Xung đột Azerbaijan-Armenia leo thang: Động cơ thực sự của các bên là gì?

Azerbaijan dường như đang tạo ra một 'phép thử' đối với những cam kết của Nga, đồng thời gây sức ép với Armenia để đạt được một kết quả ngoại giao?

Azerbaijan đã tiến hành một cuộc tấn công trên diện rộng nhằm vào các mục tiêu tại Armenia. (Nguồn: AFP)

Azerbaijan đã tiến hành một cuộc tấn công trên diện rộng nhằm vào các mục tiêu tại Armenia. (Nguồn: AFP)

Leo thang chưa từng có tiền lệ

Azerbaijan đã tiến hành một cuộc tấn công trên diện rộng nhằm vào các mục tiêu tại Armenia, một sự leo thang chưa từng có tiền lệ trong cuộc xung đột kéo dài giữa hai bên.

Bộ Quốc phòng Armenia thông báo các cuộc tấn công, diễn ra vào khoảng nửa đêm 12 và rạng sáng ngày 13/9, nhằm vào các thành phố dọc biên giới phía Nam của Armenia với Azerbaijian, bao gồm các khu vực như Vardenis, Sotk, Artanish, Ishkhanasar, Goris và Kapan.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết họ chỉ đơn thuần tiến hành “các biện pháp phòng vệ địa phương” để đáp trả “hành vi khiêu khích trên diện rộng” từ Armenia.

Azerbaijan thường xuyên sử dụng biện pháp leo thang quân sự trong cuộc xung đột với Armenia để gây sức ép nhằm đạt kết quả ngoại giao. Với những diễn biến vừa qua, chưa rõ liệu đây có phải là một nỗ lực khác của Baku nhằm đạt lợi ích ngoại giao hay là bước đệm cho nhiều hành động quân sự hơn.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay trong sáng 13/9 và đề nghị Moscow hỗ trợ quân sự theo các cam kết của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Bộ Ngoại giao Nga thông báo họ đã nhận được yêu cầu hỗ trợ của Armenia nhưng không nói chi tiết Moscow sẽ phản ứng như thế nào.

Nga là bên bảo đảm cho thỏa thuận ngừng bắn kết thúc cuộc chiến năm 2020 giữa Armenia và Azerbaijan. Hiện có gần 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình đóng tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh. Nga cũng duy trì một căn cứ quân sự ở Gyumri, phía Tây Bắc Armenia, tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có sự hiện diện của vài nghìn binh sĩ.

Kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát, đã có những dấu hiệu cho thấy Azerbaijan có thể đang thăm dò khả năng sẵn sàng của Nga trong việc duy trì hòa bình khu vực.

Đổ lỗi lẫn nhau

Trong những ngày trước khi xung đột mới bùng phát, Azerbaijan đã liên tục cáo buộc Armenia vi phạm lệnh ngừng bắn, song Yerevan phủ nhận các thông tin này. Azerbaijan cũng thường xuyên cáo buộc Armenia chậm thực hiện các nghĩa vụ trong thỏa thuận ngừng bắn để tiến tới thỏa thuận hòa bình cuối cùng nhằm giải quyết xung đột.

Tuyên bố của Azerbaijan suy đoán rằng Armenia đang sử dụng "các hành động khiêu khích" để làm chậm quá trình hoàn thiện các dự án cơ sở hạ tầng do Azerbaijan thực hiện ở các khu vực biên giới và "duy trì bầu không khí căng thẳng" gần biên giới của Azerbaijan.

Farid Shafiyev, một cựu quan chức ngoại giao và Giám đốc Trung tâm Phân tích Quan hệ Quốc tế do chính phủ tài trợ ở Baku, bình luận: “Một trong những nguyên nhân chính của các cuộc đụng độ hiện nay giữa Armenia và Azerbaijan không chỉ là thiếu hiệp ước hòa bình mà còn do thiếu vắng những tiến bộ có ý nghĩa về một số vấn đề như phân định (biên giới) và các liên kết giao thông”.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu và Á-Âu Karen Donfried đã trao đổi với cả Thủ tướng Armenia Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev. Ngoại trưởng Anthony Blinken cũng ra một tuyên bố bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các cuộc tấn công vào lãnh thổ Armenia.

Theo các nguồn tin, ông Pashinyan đã nói chuyện với Tổng thống Iran Ibrahim Raisi, người được cho là đã gợi mở ý định của Azerbaijan về một tuyến giao thông mới nối vùng ngoại ô Nakhchivan với đất liền Azerbaijan, một tuyến đường mà Baku gọi là “hành lang Zangezur”. Tuyến đường này sẽ đi dọc theo biên giới của Armenia với Iran, và có thể tiềm ẩn nguy cơ cho thương mại Armenia-Iran.

Văn phòng báo chí của Thủ tướng Pashinyan nói: “Tổng thống Iran nhắc lại lời của Lãnh tụ tối cao Khamenei nhấn mạnh rằng mối quan hệ của Iran với Armenia không nên bị đe dọa và các quốc gia cần phải kiểm soát các kênh liên lạc”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Azerbaijan Zakir Hasanov đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Hulusi Akar của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh thân cận nhất của Azerbaijan. Ông Hasanov đã thông báo cho ông Akar về “các hành động khiêu khích của người Armenia”, nói rằng Azerbaijan “đã ngăn chặn những bước đi này”. Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan từng tiến hành các cuộc tập trận chung ở Azerbaijan trong khoảng thời gian trước khi xung đột leo thang.

Một số nguồn thạo tin cho biết sau các cuộc tấn công, người ta đã nhắc đến việc thiết lập “vùng đệm” dọc theo biên giới của Armenia với Azerbaijan.

Trang mạng report.az của Azerbaijan cho rằng, các binh sỹ Armenia cần được đưa khỏi lãnh thổ của Azerbaijian và nên thiết lập một vùng an toàn, nói đơn giản là ‘vùng đệm’ gần biên giới với Azerbaijian.

“Một vùng an toàn, tức là ‘ vùng đệm’ cần được thiết lập… Armenia nên hiểu rằng từ nay Azerbaijan sẽ không cho phép bất kỳ sự tùy tiện nào nữa. ‘Vùng đệm’ nên được thiết lập để đảm bảo Armenia không gây ra mối đe dọa cho lực lượng biên phòng, binh lính và cơ sở hạ tầng quân sự của Azerbaijan”, trích bài đăng trên report.az.

(theo Eurasia Review)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-azerbaijan-armenia-leo-thang-dong-co-thuc-su-cua-cac-ben-la-gi-198134.html