Xung đột Hamas-Israel: Cuộc chiến tàn khốc và đau thương
Người dân ở Dải Gaza đã trải qua sáu tháng đau thương và mất mát kể từ khi cuộc xung đột Hamas-Israel nổ ra hồi đầu tháng 10/2023. Dân thường vô tội Palestine ở dải đất hẹp ven Địa Trung Hải đã phải hứng chịu những hậu quả thảm khốc khi số thương vong tăng cao và tình hình đã chạm ngưỡng nguy kịch. Đáng lo ngại hơn, 'lửa xung đột' có nguy cơ lan rộng ra toàn khu vực, trong bối cảnh cuộc chiến giữa Hamas và Israel tiếp tục leo thang, trong khi quan hệ giữa Israel và Iran bị đẩy lên nấc thang căng thẳng mới.
Thảm kịch nhân đạo
Bất chấp các nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn, cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza tiếp tục leo thang với quy mô lớn hơn và cấp độ nguy hiểm hơn, nhất là sau khi Israel tuyên bố sẽ thực hiện chiến dịch đổ bộ vào thành phố Rafah, nơi đang có khoảng 1,4 triệu người tị nạn Palestine.
Sau ba tháng đầu tấn công và kiểm soát miền bắc Gaza, kể từ tháng 1/2024, Israel bắt đầu giai đoạn mới của cuộc chiến chống Hamas với mục tiêu tấn công miền trung và miền nam Dải Gaza một cách chọn lọc hơn, trong khi rút bớt một trong số bốn sư đoàn chủ lực để di chuyển lên phía bắc đề phòng mặt trận chống Hezbollah ở Liban. Các đợt tấn công lớn chuyển sang khu vực miền trung Gaza và tiến về phía nam với các mục tiêu là Khan Younis, Rafah và những khu vực chung quanh. Đáp lại, lực lượng Hamas tiếp tục bắn rocket và tên lửa sang Israel, trong khi tiếp tục sử dụng 130 con tin Israel để làm “con bài mặc cả”.
Việc các tay súng Hamas sử dụng các địa điểm dân sự làm nơi trú ẩn và thực hiện các vụ phóng rocket, trong khi các mục tiêu tấn công của Israel bao gồm cả các bệnh viện đã gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng, biến mảnh đất Gaza đau thương thành “địa ngục trần gian”. Các cuộc tấn công đã phá hủy hệ thống y tế, cản trở nghiêm trọng các hoạt động cứu trợ nhân đạo, khiến người Palestine ở Gaza đang trải qua các cấp độ kinh hoàng về nạn đói và đau khổ.
Chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza đã gây tổn thất lớn cả về người, tài sản và cơ sở hạ tầng của Palestine. Đến nay, xung đột đã khiến hơn 33.000 người chết, gần 76.000 người bị thương, 8.000 người mất tích. Tình hình nhân đạo ngày càng trầm trọng hơn do hầu như toàn bộ 2,3 triệu dân ở Gaza phải rời bỏ nhà cửa. Thảm họa nhân đạo hiện nay ở Gaza được đánh giá là chưa có tiền lệ, khi có hơn 1 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói.
Tình hình ngày càng trở nên đáng lo ngại hơn sau vụ Israel không kích đoàn xe của tổ chức nhân đạo World Central Kitchens khiến bảy nhân viên của tổ chức này thiệt mạng. Sự vụ này đã cản trở nghiêm trọng những nỗ lực cứu trợ nhân đạo cho người dân ở Gaza đang bên bờ vực của nạn đói và đòi hỏi một sức ép mạnh mẽ hơn đối với các cam kết của Israel nhằm tạo hành lang cứu trợ nhân đạo cho người dân ở Gaza. Vụ việc cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Israel.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng Mỹ có thể sẽ thay đổi chính sách với Gaza, nếu như Israel không thực hiện ngay lập tức các bước nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại vùng lãnh thổ này. Ông Biden đe dọa sẽ đặt điều kiện cho việc ủng hộ cuộc tấn công của Israel ở Gaza để Israel thực hiện các bước cụ thể nhằm bảo vệ nhân viên cứu trợ và dân thường, đánh dấu lần đầu tiên Washington tìm cách tận dụng viện trợ của Mỹ để tác động đến hành vi quân sự của Israel và đây cũng là một diễn biến có thể thay đổi động lực của cuộc chiến kéo dài gần 6 tháng qua.
