Xung đột biên giới: Trung Quốc đã để mất 'một thế hệ' Ấn Độ

Giới chuyên gia nhận định, căng thẳng tại biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ có thể khiến nền kinh tế thứ hai thế giới để mất một thế hệ tại Ấn Độ - những người từng xem Trung Quốc là cơ hội và khiến quan hệ của hai cường quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng về dài hạn.

Xung đột biên giới giữa hai cường quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng lâu dài đến mối quan hệ kinh tế và chính trị. (Nguồn: Global Times)

“Thùng thuốc súng” chờ phát nổ

Chiến tranh biên giới Ấn-Trung bùng phát vào năm 1962. Đụng độ tái diễn vào năm 1967, song cả hai bên dường như đều cố tránh để phát sinh những vụ việc có thể kích động đối phương quá mức.

Tuy nhiên, xung đột lại bùng lên vào ngày 15/6, khiến cả hai nhà lãnh đạo có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa là Narendra Modi và Tập Cận Bình phải đối mặt với thách thức mới khi lực lượng cả hai bên đều ghi nhận thương vong.

Bối cảnh hiện nay được ví như một “thùng thuốc súng” có thể phát nổ bất kỳ lúc nào. Phong cách chính trị của hai nhà cầm quyền cứng rắn tại hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này trên thực tế khiến họ khó có thể tỏ ra nhân nhượng trong những vấn đề liên quan tới chủ quyền quốc gia và quyền kiểm soát lãnh thổ.

Xung đột ở vùng biên giới diễn ra sau khi Trung Quốc tăng cường lực lượng và triển khai xây dựng trong khu vực, và đặc biệt là tăng mật độ các cuộc tuần tra dọc Đường Kiểm soát thực tế (LAC), biên giới trên thực tế giữa hai quốc gia và là nơi giới cầm quyền quân sự luôn nhận thức được nguy cơ leo thang căng thẳng.

Andrew Small, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Marshall Đức, bình luận: “Đây có vẻ như là một bước đi có chủ đích của Trung Quốc nhằm tiến tới mục tiêu là thay đổi hiện trạng khu vực”.

Dù những thông tin về khu vực biên giới khá rời rạc và chủ yếu là do các nguồn tin từ Ấn Độ cũng như các ảnh chụp vệ tinh, song cũng đủ để người ta hình dung rõ hơn về sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Ông Small nói: “Trung Quốc đang củng cố vị thế của mình ở nhiều nơi, không chỉ đơn thuần là tiến hành các cuộc tuần tra dọc LAC mà còn xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng và duy trì sự hiện diện thường trực”.

Ảnh hưởng nghiêm trọng về dài hạn

Giới quan sát cho rằng, đây không phải là thời điểm phù hợp để Bắc Kinh khuấy động căng thẳng với New Delhi. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp Covid-19, mối quan hệ với Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ khi hai bên tái thiết các kết nối ngoại giao vào những năm 1970.

Chính quyền Trung Quốc cũng đã phát động chiến tranh thương mại với Australia để trả đũa việc nước này đi đầu trong nỗ lực kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc Covid-19, và bên cạnh đó là bế tắc trong quan hệ với Canada sau khi Ottawa bắt giữ một lãnh đạo cấp cao của Huawei.

Một số nhà phân tích nhận định, vụ việc vừa diễn ra tại vùng biên giới với Ấn Độ là cách nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình - người đang đối mặt với hàng loạt thách thức từ nền kinh tế cũng như từ mối quan hệ với đối tác thương mại hàng đầu - phản ứng trước áp lực trong nước.

Taylor Fravel, Giám đốc chương trình nghiên cứu an ninh thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) bình luận: “Dịch Covid-19, làn sóng chỉ trích Trung Quốc trên quy mô quốc tế, cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước và sự xói mòn trong mối quan hệ Mỹ-Trung đã khiến Bắc Kinh có lập trường cứng rắn trong hàng loạt vấn đề chủ quyền để thể hiện rằng họ không hề nao núng”.

Buộc phải lựa chọn giữa việc chấp nhận hoặc leo thang căng thẳng, không quốc gia nào muốn đối đầu Trung Quốc. Những bình luận mà Thủ tướng Modi đưa ra hôm 19/6 cho thấy ông sẵn sàng đánh đổi những thiệt hại về chính trị để tránh làm căng thẳng leo thang.

Giáo sư chính trị June Dreyer tại Đại học Miami (Mỹ), bình luận: “Từ góc độ Trung Quốc, họ chẳng có lý do gì để không lấn tới”. Nếu kinh tế Trung Quốc hiện lớn gấp 5 lần nền kinh tế Ấn Độ, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cũng được báo cáo là ở khoảng 100 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với Ấn Độ và thực tế còn có thể lớn hơn.

Giới chuyên gia nhận định, dù các cuộc biểu tình trên đường phố Ấn Độ và đe dọa tẩy chay hàng hóa Trung Quốc khó có khả năng tác động trên phương diện kinh tế và Ấn Độ không tỏ ý cứng rắn về mặt quân sự, song rất có thể Bắc Kinh đã đánh giá thấp những thiệt hại từ vụ việc này.

Những người thiệt mạng và sự đổ vỡ của các thỏa thuận ngầm tránh thương vong, nhiều khả năng sẽ càng khiến dư luận nói chung và cả giới chính trị gia gay gắt hơn với Trung Quốc.

Điều này chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nghiêm trọng trong dài hạn cả về khía cạnh kinh tế và ngoại giao của hai cường quốc.

Giám đốc dự án Ấn Độ tại Viện Brookings (Washington, Mỹ) Tanvi Madan bình luận: “Tôi cho rằng Trung Quốc đã để mất một thế hệ tại Ấn Độ - những người từng xem Trung Quốc là cơ hội... Đã có những cuộc tranh luận trong nội bộ (về mối quan hệ với Trung Quốc), và những gì diễn ra gần đây càng củng cố hơn nữa lập trường của những người kêu gọi xét lại (mối quan hệ này)".

Ông Madam cho rằng "điều này sẽ đặt dấu chấm hết cho quan điểm cho rằng sự phụ thuộc về kinh tế có thể xoa dịu các căng thẳng chính trị”.

(theo The Guardian)

Thái Bình

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-bien-gioi-trung-quoc-da-de-mat-mot-the-he-an-do-118006.html