Xung đột gia đình là nguyên nhân tự tử hàng đầu ở học sinh

Học sinh là đối tượng nhạy cảm, dễ bị tác động tâm lý bởi vấn đề tiêu cực trong cuộc sống. Nhiều em chọn cái chết để giải thoát bản thân sau thời gian dài dằn vặt, chịu đựng.

Theo thống kê của Centers for Disease Control and Prevention (CDC), tự tử là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các cá nhân trong độ tuổi 10-24 tại Mỹ. Trong khoảng 20 năm (từ năm 1998 đến 2018), tổng tỷ lệ thanh, thiếu niên tự tử tại quốc gia này đã tăng khoảng 35%.

Tại Trung Quốc, China Maker Education Bluebook tiến hành khảo sát và đưa ra 7 lý do khiến trẻ em nghĩ đến cái chết, bao gồm: Xung đột gia đình (33%), áp lực học tập (26%), xung đột giáo viên - học sinh (16%) và các vấn đề tâm lý (10%), tranh chấp tình cảm (5%), bắt nạt học đường (4%), các vấn đề khác (6%).

Qua đó, có thể thấy những vấn đề, xung đột trong gia đình có tác động lớn đến tâm lý và suy nghĩ của trẻ.

 33% ca tự tử ở học sinh bắt nguồn từ vấn đề gia đình. Ảnh: Better Tennessee.

33% ca tự tử ở học sinh bắt nguồn từ vấn đề gia đình. Ảnh: Better Tennessee.

28 học sinh tự tử mỗi ngày

Raashi Thakran bắt đầu mở đường dây nóng trợ giúp thanh thiếu niên gặp khủng hoảng tâm lý ở Ấn Độ. Được biết, cô quyết định tham gia hoạt động này sau khi em trai 18 tuổi tự kết liễu đời mình và để lại lá thư tuyệt mệnh.

"Chúng tôi không hề biết về những gì đã xảy ra. Em ấy từng là một học sinh giỏi, hạnh phúc và tràn đầy sức sống", cô gái 22 tuổi tâm sự.

Em trai là thần tượng, là người bạn đồng hành của Thakran. Sự ra đi đột ngột của người thân thôi thúc cô tìm hiểu về vấn đề này. Cô tìm được dữ liệu của Cục Hồ sơ Tội phạm quốc gia Ấn Độ (NCRB) về những ca tự tử trong nước.

Dữ liệu chỉ ra, mỗi giờ có một học sinh tự tử và 28 ca tương tự được báo cáo mỗi ngày. Chỉ riêng trong năm 2019, có 10.335 thanh, thiếu niên tại quốc gia này tìm đến cái chết để giải thoát bản thân. Trong số đó, 2.468 người gặp các vấn đề liên quan đến gia đình, 1.577 người khác chịu áp lực thi cử, học tập.

Mrugesh Vaishnav, chủ tịch Hiệp hội Tâm thần Ấn Độ, nhận định những người chịu tác động tâm lý tiêu cực trong thời gian dài dễ bị căng thẳng, rối loạn lo âu, rối loại nhân cách, trầm cảm, từ đó nảy sinh ý định tự tử.

"Điều này xảy ra khi các em cảm thấy không quen, không hài lòng với môi trường xung quanh", ông nói với Times of India.

Năm 2017, tổ chức Lokniti-CSDS công bố kết quả một cuộc khảo sát, cho thấy cứ 10 học sinh, sinh viên thì có 4 người từng mắc chứng trầm cảm. Cứ 4 người ở độ tuổi 15-34 thì có 1 người cảm thấy cô đơn, thiếu niềm tin và muốn tự tử. 6% trong số đó từng có ý định tự tử ít nhất một lần.

Sanjeer Alam, giảng viên tại New Delhi, Ấn Độ, cho biết phần lớn thanh, thiếu niên tự tử khi không được hỗ trợ tinh thần vào thời điểm khủng hoảng. Điều này thường xảy ra khi kỳ vọng cá nhân quá cao. Áp lực từ gia đình, xã hội cũng có tác động lớn.

Năm 2020, một nghiên cứu được công bố trên JAMA Network Open cho biết, họ đã thực hiện khảo sát với 11.800 học sinh tiểu học, trung học cơ sở trên toàn nước Mỹ. Kết quả chỉ ra xung đột gia đình (cãi vã, đánh nhau, chỉ trích, bị giám sát quá mức) là nguyên nhân lớn nhất khiến trẻ em tổn thương và có ý định tự tử.

Từ những câu trả lời được thu thập, các nhà nghiên cứu ước tính 6,4% trẻ từng mong muốn được chết, 4,4% từng muốn tự tử nhưng không biết phải làm thế nào, 2,4% khác bày tỏ từng nghĩ đến chuyện chết đi, hoặc đã lập kế hoạch để tìm đến cái chết. Ngoài ra, 1,3% tự tử bất thành và 9,1% tự làm đau bản thân nhưng không có ý định tự tử.

Khi so sánh kết quả khảo sát, các nhà nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ bất hòa giữa cha mẹ và trẻ có ý định tự tử ở mức "cao bất thường". Chưa kể, hơn 75% người giám hộ không có nhận thức hoặc không quan tâm vấn đề tâm lý của trẻ.

Deanna Barch, chủ nhiệm khoa Tâm lý và Khoa học não bộ tại Đại học Washington (Mỹ), tác giả của công trình, bày tỏ mong muốn tiếp tục theo dõi các đối tượng nghiên cứu để đưa ra các kết quả và hướng giải quyết tốt nhất. Đồng thời, bà khẳng định việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe tinh thần trẻ em là điều cần thiết.

 Cha mẹ cần quan tâm kịp thời, tránh để trẻ tự vật lộn với những tổn thương tâm lý. Ảnh: Daily Herald.

Cha mẹ cần quan tâm kịp thời, tránh để trẻ tự vật lộn với những tổn thương tâm lý. Ảnh: Daily Herald.

Đừng để nỗi đau của trẻ trở thành "quả cầu tuyết"

Theo Healthy Children, cứ 10 thanh, thiếu niên có ý định tự tử, hơn một nửa trong số đó mắc chứng rối loạn tinh thần như trầm cảm hoặc lo âu. Họ thường có xu hướng thu mình, không muốn chia sẻ với người khác, kể cả người thân.

Có thể ban đầu trẻ chỉ đơn thuần trải qua một ngày tồi tệ. Nhưng theo thời gian, nỗi đau của các em phát triển như một quả cầu tuyết, không ngừng lớn dần. Do không thể nói với người khác, các em tự gặm nhấm nỗi đau và dằn vặt chính mình.

Cha mẹ không nên chờ con tự nói ra vấn đề của mình, hãy chủ động trò chuyện, bắt đầu từ những câu hỏi đơn giản nhất như: "Hôm nay con có vẻ buồn. Con có muốn chia sẻ gì không, có thể mẹ sẽ giúp được".

Ngoài ra, cha mẹ không nên phớt lờ, hoặc tức giận khi trẻ nói: "Nếu con chết, cha mẹ có buồn không?", "Con ước được ngủ một giấc và không dậy nữa". Các chuyên gia nhận thấy một số trẻ từng muốn bày tỏ cảm xúc của bản thân, nhưng không biết cách mở lời. Các em thường dò hỏi người thân bằng những câu hỏi liên quan cái chết, hy vọng mọi người có thể nhận ra lời cầu cứu của bản thân.

Đặc biệt, khi trẻ bắt đầu bỏ qua lời cầu cứu gián tiếp, và thừa nhận bản thân muốn chết, cha mẹ không nên phản ứng quá mạnh. Thay vào đó, bạn hãy bình tĩnh lắng nghe con tâm sự và giúp trẻ hiểu các em không bao giờ bị gia đình bỏ lại.

"Mẹ hiểu con đang tổn thương. Mẹ hy vọng con có thể nói ra, chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết nhé".

Nếu tình trạng tinh thần của trẻ không cải thiện, phụ huynh có thể tìm đến sự hỗ trợ của các bác sĩ tâm lý. Tham vấn, trị liệu kịp thời sẽ giúp trẻ sớm thoát khỏi tình trạng bất ổn.

Ngoài ra, các gia đình nên khuyến khích trẻ vận động, tập thể dục. Những hoạt động nhẹ như đi bộ, đạp xe sẽ giúp trẻ cải thiện đáng kể những vấn đề về tâm lý.

Các nhà khoa học chỉ ra, tập thể dục giúp giải phóng endorphin, một hormone giúp giảm đau và cải thiện tâm trạng. Endorphin cũng làm giảm lượng cortisol, một loại hormone liên quan chứng trầm cảm.

Các chuyên gia khuyên trẻ nên tập thể dục 30-40 phút mỗi ngày, 2-5 lần mỗi tuần. Tập thể dục điều độ sẽ giúp các em thoát khỏi những suy nghĩ thường ngày và cải thiện tình trạng sức khỏe.

Tuổi vị thành niên là thời điểm tâm, sinh lý trẻ biến đổi. Đây cũng là độ tuổi trẻ dễ bị tác động tâm lý và nảy sinh suy nghĩ tiêu cực. Nếu trẻ có những biểu hiện như rối loạn ăn uống (chán ăn hoặc ăn quá nhiều), rối loạn giấc ngủ (mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều), từ bỏ thói quen, sở thích, dễ tức giận, dễ khóc, thành tích học sa sút... cha mẹ cần quan tâm kịp thời để tìm hướng giải quyết phù hợp.

Minh Thúy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xung-dot-gia-dinh-la-nguyen-nhan-tu-tu-hang-dau-o-hoc-sinh-post1189258.html