Xung đột Ấn - Trung bùng phát: Ông Biden sẽ chọn ai?

Chính quyền ông Biden buộc phải chọn giữa việc củng cố đối tác lâu năm Ấn Độ hay cải thiện quan hệ với Trung Quốc giữa lúc căng thẳng Ấn - Trung chưa giảm nhiệt.

Đài BBC ngày 26-1 dẫn nguồn truyền thông Ấn Độ cho biết binh sĩ nước này đã đụng độ với một nhóm binh sĩ Trung Quốc (TQ) tìm cách băng qua đường biên giới hai nước tại khu vực Naku La, phía bắc bang Sikkim (Ấn Độ). Vụ việc làm ít nhất 20 lính TQ và bốn lính Ấn Độ bị thương. Đáng chú ý là thông tin về cuộc đụng độ này chỉ được tiết lộ một ngày sau cuộc đối thoại hòa bình lần thứ 9 cấp quân đoàn giữa tướng lĩnh Ấn Độ và TQ, kéo dài 15 tiếng từ hôm 24-1 đến gần sáng 25-1 mới kết thúc.

Căng thẳng Ấn-Trung chưa thể giảm nhiệt

Đến nay chưa có thông tin nào về kết quả cuộc gặp nói trên. Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc truyền thông Ấn Độ tiết lộ vụ đụng độ ở Naku La cho thấy khả năng cao hai bên không đạt được tiến triển nào sau đối thoại.

Tiêu điểm
Tờ South China Morning Post ngày 26-1 cho biết TQ đã triển khai số lượng lớn bệ phóng dành cho tên lửa đạn đạo tầm trung tiên tiến mới (IRBM) tới các khu vực phía đông và phía tây nước này để tập huấn. Chuyên gia nhận định các địa điểm tên lửa được triển khai đều đặt Ấn Độ, các căn cứ hải quân Mỹ ở Nhật vào tầm ngắm.

Tuần trước, trong một cuộc phỏng vấn với đài TimesNow, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh từng tuyên bố New Delhi sẽ không rút quân khỏi các điểm tranh chấp ở biên giới với TQ chừng nào Bắc Kinh chịu rút quân trước. Ông Singh cũng nhấn mạnh Ấn Độ đang triển khai xây dựng hạ tầng ở khu vực biên giới với “tốc độ cực kỳ nhanh chóng” để bắt kịp với lượng công trình quân sự và dân sự mà TQ đang gấp rút thi công ở đây.

“Chúng tôi vẫn đang rất nỗ lực để đàm phán với phía TQ nhằm tìm ra giải pháp hợp lý cho hai bên. Tuy nhiên, TQ đã nhiều lần phá vỡ niềm tin của Ấn Độ nên rất khó để tiến trình đàm phán có thể diễn ra suôn sẻ và kết thúc sớm như chúng ta đều mong muốn” - ông Singh nói thêm.

Về phía TQ, tờ Hoàn Cầu Thời báo mới đây dẫn lời chuyên gia Zhao Gancheng thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải (TQ) tuyên bố giới lãnh đạo chính quyền New Delhi lẫn cấp chỉ huy Ấn Độ hiện nay quá bảo thủ trong việc cho rằng TQ đang cố tình xâm lấn lãnh thổ của nước này, làm ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán hòa bình song phương.

“Nếu lãnh đạo Ấn - Trung thời gian tới không thể nhanh chóng đạt đồng thuận trong một loạt vấn đề, gồm việc bên nào rút quân trước, cách thức hoạch định phạm vi vùng đệm phi quân sự, cơ chế tuần tra sau khi rút quân... thì tình trạng đối đầu dài hạn tiếp diễn trong năm 2021 thật sự rất khó tránh khỏi” - ông Zhao cảnh báo.

Chờ bước đi của ông Biden

Nhìn lại năm 2020, khi căng thẳng Ấn - Trung bắt đầu leo thang, New Delhi đã cho thấy có xu hướng xích lại gần Mỹ, củng cố quan hệ với các thành viên khác thuộc “Bộ tứ kim cương” - diễn đàn chiến lược không chính thức của Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ.

