Xung đột Dải Gaza: Israel và LHQ đối đầu gay gắt, nhóm Hamas gửi phản hồi sơ bộ về đề xuất ngừng bắn 60 ngày
Căng thẳng giữa Israel và các tổ chức nhân đạo quốc tế leo thang khi nước này cáo buộc Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) có liên hệ với phong trào Hamas.

Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Danny Danon cáo buộc OCHA là cánh tay tuyên truyền của Hamas. (Nguồn: UN)
Báo Times of Israel đưa tin, căng thẳng leo thang khi Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc (LHQ) Danny Danon tuyên bố tại Hội đồng Bảo an rằng, OCHA "không còn là một cơ quan nhân đạo nữa" mà đã trở thành "cánh tay tuyên truyền của nhóm Hamas".
Israel cho biết, có bằng chứng cáo buộc mối liên hệ giữa OCHA và lực lượng Hamas, dẫn đến quyết định siết chặt kiểm tra an ninh đối với nhân viên của tổ chức này. Đáng chú ý, ông Jonathan Whittall, người đứng đầu OCHA tại các vùng lãnh thổ Palestine, bị yêu cầu rời khỏi Israel trước ngày 29/7.
Đáp lại những cáo buộc này, người phát ngôn Stephane Dujarric của Tổng thư ký LHQ cho rằng, chính Israel mới là bên gây cản trở khi không cấp đủ giấy phép cần thiết cho nhân viên LHQ tiếp cận nguồn viện trợ. Ông nhấn mạnh, việc vận chuyển hàng viện trợ đòi hỏi sự chấp thuận của Israel, đồng thời chỉ ra dấu hiệu nước này không muốn tạo điều kiện cho nhân viên LHQ thực hiện nhiệm vụ.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo về nạn đói lan rộng ở Dải Gaza. Hơn 100 tổ chức viện trợ và các nhóm nhân quyền, trong đó có Tổ chức Bác sĩ không biên giới và Oxfam, cũng đưa ra cảnh báo tương tự về nạn đói hàng loạt đang lan rộng ở Gaza.
Liên quan tình hình giải quyết xung đột ở Dải Gaza, ngày 23/7, báo The National của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) dẫn các nguồn tin cho biết, phong trào Hamas đã gửi phản hồi sơ bộ và một phần tới các nhà trung gian về đề xuất ngừng bắn cũng như trao đổi con tin với Israel.
Theo đó, lực lượng Hamas đồng ý vô điều kiện lệnh ngừng bắn 60 ngày, viện trợ nhân đạo đầy đủ sẽ được đưa vào Gaza, chủ yếu thông qua cửa khẩu Rafah giữa Gaza và Ai Cập. Nhóm cũng nhất trí về nguyên tắc với hầu hết các bản đồ mà Israel trình bày về việc tái triển khai quân đội tại Gaza.
Tuy nhiên, Hamas đang xem xét lại bản đồ với các phe phái kháng chiến khác ở Gaza, đồng thời muốn quân đội Israel rút khỏi thành phố Deir Al Balah ở khu vực trung tâm Gaza và thành phố Khan Younis ở phía Nam dải đất này.
Nhóm vũ trang này cũng dự kiến cung cấp cho các bên trung gian thời hạn cuối cùng để trả tự do cho 10 con tin Israel và hài cốt của 18 người đã chết trong thời gian bị giam giữ ở Gaza. Bên cạnh đó, các nhà quan sát cho rằng, dường như nhóm đã từ bỏ điều kiện muốn Mỹ bảo đảm rằng, các cuộc đàm phán về xung đột ở Dải Gaza sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, nhóm bác bỏ yêu cầu của Israel về việc giao nộp toàn bộ vũ khí, thay vào đó đề xuất phương án hạ vũ khí và cất giữ dưới sự giám sát quốc tế, trong trường hợp một lệnh ngừng bắn dài hạn được thiết lập. Nhóm này cũng chấp thuận để các thủ lĩnh sống lưu vong, với điều kiện họ và gia đình không trở thành mục tiêu tấn công.
Giới quan sát cho rằng những diễn biến mới nhất đang mở ra hy vọng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin trong thời gian tới. Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff dự kiến đến châu Âu vào ngày 24/7 và có chuyến thăm Qatar vào ngày 25/7 nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán.