Xứng danh người chị, người anh
Vừa trở về từ thao trường, gương mặt sạm nắng còn ướt đẫm mồ hôi nhưng Đại úy Dương Thăng Long, Chính trị viên Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 82 (Quân khu 2) vẫn dành thời gian trò chuyện với chúng tôi.
Anh kể: Từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, như: Tiếp nhận, huấn luyện chiến sĩ mới, chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng các cấp... Trong số chiến sĩ mới năm nay, có khoảng 90% là người dân tộc thiểu số thuộc các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, trình độ nhận thức còn hạn chế, một số đồng chí đã có vợ, có con nên ngày mới vào đơn vị tỏ ra chưa tập trung tư tưởng thực hiện nhiệm vụ. Trước thực tế đó, chỉ huy các cấp, nhất là cán bộ chính trị thường xuyên nắm chắc tư tưởng, gần gũi, kịp thời động viên, khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi để chiến sĩ hòa nhập với môi trường quân ngũ. Trong số ấy có Vàng A Dè, chiến sĩ Đại đội 5, người dân tộc Mông, nhà ở bản Kể Cải, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa (Điện Biên). Vàng A Dè hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhà đông người nhưng không có việc làm và thu nhập. Trước ngày nhập ngũ, Dè đã lập gia đình. Từ lúc về đơn vị, Dè cảm thấy hụt hẫng vì nhớ vợ nên khi thực hiện nhiệm vụ được giao đều hoàn thành ở mức độ thấp. Từ đó Dè ngại tiếp xúc, trò chuyện với đồng đội. Để giải quyết vấn đề trên, hằng ngày chỉ huy đại đội, trung đội theo dõi sát tư tưởng, diễn biến tâm lý của những trường hợp như Dè và có biện pháp giáo dục, tuyên truyền riêng. Qua trao đổi, Dè mạnh dạn thổ lộ suy nghĩ và chia sẻ hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, vợ bị bệnh, không có việc làm nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Sau khi nắm bắt, chỉ huy đơn vị hội ý và động viên Dè hằng tháng tiết kiệm 500.000 đồng, mặt khác tài chính tạm ứng 2 tháng phụ cấp, cử người chở Dè ra bưu điện gửi số tiền về cho vợ chữa bệnh. Trước sự quan tâm của chỉ huy và đồng đội, Dè đã cởi mở hơn, chấp hành tốt quy định, học tập chăm chỉ nên kết quả kiểm tra các nội dung huấn luyện đều đạt khá.
Từ câu chuyện trên, thiết nghĩ, nếu người chỉ huy sâu sát đơn vị, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ sẽ có giải pháp phù hợp, hiệu quả trong công tác giáo dục, quản lý bộ đội. Việc gần gũi với bộ đội không những là tình cảm, trách nhiệm của chỉ huy nói chung, cán bộ chính trị nói riêng mà còn góp phần làm tròn bổn phận “... thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”, như Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.