Xung đột giữa Nga và Ukraine tác động thế nào đến thể thao?
Trận chung kết Champions League mùa này cũng như vòng play-off World Cup 2022 phải đổi địa điểm tổ chức vì cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Chiều 25/2 (giờ Hà Nội), Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) tuyên bố đổi địa điểm đá chung kết Champions League mùa này. Sân vận động Stade de France tại Paris, thủ đô nước Pháp, được chọn là địa điểm mới tổ chức trận chung kết giải đấu hàng đầu châu Âu 2021/22.
Bên cạnh Champions League, nhiều giải đấu, đội bóng và các hoạt động thể thao khác ở châu Âu cũng chịu ảnh hưởng sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra.
Thế khó của UEFA và FIFA
Hồi đầu mùa giải này, UEFA chọn sân vận động Krestovsky tại thành phố Saint Petersburg (Nga) làm nơi diễn ra trận chung kết Champions League 2022. Tuy nhiên, việc Tổng thống Nga, Vladimir Putin, đưa quân vào Ukraine khiến mọi thứ thay đổi.
Trong cuộc họp khẩn cấp vừa diễn ra, UEFA khẳng định họ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao các diễn biến xảy ra tại Ukraine. "UEFA cam kết hợp tác cùng các bên liên quan để hỗ trợ và giải cứu cho các cầu thủ bóng đá và gia đình của họ ở Ukraine", thông báo từ LĐBĐ châu Âu có đoạn viết.
UEFA cũng quyết định dời những trận đấu trên sân nhà của các đội bóng đến từ Nga hay Ukraine sang địa điểm trung lập cho đến khi có thông báo mới. Theo kế hoạch, cả Nga và Ukraine đều đá play-off World Cup 2022 khu vực châu Âu vào tháng 3 tới.
Nếu Ukraine phải làm khách trên sân Scotland thì Nga sẽ đón tiếp Ba Lan vào ngày 24/3. Nga cũng là nước tổ chức các trận đấu ở bảng B play-off World Cup 2022. Trước đó, cả 3 đội tuyển thuộc bảng B gồm Ba Lan, Thụy Điển và Cộng hòa Czech đưa ra tuyên bố chung từ chối thi đấu tại Nga ở vòng play-off World Cup.
Chủ tịch FIFA, Gianni Infantino, cho biết ông bị sốc trước những gì đang xảy ra và tuyên bố sẽ xem xét khẩn cấp tình hình liên quan đến các cầu thủ, HLV hay gia đình của họ đang mắc kẹt tại Ukraine. "Tôi lo lắng trước tình hình này. FIFA lên án việc sử dụng vũ lực", ông Infantino nói trong cuộc họp báo vào rạng sáng 25/2 (giờ Hà Nội).
Các nhà lãnh đạo của UEFA cũng chịu sức ép phải xem xét lại các hợp đồng tài trợ với Gazprom, tập đoàn khí đốt hàng đầu của Nga. Gazprom có liên quan mật thiết đến chính phủ Nga và là đối tác nhiều năm qua của UEFA.
Ban lãnh đạo Schalke 04 cho biết kể từ ngày 25/2, áo đấu của CLB nước Đức sẽ không còn dòng chữ Gazprom trước ngực. Gazprom là nhà tài trợ chính cho đội bóng nước Đức từ hơn một thập niên qua.
Các hoạt động thể thao khác
Nhiều cầu thủ ngoại binh Brazil đang thi đấu ở Ukraine lên mạng xã hội mong tìm sự trợ giúp để rời Ukraine. Hôm 24/2, các cầu thủ Brazil của Shakhtar Donetsk và Dinamo Kyiv bày tỏ sự lo lắng về an toàn của bản thân lẫn gia đình. ESPN tiết lộ nhóm cầu thủ này đang phải tá túc cùng nhau tại một khách sạn ở Kyiv.
LĐBĐ Ukraine (UAF) thông báo giải VĐQG nước này sẽ bị hoãn tối thiểu 30 ngày. Giải Ngoại hạng Ukraine ban đầu dự kiến trở lại vào cuối tuần này, sau giai đoạn nghỉ giữa mùa. Giải VĐQG Ukraine đã diễn ra được 18 vòng đấu và Shakhtar Donetsk đang dẫn đầu với 47 điểm, nhiều hơn đội xếp thứ hai, Dynamo Kyiv, 2 điểm.
UAF cũng tuyên bố họ sẽ gửi đơn phản đối nếu có bất kỳ đội tuyển hay CLB nào của Nga tham dự các giải đấu chính thức thuộc UEFA và FIFA trong tương lai.
Ban tổ chức giải đua F1 cho biết họ đang "theo dõi chặt chẽ các diễn biến xảy ra". Vào tháng 9, chặng đua Grand Prix tại Nga sẽ diễn ra ở thành phố Sochi. Người 4 lần vô địch thế giới F1, Sebastian Vettel, tuyên bố chặng đua Grand Prix tại Nga nên bị hủy bỏ. Vettel khẳng định anh sẽ không tham dự chặng đua tại Sochi.
Liên đoàn Trượt tuyết Quốc tế (FIS) cho biết tổ chức này đang theo dõi sát sao các diễn biến trong cuộc xung đột Nga và Ukraine. FIS khẳng định họ sẽ đảm bảo an toàn cho những người tham gia giải World Cup trượt tuyết diễn ra ở Nga vào cuối tuần này.
Liên đoàn Bóng rổ Quốc tế (FIBA) thông báo các trận đấu trong khuôn khổ vòng loại World Cup, dự kiến diễn ra vào cuối tuần này tại Belarus đều bị hoãn lại. Belarus cũng là quốc gia có liên quan đến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.