Xung đột Hamas-Israel gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường chưa từng có
Xung đột ở Gaza đã gây ra tình trạng ô nhiễm đất, nước và không khí chưa từng có trong khu vực, phá hủy hệ thống vệ sinh và để lại hàng tấn rác từ thiết bị nổ.
Xung đột ở Gaza đã gây ra tình trạng ô nhiễm đất, nước và không khí chưa từng có trong khu vực, phá hủy hệ thống vệ sinh và để lại hàng tấn rác từ thiết bị nổ.
Đây là nội dung báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) về tác động môi trường của cuộc xung đột.
Theo báo cáo, xung đột giữa Israel và Hamas tại Dải Gaza đã nhanh chóng đảo ngược tiến bộ đạt được dù còn hạn chế nhằm cải thiện khả năng khử muối và nước thải của các cơ sở xử lý nước, khôi phục vùng đất ngập nước ven biển Wadi Gaza, cũng như việc đầu tư vào việc lắp đặt năng lượng mặt trời.
Báo cáo cho biết vũ khí nổ đã tạo ra khoảng 39 triệu tấn mảnh vỡ đổ nát. Mỗi mét vuông của Dải Gaza hiện chứa 107 kg (236 lbs) mảnh vụn. Con số này gấp hơn năm lần lượng rác thải trong cuộc chiến giành lại Mosul, Iraq vào năm 2017.
Báo cáo nêu rõ hệ thống nước và vệ sinh hiện nay hầu như không còn tồn tại khi 5 nhà máy xử lý nước thải của Gaza đều đóng cửa.
Theo báo cáo năm 2020 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, sự chiếm đóng lâu dài của Israel đã đặt ra những thách thức lớn về môi trường ở Palestine. Cụ thể, hơn 92% lượng nước ở Dải Gaza không đạt chuẩn an toàn để con người sử dụng.
Dải Gaza là một trong những nơi có mật độ tập trung tấm năng lượng mặt trời trên mái nhà cao nhất thế giới, khoảng 12.400 mái nhà có hệ thống năng lượng mặt trời theo số liệu thống kê của Trung tâm Chiến lược có trụ sở tại Mỹ và Nghiên cứu Quốc tế ước tính vào năm 2023. Nhưng kể từ đó Israel đã phá hủy một phần lớn cơ sở hạ tầng năng lượng mặt trời đang phát triển của Gaza và các tấm pin bị hỏng có thể rò rỉ chì và các chất ô nhiễm kim loại nặng vào đất.
Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen nêu rõ hệ lụy môi trường đang gây tổn hại sâu sắc đến sức khỏe con người, thực phẩm, an ninh và khả năng phục hồi của Gaza khi bản thân môi trường Gaza bị giày xéo nhiều năm do xung đột, tốc độ đô thị hóa nhanh và mật độ dân số cao từ trước cuộc xung đột 7/10.
Đánh giá của Liên hợp quốc làm tăng thêm mối lo ngại về diễn biến khủng hoảng nhân đạo và chi phí môi trường do xung đột./.