Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ

Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm có lẻ, nhưng những di chứng của chiến tranh thì có lẽ vẫn còn lại, nhất là đối với những thương, bệnh binh. Nhưng không vì thế mà họ buông xuôi theo số phận mà ngược lại, họ vẫn luôn nỗ lực sống vui, sống khỏe, sống có ích cho xã hội, luôn là những tấm gương sáng để con cháu học tập và noi theo. Dưới đây là hai trong số 6 thương binh nặng của tỉnh Lâm Ðồng được chọn tham dự cuộc gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ. Dịp này, 6 thương binh đều vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Đoàn Lâm Đồng dự cuộc gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc tổ chức ngày 26/7/2019 tại Hà Nội. Ảnh: PV

Ông Phạm Văn Nhật: “Luôn mong muốn thế hệ con cháu phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông!”

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về người thương binh 1/4 Phạm Văn Nhật (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) là sự cởi mở, vui vẻ và chân tình. Chúng tôi hẹn gặp ông khi ông đang chuẩn bị hành trang lên đường ra Hà Nội. Trong câu chuyện thân tình, ông kể, năm 1970, khi vừa bước vào tuổi 17, đang học lớp 9, cùng với bạn bè trong lớp, ông lên đường nhập ngũ, được phân về Tiểu đoàn 4 đặc công (thuộc Sư đoàn 320 B, đóng quân tại Hòa Bình). Đến năm 1971, sau khi huấn luyện xong, ông được lệnh bổ sung vào C5 đặc công - Tiểu đoàn 810 của tỉnh Tuyên Đức. Lúc này, vì điều kiện đi lại khó khăn nên ông cùng đồng đội đi bộ 6 tháng mới tới được căn cứ đóng tại khu vực Núi Voi - Nam Ban.

Những năm tháng sống, chiến đấu hết mình cùng đồng đội đã trở thành ký ức không thể nào quên, nhưng có lẽ kỷ niệm sâu sắc nhất để lại trong ông là trận đánh mà ở đó, ông phải đối mặt giữa sự sống và cái chết cận kề. Đó là vào tháng 12/1973, trong một lần hai tiểu đội đặc công của ông dẫn đội công tác của Lạc Dương vào ấp Phước Thành. Đến khoảng 10 giờ đêm, khi vào gần đến ấp thì bất ngờ bị hai đại đội của lính Mỹ phục kích. Sau khi tham gia vào trận đánh, hai tiểu đội của ông hy sinh 3 người, riêng ông bị hoại tử một phần ruột, bị thương ở tay trái, chân trái và gãy xương bánh chè, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 81%.

Vợ chồng ông Phạm Văn Nhật. Ảnh: T.V

Sau 4 năm điều trị, đến tháng 3 năm 1978, ông mới có thể bình phục và trở về Đoàn An dưỡng thương binh nặng tại Gia Viễn - Ninh Bình. Năm 1985, ông được chuyển về Trại An dưỡng thương binh nặng Phú Hội thuộc tỉnh Tuyên Đức lúc bấy giờ.

Về với cuộc sống đời thường, cựu binh Phạm Văn Nhật luôn nỗ lực phát huy phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giữ chức vụ Chi hội trưởng Chi hội CCB của thôn và tổ dân phố nhiều năm liền. Khi nhắc về cuộc đời cách mạng của mình, ông Nhật tự hào khoe với chúng tôi về những tấm huân chương kháng chiến cùng với 8 chữ vàng danh dự “Trọn nghĩa nước non, thắm tình đồng đội” do Hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng trao tặng. Ông luôn tâm niệm rằng: Đã là chiến sĩ tham gia cách mạng với một tinh thần tự nguyện thì đương nhiên phải sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, của dân tộc. Với tư cách là thế hệ đi trước đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, thực hiện lời hứa trước Đảng, ông mong muốn thế hệ con cháu tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống ấy để xứng đáng với sự hy sinh của cha ông.

