhận lớn nhất vẫn là tình yêu của bao thế hệ học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp dành cho cô. Nhiều học trò của cô đã trưởng thành, giữ các cương vị trong xã hội, đây chính là phần thưởng to lớn nhất đối với người giáo viên.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/xung-dang-voi-danh-hieu-nha-giao-uu-tu-3172392.html