Do đó, tờ The Print cho biết giới quan sát Ấn Độ dĩ nhiên trông chờ vào phản ứng sắp tới của chính quyền tân Tổng thống Joe Biden trước các diễn biến đang xảy ra, đặc biệt là khi nhà lãnh đạo này nhiều lần khẳng định củng cố hiện diện của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương là một trong những ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ.

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi (giữa) tiếp ông Joe Biden (phải) khi đó là phó tổng thống Mỹ và ông John Kerry (trái) khi đó là ngoại trưởng Mỹ, tháng 10-2014. Ảnh: PTI

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi (giữa) tiếp ông Joe Biden (phải) khi đó là phó tổng thống Mỹ và ông John Kerry (trái) khi đó là ngoại trưởng Mỹ, tháng 10-2014. Ảnh: PTI

“Ấn Độ là một trong những quốc gia rất kỳ vọng ông Biden sẽ tiếp nối chính sách cứng rắn với TQ của người tiền nhiệm Donald Trump. Chừng nào cuộc đối đầu Mỹ - Trung còn chi phối nền chính trị châu Á thì Ấn Độ vẫn sẽ là đối tác không thể thiếu của Mỹ” - cựu quan chức ngoại giao Ấn Độ Melkulangara Bhadrakumar nhận định.

Một trong những mối lo ngại hàng đầu của New Delhi hiện nay là bị chính quyền ông Biden “lãng quên”. Bởi dù ông Biden có thể hiện mức quan tâm cao cho châu Á - Thái Bình Dương thì ông cũng đã nhiều lần tuyên bố sẽ tìm cách đối đầu “có chọn lọc” với TQ, song song với việc tìm kiếm các lĩnh vực có thể hợp tác với Bắc Kinh, chẳng hạn như chống biến đổi khí hậu. Theo ông Bhadrakumar, “một nước Mỹ mềm mỏng với TQ thật sự không có lợi cho quan hệ Mỹ - Ấn nói riêng và các nước châu Á xung quanh nói chung”. Vì thế, “ông Biden cần phải làm rõ lập trường của mình về vấn đề này càng sớm càng tốt”.

Chuyên gia này cũng lưu ý là vào ngày 12-1, chỉ tám ngày trước khi ông Biden nhậm chức, chính quyền ông Trump đã cho giải mật 10 trang tài liệu về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với nội dung nhấn mạnh việc hợp tác với một Ấn Độ vững mạnh cùng các nước chung tầm nhìn khác sẽ tạo thành thế đối trọng hiệu quả với TQ.

“Dường như chính quyền ông Trump có ý muốn ràng buộc chính quyền ông Biden vào chiến lược đã định sẵn khi cho công bố tập tài liệu trên. Tuy nhiên, cũng không có lý do nào để ông Biden làm khác đi, bởi nếu Mỹ giúp tăng cường năng lực quốc phòng của Ấn Độ thì Mỹ sẽ có được một đối tác đáng tin cậy về an ninh ở châu Á” - ông Bhadrakumar nhận định.•

Bất chấp căng thẳng biên giới với TQ tiếp diễn, Ấn Độ ngày 4-2 tới sẽ chủ trì hội nghị bộ trưởng Quốc phòng các nước khu vực Ấn Độ Dương. Tờ The Print cho hay trọng tâm của hội nghị là thảo luận vấn đề an ninh và hợp tác, trong đó Ấn Độ kỳ vọng chào mời những trang thiết bị quốc phòng mới do nước này nghiên cứu chế tạo đến các đối tác khu vực.
Một quan chức giấu tên thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói với The Print rằng Ấn Độ Dương có vai trò chiến lược hết sức trọng yếu đối với nước này, là khu vực thuộc phạm vi mở rộng ảnh hưởng tự nhiên của Ấn Độ. TQ cũng đang gấp rút tăng cường hiện diện ở đây với việc cho các đội tàu đi dò thám các điểm chiến lược trước khi Ấn Độ bắt đầu tiến vào.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/xung-dot-an-trung-bung-phat-ong-biden-se-chon-ai-963948.html