Xung đột Armenia-Azerbaijan: Sau thỏa thuận chấm dứt xung đột, Baku đòi Yerevan bồi thường, Armenia rối ren

Ngày 11/11, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết, Baku sẽ mời các chuyên gia quốc tế để đánh giá thiệt hại gây ra cho các vùng lãnh thổ trong khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh đã được bàn giao cho Azerbaijan, đồng thời sẽ yêu cầu Armenia bồi thường thông qua tòa án quốc tế.

Người biểu tình phản đối thỏa thuận chấm dứt xung đột Armenia-Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh tại thủ đô Yerevan. (Nguồn: AP)

Người biểu tình phản đối thỏa thuận chấm dứt xung đột Armenia-Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh tại thủ đô Yerevan. (Nguồn: AP)

Hãng thông tấn nhà nước Azerbaijan dẫn phát biểu của ông Aliyev tại cuộc họp với các quân nhân rằng: "Tất cả thiệt hại về tinh thần và vật chất, cũng như mọi sự phá hủy sẽ được tính toán và chúng tôi sẽ đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế", đồng thời nhấn mạnh thêm Armenia "sẽ phải bồi thường".

"99% các tòa nhà bị phá hủy ở các vùng lãnh thổ được giải phóng, bao gồm các tòa nhà dân cư, trường học, bệnh viện, các tòa nhà công cộng, di tích lịch sử, lăng mộ tổ tiên và nhà thờ Hồi giáo của chúng ta", ông Aliyev cho biết thêm.

Trong khi đó, tình hình Armenia đang lâm vào rối ren khi phong trào biểu tình phản đối thỏa thuận chấm dứt xung đột Nagorno-Karabakh dâng cao.

Hôm 9/11, sau khi các bên thông báo về thỏa thuận chấm dứt xung đột này, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã mô tả đây là quyết định rất khó khăn song không thể làm dịu cơn giận giữ của những người chỉ trích ông. Việc Tổng thống Azerbaijan gọi thỏa thuận này là sự đầu hàng của Armenia càng làm ông Pashinyan khó ăn nói với đồng bào.

Ông Ishkhan Saghatelyan - đại diện của Hội đồng tối cao Liên đoàn Cách mạng Armenia, một trong những chính đảng lâu đời nhất Armenia - cho biết: "Chúng tôi đang cho ông Pashinyan thời gian để từ chức và cũng yêu cầu triệu tập một phiên họp đặc biệt của Quốc hội về vấn đề tương tự".

Theo ông Saghatelyan, nếu ông Pashinyan không theo tối hậu thư này, người biểu tình sẽ tổ chức một cuộc họp báo lúc 20h 30 phút (giờ GMT, tức 3h 30 phút ngày 12/11 theo giờ Hà Nội), để trình bày các bước tiếp theo và nỗ lực giải quyết vấn đề trước tối 12/11.

Trong ngày 11/11, người biểu tình tại Armenia đã tập trung trước tòa nhà Quốc hội nước này ở thủ đô Yerevan.

Ông Saghatelyan cho biết thêm, phe đối lập muốn tránh một cuộc bạo động nhưng chắc chắn người dân sẽ hưởng ứng lời kêu gọi của họ, tiến hành biểu tình trên toàn quốc. Ông cũng cảnh báo nhà chức trách về các vụ bắt giữ hàng loạt, nói rằng đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng của họ.

Trong khi đó, tối 11/11, nghị sĩ đối lập Naira Zohrabyan cho biết, cuộc họp bất thường của Quốc hội Armenia về việc bãi nhiệm Thủ tướng Pashinyan đã không diễn ra "vì không đủ số đại biểu hợp lệ”.

Bà nói thêm, chỉ có Phó Chủ tịch Quốc hội Lena Nazaryan tham dự cuộc họp. Các đại biểu khác của đảng cầm quyền không xuất hiện.

(theo TASS, AP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-armenia-azerbaijan-sau-thoa-thuan-cham-dut-xung-dot-baku-doi-yerevan-boi-thuong-armenia-roi-ren-128929.html