Xung đột diễn biến'nóng' ở đông Ukraine, 25.000 cư dân Donbass ồ ạt sơ tán sang Nga
Xung đột đã leo thang nhanh chóng tại Donbass, miền đông Ukraine, diễn biến khiến hàng chục ngàn cư dân địa phương gốc Nga ồ ạt sơ tán qua biên giới.
Xung đột leo thang
Vào ngày 18/2, xung đột ở Donbass, đông Ukraine đã “nóng” trở lại sau nhiều năm, sau khi các nhà lãnh đạo ly khai thân Nga ở hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk (DPR, LPR) trong khu vực kêu gọi dân thường sơ tán.
Sau khi xung đột tái bùng phát từ ngày 17/2, các cuộc pháo kích quanh đường giới tuyến tại Donbass giữa quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai có dấu hiệu leo thang. Mỗi bên đều đưa ra các bằng chứng cáo buộc bên kia.
Sáng 19/2, Sputnik dẫn nguồn từ Ủy ban giám sát đặc biệt (SMM) của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Ukraine, cho biết, cơ quan này đã ghi nhận 222 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn ở khu vực Donetsk và 648 vụ ở khu vực Luhansk.
"Tại khu vực Donetsk, SMM đã ghi nhận 222 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn, trong đó có 135 vụ nổ. Trong kỳ báo cáo trước đó đã ghi nhận 189 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn trong khu vực. Tại khu vực Luhansk, phái bộ đã ghi nhận 648 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn, trong đó có 519 vụ nổ. Trong kỳ báo cáo trước, đã ghi nhận 402 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn trong khu vực.”, OSCE SMM cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày 18/2.
Lực lượng ly khai cáo buộc quân chính phủ đã tấn công các ngôi làng trong khu vực do họ kiểm soát bằng súng cối, súng phóng lựu và súng máy. Trong khi chính phủ Ukraine khẳng định lực lượng ly khai đã gây hấn khi tấn công một doanh trại quân đội.
Cũng trong sáng 19/2, Sputik dẫn nguồn tin từ LPR nói, một vụ nổ mạnh đã tấn công Luhansk khiến đường ống dẫn khí đốt Druzhba bốc cháy.
Các quan chức Ukraine phủ nhận mọi kế hoạch tái chiếm Donbass bằng vũ lực, cáo buộc diễn biến tình hình là một nỗ lực của Nga nhằm tạo cớ để tiến hành một cuộc xâm lược Kiev.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Oleksiy Reznikov, tuyên bố, Kiev không có kế hoạch hành động quân sự hoặc chiến dịch quân sự nào ở Donbass; nhấn mạnh, nước này lựa chọn hành động theo đường lối ngoại giao chính trị.
Ngày 18/2, giữa các cuộc tấn công, các nhà chức trách DPR và LPR đã bắt đầu sơ tán dân thường đến Nga, do lo ngại khả năng xâm nhập của quân đội chính phủ Ukraine.
Khoảng 25.000 cư dân của LPR đã vượt qua biên giới Ukraine sang tỉnh Rostov Oblast của Nga, chạy trốn khỏi sự leo thang bạo lực ở Donbass, một phát ngôn viên của Cơ quan Tình trạng khẩn cấp LPR cho biết hôm 19/2.
Trong khi nhiều đoàn xe buýt cũng đã được chuẩn bị để sơ tán khoảng 10.000 người khác, ưu tiên phụ nữ, trẻ em và người già.
DPR cho biết, có kế hoạch sơ tán 500 - 700 nghìn cư dân đến Nga.
Ngày 19/2, theo Sputnik, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho Quyền Bộ trưởng Tình trạng khẩn cấp Alexander Chupriyan lập tức bay đến tỉnh Rostov để tổ chức các hoạt động hỗ trợ và tiếp nhận người tị nạn từ Donbass.
Theo ông Chupriyan, những người tị nạn sẽ được cung cấp nơi ở, nhu yếu phẩm và chăm sóc y tế cũng như hỗ trợ tài chính.
Một số nhà quan sát cho rằng, việc sơ tán quy mô lớn của chính phủ tự xưng DPR và LPR có thể là bước chuẩn bị ban đầu cho một cuộc chiến toàn diện với quân chính phủ Ukraine với sự hỗ trợ của Nga.
LHQ kêu gọi kiềm chế
Trước diễn biến ‘nóng’ tại đông Ukraine, OSCE bày tỏ quan ngại về hoạt động quân sự gia tăng tại đây.
"Chúng tôi quan ngại sâu sắc về sự gia tăng bạo lực vũ trang được báo cáo ở miền đông Ukraine. Chúng tôi nhắc lại sự cần thiết phải kiềm chế việc sử dụng vũ lực và giảm leo thang tình hình trong khu vực vốn đã căng thẳng. Kiềm chế, đối thoại và thái độ trách nhiệm là điều tối quan trọng hiện nay.", Chủ tịch OSCE, Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau và Tổng thư ký OSCE Helga Maria Schmid cho biết trong một tuyên bố.
Lời kêu gọi tương tự cũng đã được LHQ đưa ra.
"Phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề chính trị Rosemary DiCarlo đã bày tỏ rất rõ ràng mối quan ngại của Liên hợp quốc về các báo cáo vi phạm dọc theo đường biên ở Donbass. Và vẫn như trước đây, chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo địa phương và các nhà lãnh đạo toàn cầu hãy cân nhắc tránh mọi hành động có thể khiến tình hình trong khu vực nghiêm trọng thêm.”, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ, Stephane Dujarric, tuyên bố trong một cuộc họp báo.