Xứng danh đất thép Củ Chi
Củ Chi - TP HCM, nổi tiếng với quê hương địa đạo, với vùng đất thép thời nào cũng anh hùng, với con người đậm chất thủy chung, sắt son cách mạng, sâu nặng ân tình và ý chí vươn lên
Còn nhớ sau giải phóng, Củ Chi đã nhanh chóng rà phá bom mìn, làm hệ thống kênh mương thủy lợi, biến vành đai trắng thành vành đai xanh, đầu tư mạnh cho hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Với 1.400 tuyến đường có tổng chiều dài 700 km được xây dựng, với hệ thống trường lớp, bệnh viện, trạm y tế... khá đồng bộ, trong đó người dân Củ Chi đã hiến trên 700.000 m2 đất để làm đường và công trình công cộng.
Nhiều thay đổi
Trong chặng đường dài đó, sẽ thiếu sót nếu không kể rõ hơn về nhiệm kỳ vừa qua (2015-2020). Ở nhiệm kỳ này, với tất cả sự cố gắng, Đảng bộ và nhân dân Củ Chi đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong các chương trình trọng tâm. Đó là, chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt theo tiêu chí nâng cao của thành phố. Đó là, chương trình nước sạch với mạng lưới cấp nước có tổng chiều dài 1.476 km đã hoàn thành, các hộ dân trên địa bàn huyện đều được sử dụng và có thể tiếp cận nước sạch. Đó là, chương trình xây dựng trường đạt chuẩn đã thực hiện theo kế hoạch. Đặc biệt, chương trình xây dựng các khu nông nghiệp dân cư nhà vườn sinh thái kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng kết nối chuỗi tham quan những địa danh lịch sử, làng nghề truyền thống, vườn cây ăn trái ven sông Sài Gòn được tập trung đẩy mạnh.
Với những kết quả trên, từ huyện nghèo, thuần nông, Củ Chi đã chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp đô thị, ứng dụng khoa học công nghệ cao. Củ Chi nổi tiếng với đàn bò sữa, hoa lan cây kiểng, rau an toàn. Hoạt động du lịch truyền thống, sinh thái, nghỉ dưỡng, ẩm thực bước đầu thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Thương mại - dịch vụ phát triển mạnh theo hướng văn minh, hiện đại, mạng lưới các cửa hàng tiện ích phủ khắp các xã.
Đáng chú ý, việc xây dựng nông thôn mới ở Củ Chi không chỉ là xây dựng công trình mà là xây dựng cuộc sống mọi mặt của người dân, không chỉ lo làm kinh tế, thu nhập bình quân đạt 63,5 triệu đồng/người/năm mà còn là đời sống văn hóa, tinh thần. Giờ đây đã có 178/178 đạt chuẩn ấp, khu phố văn hóa, 18/20 xã đạt chuẩn văn hóa, nông thôn mới và thị trấn đạt văn minh đô thị. Việc thu gom rác sinh hoạt, rác y tế gần như 100%. Các khu dân cư đô thị hóa hình thành, cùng với nhà vườn, tiện nghi, tiện ích ngày càng nhiều hơn. Các mô hình tự quản về an ninh trật tự tiếp tục phát huy có hiệu quả. Cơ sở vật chất và trường lớp được huy động từ các nguồn đầu tư nên Củ Chi có hệ thống trường lớp khang trang ở các cấp học, có đến 102 trường tư, 66 trường đạt chuẩn. Bệnh viện và các cơ sở y tế được đầu tư và không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Các hoạt động văn hóa xã hội, phong trào về nguồn, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương... triển khai sâu rộng, thiết thực, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, việc giáo dục truyền thống luôn được coi trọng. Cùng với Đền Bến Dược, các khu di tích địa đạo Bến Dược, Bến Đình và vùng giải phóng được phục dựng còn có phòng truyền thống ở huyện, có Nhà truyền thống mẹ Nguyễn Thị Rành, có 21 phòng truyền thống ở tất cả các xã, thị trấn và các góc truyền thống ở các ấp (có 174/178 góc truyền thống). Củ Chi đã có nhiều nỗ lực trong việc chăm lo cho gia đình chính sách trên địa bàn (11.000 liệt sĩ, hơn 3.000 thương bệnh binh…) mà còn giúp các địa phương, các tỉnh thành khác.
Tiếp tục bứt phá
Mặc dù có nhiều kết quả trong chỉ đạo, điều hành nhưng Huyện ủy Củ Chi cho rằng sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn hạn chế; quản lý, phát triển đô thị còn bất cập; chưa phát huy tiềm năng, thế mạnh và triển khai các giải pháp đột phá chưa đạt như mong muốn... Để tiếp tục bứt phá, Củ Chi đã đề ra hàng loạt mục tiêu mang tính cấp bách và dài hơi trong nhiệm kỳ tới (2020-2025). Theo đó, Đảng bộ Củ Chi sẽ thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển nền nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất... gắn với bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân. Trong đó có xây dựng Khu du lịch nhà vườn sinh thái ven sông Sài Gòn, xây dựng các làng nghề, vườn cây ăn trái… Đặc biệt, xem xét điều chỉnh quy hoạch, mở rộng đường sá, tạo thêm quỹ đất để phát triển trường học, thiết chế văn hóa, thể thao và chăm lo giữ gìn trật tự trị an,…
Củ Chi đã có nhiều thay đổi về cảnh quan, cuộc sống. Con đường nào của Củ Chi cũng xanh, nhà cửa khang trang, sạch đẹp. Cho dù Củ Chi đã được công nhận hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới nhưng Đảng bộ và người dân còn nhiều nung nấu cho sự phát triển của quê hương. Chẳng thế mà gặp tôi, Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng nói việc thành phố đề xuất công nhận di sản văn hóa vật thể thế giới đối với Địa đạo Củ Chi là điều kiện thuận lợi, động lực thúc đẩy Củ Chi không ngừng vươn lên. Củ Chi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để xứng đáng với truyền thống anh hùng, tiếp tục xây dựng huyện văn hóa - nông thôn mới, có môi trường trong lành, có kinh tế phát triển mà vẫn giữ được bản sắc và phẩm chất tốt đẹp của con người Củ Chi.
Người dân hài lòng
Nhiệm kỳ vừa qua, công tác cải cách hành chính của huyện Củ Chi có bước chuyển tích cực, tăng cường công khai, minh bạch, giải quyết hồ sơ đúng hạn, mức độ hài lòng của người dân được nâng lên. Công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng được tăng cường và đã xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm. Trong nhiệm kỳ đã phát triển 1.702 đảng viên, đạt 126% chỉ tiêu đề ra.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/xung-danh-dat-thep-cu-chi-20200827205629762.htm