Xung đột, cấm vận gây khó cho công tác cứu trợ tại Syria

Ngay cả trước trận động đất kinh hoàng hôm 6-2, Syria đã khó tiếp nhận viện trợ do xung đột, cộng thêm lệnh cấm vận từ phương Tây. Giờ đây, tình hình càng nghiêm trọng hơn khi hàng chục ngàn người chết và bị thương do động đất cần thêm thuốc men, lương thực.

Trả giá bằng sinh mạng

Khoảng một nửa số người Syria sống ở các khu vực do Chính phủ Syria kiểm soát, bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Một nửa còn lại sống ở khu vực Idlib, thành trì lớn cuối cùng của các nhóm đối lập và khu vực lân cận của tỉnh Aleppo (sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ do phiến quân nắm giữ).

Trận động đất cũng đã phá hủy hệ thống giao thông ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, gây thêm cản trở công tác viện trợ đến miền Bắc Syria, khu vực đã bị tàn phá sau 12 năm xung đột.

Trong khi đó, chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Assad vẫn còn bị phần lớn các nước phương Tây cấm vận, chỉ một số nước miễn cưỡng chuyển viện trợ trực tiếp qua Chính phủ Syria. Theo AP, các quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã nói rõ rằng, trận động đất sẽ không thay đổi lệnh cấm vận của họ.

Một trong các em bé được cứu khỏi đống đổ nát ở Idib, Syria

Một trong các em bé được cứu khỏi đống đổ nát ở Idib, Syria

Trong khi đó, các nhân viên cấp cứu tại Syria cho biết, sự chậm trễ về viện trợ có thể phải trả giá bằng mạng sống. Các đội cứu hộ địa phương phải vật lộn để kéo các gia đình và trẻ em khỏi đống đổ nát và tìm nhà ở cho những người sống sót giữa thời tiết mùa đông khắc nghiệt.

Theo ông Aron Lund, thành viên của Tổ chức tư vấn Century International có trụ sở tại New York, vấn đề quan trọng làm phức tạp việc phân bổ hàng viện trợ tại Syria còn do phân chia giữa các khu vực do quân nổi dậy, hay do chính phủ kiểm soát.

Người phát ngôn của Liên hiệp quốc (LHQ) cho biết, việc vận chuyển hàng viện trợ tới Tây Bắc Syria đã “tạm thời bị gián đoạn” do cơ sở hạ tầng bị hư hại và khó tiếp cận đường bộ.

Theo bà Emma Beals, thành viên không thường trú tại Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington, thiệt hại đối với sân bay Hatay và con đường dẫn đến cửa khẩu biên giới Bab al-Hawa được sử dụng để vận chuyển hàng hóa đã làm trì hoãn các chuyến hàng cứu trợ. Viện trợ thông qua Bab al-Hawa giúp cung cấp cho khu vực Idlib 80% nhu cầu thiết yếu, từ tã lót và chăn cho đến thực phẩm. Các đội tìm kiếm quốc tế có thể cố gắng vào các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất do các nhóm phiến quân kiểm soát.

Theo ABC News, nhiều người xúc động trước đoạn phim về cuộc giải cứu 2 bé gái và một bé trai được tổ chức White Helmet kéo ra khỏi đống đổ nát của một tòa nhà ở Idlib, Syria trong tiếng reo hò tưng bừng của đám đông lớn. Một trong các bé mang tên Beyz, 4 tuổi, hiện sức khỏe rất tốt.

Còn theo AP, đội cứu hộ đã cứu được một bé gái được sinh ra giữa đống đổ nát của trận động đất, mặc dù không ai trong gia đình của bé sống sót. Anh Saleh al-Badran, người họ hàng, cho biết 7 người trong gia đình gồm cha, mẹ và các con đều đã chết, chỉ có đứa trẻ sơ sinh sống sót. Đoạn phim về cuộc giải cứu cho thấy một người đàn ông bế đứa trẻ sơ sinh sau khi em được tìm thấy trong đống đổ nát, dây rốn của em vẫn còn dính liền với mẹ. Em bé đã được chuyển đến bệnh viện và đưa vào nằm trong lồng kính trong tình trạng ổn định.

Kêu gọi dỡ bỏ cấm vận

Đặc phái viên của LHQ tại Syria, ông Bassam Sabbagh, nhấn mạnh rằng, loại trừ việc mở lại bất kỳ cửa khẩu biên giới nào khác vào các khu vực do phiến quân kiểm soát, thay vào đó, tất cả hàng viện trợ nên thông qua Chính phủ Syria. Nhờ đó, các đoàn xe viện trợ và lực lượng cứu hộ từ một số quốc gia, đặc biệt là Nga, cùng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Iraq, Iran và Algeria, đã hạ cánh xuống các sân bay ở Syria do chính phủ kiểm soát. UAE cam kết hỗ trợ trị giá khoảng 13,6 triệu USD cho Syria, khoản viện trợ này có thể sẽ đến được với nước này ngay lập tức.