Cuộc sống hiện giờ của ông luôn đầy ắp niềm vui và ngập tràn tiếng cười. Ông xúc động tâm sự, để có những ngày như hôm nay, ông cũng rất biết ơn người vợ, người bạn đời đã đến bên ông khi ông mang trong mình nhiều thương tích. Và những lúc trái gió trở trời, những vết thương năm xưa lại hành hạ ông, nhưng bên cạnh luôn có bàn tay chăm sóc của người vợ thảo hiền ấy và cả sự yêu thương, hiếu thảo của các con, với ông, đó là niềm hạnh phúc chẳng thể nào đong đếm được!

Ông Hồ Văn Ðông: “Xúc động trước sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước”

Ở vào tuổi 75, người thương binh 1/4 mang trong mình tỷ lệ thương tật 85% vẫn rất nhanh nhẹn và hoạt bát. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 vừa được xây 2 năm nay tại thôn Phú Trung, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, ông niềm nở kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày tham gia kháng chiến. Quê ông ở Quảng Ngãi, năm 16 tuổi, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, ông nô nức lên đường nhập ngũ, biên chế về Sư đoàn 1 - Quân khu 5, phụ trách 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Nhắc về quãng đời binh nghiệp, về những trận đánh đã tham gia, trận nào ông cũng nhớ như in, kể rõ mồn một. Nhưng có lẽ, “nằm lòng” nhất là trận đánh để lại trên cơ thể ông nhiều vết thương nhất, đó là chiến dịch Vạn Tường năm 1965 đi vào lịch sử. Khi ấy, ông phụ trách truy sát xe tăng địch, sau khi bắn hạ 1 chiếc xe tăng của quân đội Mỹ thì ông bị chiếc xe tăng phía sau của địch bắn vào mắt và bất tỉnh. Sau đó, ông được đưa tới Bệnh viện C17 thuộc huyện Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam để điều trị. Sau khi điều trị xong, ông tiếp tục quay về phục vụ công tác binh, địch vận và làm cán bộ Phòng Thương nghiệp tỉnh Quảng Ngãi. Và cũng sau trận đánh Vạn Tường năm ấy, ông được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe tăng”.

Vợ chồng ông Hồ Văn Đông. Ảnh: T.V

Sau năm 1989, gia đình ông Đông chuyển vào sinh sống tại thôn Phú Trung - xã Phú Hội. Bản thân ông tích cực tham gia các hoạt động thôn, xóm. Vợ ông, bà Phạm Thị Tuyết cũng là bệnh binh 2/3, mất sức 65%. Hai ông bà vốn cùng quê Quảng Ngãi, họ gặp nhau và thành chồng, thành vợ năm 1971, dịp ông ra Bắc điều dưỡng, bà cũng thoát ly làm y tá ở tuyến sau. Gần 50 năm chung sống, ông bà có 5 người con. Nay, các con của ông bà đều đã trưởng thành, có gia đình riêng, những ngày cuối tuần hay lễ tết, các con, cháu lại tập trung về với ông bà. Ông bảo, những lúc như vậy, hai ông bà vui lắm, lại như trẻ ra được vài tuổi! Khi nghe chúng tôi hỏi về cảm xúc của chuyến đi Hà Nội lần này, ông nói: “Tôi thật sự rất xúc động, cảm ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước rất nhiều. Tôi thấy mình rất vinh dự vì mấy năm trước tôi cũng đã được nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tiếp tại Phủ Chủ tịch. Giờ sức khỏe ngày càng yếu rồi, tôi chỉ có một ước muốn là có điều kiện để đi thăm tất cả các đồng đội còn sống khắp đất nước, để biết ai còn, ai mất, nhưng giờ chưa thực hiện được thì chuyến đi Hà Nội lần này là cơ hội để những người lính năm xưa của chúng tôi được hội ngộ cùng nhau!”.

THY VŨ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/201907/ky-niem-72-nam-ngay-thuong-binh-liet-sy-2771947-2772019-xung-danh-bo-doi-cu-ho-2956621/