Nhằm thể hiện sự không hài lòng đối với đồng minh, Washington đã lần đầu tiên không dùng quyền phủ quyết để bác bỏ nghị quyết kêu gọi ngừng bắn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Mặc dù đây là bước đi có tính toán về chính trị và chưa ảnh hưởng về mặt chiến lược tới mối quan hệ song phương, nhưng cũng gây rạn nứt trong quan hệ đồng minh.
Mối đe dọa an ninh khu vực
Sự hận thù và mâu thuẫn chồng chất kéo dài hàng thập kỷ giữa Israel và Hamas khiến việc tìm lối thoát cho cuộc xung đột rơi vào bế tắc. Việc tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn mới trước tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo đã thất bại, bất chấp những nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi khẩn thiết về ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, trả tự do vô điều kiện cho các con tin, bảo vệ dân thường và bảo đảm hàng hóa nhân đạo vào Gaza mà không bị cản trở. Ông Guterres đã yêu cầu Israel có sự thay đổi thực chất trong cách thức tiến hành cuộc chiến ở Dải Gaza để tránh gây thêm tổn thất cho dân thường, đồng thời chuyển đổi mô hình vận chuyển hàng hóa nhân đạo vào vùng lãnh thổ của Palestine.
Trong khi đó, Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) Bill Burns và các nhà hòa giải từ Ai Cập và Qatar nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán tại Cairo nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn ở Gaza. Theo một nguồn tin chính trị Palestine, mục tiêu chính của các cuộc đàm phán tại Cairo là đạt được lệnh ngừng bắn kéo dài sáu tuần.
Trong khi đó, nguy cơ xung đột lan rộng đe dọa an ninh và ổn định khu vực sau khi tòa nhà lãnh sự trong khuôn viên Đại sứ quán Iran tại Syria bị Israel tấn công, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng, trong đó có một tướng cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Sự vụ này đang đặt các thành phố của Israel trong một bầu không khí căng thẳng đề phòng các cuộc tấn công trả đũa có thể xảy ra và châm ngòi cho một cuộc đối đầu mới nguy hiểm ở khu vực.
Người dân Israel đã nhận được thông báo của chính quyền chuẩn bị sẵn các phòng trú ẩn, đề phòng tình huống xung đột leo thang. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tăng cường hệ thống phòng thủ, thường trực các đơn vị chiến đấu và huy động đội ngũ máy bay chiến đấu để “sẵn sàng phòng ngự và tấn công trong mọi tình huống”. Chính quyền Israel cũng đứng trước sức ép từ làn sóng biểu tình trong nước khi hàng chục nghìn người dân Israel đã đổ xuống đường kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhanh chóng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza nhằm giải thoát cho hơn 130 con tin đang bị giam giữ.
Loạt diễn biến gần đây trên chiến trường và chính trường đang khiến Israel ngày càng bị phản đối bởi cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Mỹ, đồng minh thân cận nhất. Giữa lúc chưa thể tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza, giới quan sát không khỏi lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực. Và nếu chừng nào tiếng súng chưa ngưng, đau thương còn tiếp diễn đối với cuộc sống của hơn hai triệu dân Palestine ở Dải Gaza và con đường tiến tới thiết lập một nền hòa bình toàn diện và lâu dài dựa trên giải pháp hai nhà nước nhằm chấm dứt cuộc xung đột Palestine-Israel còn mờ mịt và xa vời.