Xứng danh Thành phố sáng tạo

Năm 2019, Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Điều này cho thấy vị thế quan trọng của Thủ đô - thành phố nổi danh với các danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, Thủ đô Anh hùng và được mệnh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.

Đây cũng là cơ hội để Hà Nội phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, tiềm năng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, sớm trở thành đô thị sáng tạo đích thực của cả nước và của khu vực.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà trao chứng nhận vinh danh các tập thể, cá nhân đóng góp xuất sắc cho sự thành công của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Ảnh: Phương Bùi

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà trao chứng nhận vinh danh các tập thể, cá nhân đóng góp xuất sắc cho sự thành công của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Ảnh: Phương Bùi

Khơi thông mạch nguồn sáng tạo nghìn năm

Đầu tháng 5-2024, Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật kết nối Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân được khai trương. Sự kiện này đã mang đến sự hứng khởi cho người dân và du khách khi lần đầu tiên được trải nghiệm hành trình đi bộ kết nối các không gian sáng tạo vừa đậm nét truyền thống vừa hiện đại, trẻ trung.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: “Hà Nội có lớp trầm tích văn hóa dày đặc, phong phú được hội tụ từ nghìn năm, đó là nguồn cảm hứng vô tận để chúng tôi thực hiện các không gian sáng tạo”.

Tour đi bộ kết nối các không gian sáng tạo nói trên chỉ là một trong số những dự án sáng tạo đang được thực hiện tại Hà Nội. Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hiện Thủ đô đang có hàng trăm không gian sáng tạo, dẫn đầu cả nước về số lượng. Trong đó, đáng chú ý là những không gian sáng tạo công cộng gắn liền với lợi ích của cộng đồng, như không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố bích họa Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm); phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ); không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây); không gian đi bộ Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng); dự án Tinh hoa làng nghề Việt (Bát Tràng, Gia Lâm)...

Nhiều di tích, di sản kiến trúc tại Hà Nội trở thành không gian sáng tạo nghệ thuật, thu hút đông đảo cộng đồng sáng tạo như Biệt thự Pháp số 49 Trần Hưng Đạo trở thành trung tâm giao lưu văn hóa phố cũ; Trung tâm Văn hóa, nghệ thuật 22 Hàng Buồm... Không ít nơi trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhờ đã nỗ lực đổi mới sáng tạo, như đã thấy với tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long...

Bên cạnh đó là sự xuất hiện của những không gian sáng tạo văn hóa - nghệ thuật - sân chơi của tư nhân mang hơi thở đương đại, trẻ trung, như Hợp tác xã Vụn Art (tranh ghép vải), Heritage Space, Café chiều thứ 7, Manzi, Ơ kìa Hà Nội, Workshop 282 Design, Hanoi Creative City...

Với truyền thống lịch sử hơn 1.000 năm, Thủ đô Hà Nội là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi kết nối mạch nguồn văn hóa và tinh hoa dân tộc Việt, là trung tâm văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, đồng thời cũng là một trung tâm sáng tạo đầy tiềm năng.

Ngày 30-10-2019, UNESCO đã công nhận thành phố Hà Nội là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo. Đây được xem là sự bổ sung xứng đáng để nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội.

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Wallace Baker nhận định: “Khi chọn tiêu chí về thiết kế, Hà Nội muốn gửi gắm thông điệp: Thiết kế gắn với tất cả các lĩnh vực văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa và các ngành công nghiệp sáng tạo. Đây là lựa chọn đúng đắn!”.

Thực tế chứng minh, sau gần 5 năm kể từ khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo, Hà Nội đang dần biến văn hóa thành trụ cột trong kế hoạch phát triển Thủ đô, tổ chức nhiều hoạt động nhằm hiện thực hóa các cam kết với UNESCO.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long đánh giá: "Mạch nguồn sáng tạo của Hà Nội đã được khơi nguồn từ hơn 1.000 năm qua và luôn đổi mới theo dòng chảy thời gian. Điều này đã giúp Hà Nội tạo nên bản sắc riêng trong kiến tạo đô thị, xây dựng văn hóa, con người Thủ đô thanh lịch, văn minh”.

Để vươn xa trong hành trình sáng tạo

Tiếp nối mạch nguồn sáng tạo ngàn năm, nhiều năm qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội các nhiệm kỳ rất quan tâm đến phát triển văn hóa, nguồn lực sáng tạo của Thủ đô. Nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch đã được ban hành nhằm xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo, như Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND về triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025...

Tại Hội nghị diễn đàn Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO khu vực Đông Nam Á diễn ra cuối năm 2023 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định: Việc gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, sau gần 5 năm thực hiện các sáng kiến về thiết kế sáng tạo trong chương trình phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội, đến nay, Thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả nhất định, tập trung vào 2 nhóm việc chính: Ban hành cơ chế, chính sách, kế hoạch thực hiện; tổ chức các hoạt động cụ thể thực hiện sáng kiến, cam kết. Nhiều cuộc thi gắn với thiết kế sáng tạo được tổ chức, như “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”, “Thiết kế Km số 0”, “Hà Nội sáng tạo”, “Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội”, Liên hoan sáng tạo và thiết kế Việt Nam...

Dấu ấn đậm nét trong nỗ lực đổi mới sáng tạo được thể hiện rõ qua Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội. Năm 2023, với việc tổ chức thành công Lễ hội thiết kế sáng tạo tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm với hơn 60 sự kiện bên lề, thu hút hơn 200.000 lượt người dân và du khách tham gia, Hà Nội trở thành tâm điểm chú ý của cả nước khi gợi mở cách thức làm sống dậy những di sản công nghiệp vốn đang “ngủ quên” nhờ đổi mới, sáng tạo.

Hà Nội đang kiên định từng bước hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực và thế giới. Để hiện thực hóa khát vọng này, theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, thời gian tới, Thủ đô cần chú trọng nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân về phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo. Làm sao để mỗi người dân phát huy hơn nữa tính sáng tạo trong mọi lĩnh vực, để sự sáng tạo trở thành chất liệu, động lực phát triển Thủ đô trong những năm tới...

Còn theo Giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, Hà Nội cần tăng cường xây dựng các chương trình giao lưu, kết nối với các thành phố sáng tạo trong khu vực và quốc tế; chủ động tham gia hoạt động của các thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO...

Nhìn lại chặng đường gần 5 năm kể từ khi Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, có thể thấy những nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền và khát vọng của nhiều đơn vị, cá nhân vì mục tiêu ươm mầm sáng tạo. Đó là cơ sở để thành phố tự tin đưa khát vọng đổi mới bay xa trong hành trình sáng tạo của Thành phố sáng tạo.

Hoàng Quyên

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xung-danh-thanh-pho-sang-tao-680847.html