Ngoài ra, tại một cuộc họp báo hôm 7-2 ở Damascus, người đứng đầu Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Syria Khaled Hboubati cho biết, “sẵn sàng cung cấp hàng cứu trợ cho tất cả các khu vực của Syria”.

Ông Hboubati kêu gọi EU dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Syria trước sự tàn phá nặng nề do trận động đất gây ra. Về lý thuyết, không thể ngừng các hoạt động viện trợ trong các khu vực của Chính phủ Syria kiểm soát vì cả Mỹ và EU đều có miễn trừ đối với viện trợ nhân đạo. Nhưng thực tế lại khác, các ngân hàng vẫn tiếp tục chặn tiền để chuyển trả cho các nhà cung cấp hoặc công nhân địa phương tham gia công tác viện trợ vì sợ vi phạm các lệnh cấm vận. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và của EU ở mức nào đó đang cố gắng ngăn chặn việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng và tài sản bị hư hại ở các khu vực do Chính phủ Syria nắm giữ. Nếu không có giải pháp chính trị, điều này có thể cản trở quá trình phục hồi sau động đất.

Ở cả hai miền Bắc và Nam của Syria, các nhân viên cấp cứu địa phương cho biết, chỉ có một lượng viện trợ hạn chế đến được với họ. Ông Raed Saleh, người đứng đầu lực lượng cứu hộ White Helmet tại Syria, cho biết, phụ trách các hoạt động tại Syria của tổ chức từ thiện Pháp Bác sĩ không biên giới (MSF), Syria vẫn là một vùng xám xét từ quan điểm pháp lý và ngoại giao. Một nguồn tin Chính phủ Đức cho biết, trong thời điểm hiện tại, Đức sẽ sử dụng “các kênh thông thường” của các tổ chức phi chính phủ để tiếp cận những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Theo Ngoại trưởng Annalena Baerbock, tất cả các bên tham gia nỗ lực viện trợ quốc tế nên sử dụng ảnh hưởng của mình để đảm bảo hàng viện trợ nhân đạo kịp thời đến với các nạn nhân động đất.

Một số trận động đất kinh hoàng nhất kể từ năm 2000

* Ngày 22-6-2022: Hơn 1.100 người chết trong trận động đất mạnh 6,1 độ richter tại Afghanistan.

* 14-8-2021: Trận động đất mạnh 7,2 độ richter khiến hơn 2.200 người ở Haiti thiệt mạng.

* 28-9-2018: Một trận động đất mạnh 7,5 độ richter tấn công Indonesia, hơn 4.300 người thiệt mạng.

* 25-4-2015: Tại Nepal, hơn 8.800 người thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,8 độ richter.

* 11-3-2011: Động đất mạnh 9 độ richter ngoài khơi bờ biển phía Đông Bắc Nhật Bản gây ra sóng thần, khiến hơn 20.000 người thiệt mạng.

* 12-1-2010: 316.000 người chết trong trận động đất mạnh 7 độ richter ở Haiti, theo ước tính của chính phủ.

* 30-9-2009: Hơn 1.100 người chết khi trận động đất mạnh 7,5 độ richter tấn công miền Nam Sumatra ở Indonesia.

* 12-5-2008: Một trận động đất mạnh 7,9 độ richter tấn công phía Đông Tứ Xuyên, Trung Quốc, khiến hơn 87.500 người thiệt mạng.

* 26-5-2006: Hơn 5.700 người thiệt mạng khi trận động đất mạnh 6,3 độ richter tấn công đảo Java của Indonesia.

* 8-10-2005: Trận động đất mạnh 7,6 độ richter cướp đi mạng sống của hơn 80.000 người ở Kashmir, Pakistan.

* 26-12-2004: Trận động đất mạnh 9,1 độ richter ở Indonesia gây ra sóng thần trên khắp Ấn Độ Dương. Hơn 230.000 người ở hàng chục quốc gia thiệt mạng.

* 26-12-2003: Một trận động đất mạnh 6,6 độ richter tấn công Đông Nam Iran, khiến 50.000 người thiệt mạng.

* 26-1-2001: Trận động đất mạnh 7,7 độ richter tấn công Gujarat, Ấn Độ, cướp đi mạng sống của hơn 20.000 người.

HẠNH CHI

KHÁNH MINH tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xung-dot-cam-van-gay-kho-cho-cong-tac-cuu-tro-tai-syria-post678104.html