Xung đột Hamas-Israel: Kêu gọi khẩn thiết bảo vệ dân thường tại Dải Gaza
Chủ tịch Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế Mirjana Spoljaric nhấn mạnh rằng những đau khổ tại vùng lãnh thổ này của người Palestine là 'không thể chịu đựng được.'
Ngày 4/12, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) Mirjana Spoljaric cho biết bà đã tới Gaza, đồng thời nhấn mạnh rằng những đau khổ tại vùng lãnh thổ này của người Palestine là "không thể chịu đựng được."
Trong bài đăng trên mạng xã hội X, bà Mirjana Spoljaric kêu gọi cần khẩn thiết phải bảo vệ dân thường theo luật chiến tranh và không cản trở các nỗ lực cứu trợ.
Chủ tịch ICRC cũng hối thúc các bên trong cuộc xung đột hiện nay tại Dải Gaza thả những người bị bắt giữ và đảm bảo ICRC có thể thăm họ một cách an toàn.
ICRC cho biết thêm chuyến thăm của bà Spoljaric sẽ diễn ra theo nhiều giai đoạn. Theo đó, bà dự kiến sẽ đến Israel trong những tuần tới.
Cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Sebastian Fischer đã hối thúc Israel đảm bảo sự bảo vệ "thực tế" cho người dân tại Dải Gaza trong bối cảnh Tel Aviv đang điều động các lực lượng trên bộ tới phía Nam vùng lãnh thổ này khi xung đột với Phong trào Hồi giáo Hamas lan rộng.
Ông Fischer nhấn mạnh rằng có quá nhiều dân thường đã thiệt mạng trong cuộc chiến này.
Trong diễn biến liên quan, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tài liệu cho thấy Ban điều hành tổ chức này sẽ tiến hành phiên họp bất thường vào ngày 10/12 để thảo luận về các điều kiện y tế tại Dải Gaza.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus triệu tập phiên họp sau khi nhận được yêu cầu từ 14 quốc gia thành viên thuộc Ban điều hành tổ chức này.
Trước đó, cũng trong ngày 4/12, các nhân chứng cho biết hàng chục xe tăng của Israel đã tiến vào phía Nam Dải Gaza bất chấp những quan ngại toàn cầu việc gia tăng thương vong đối với dân thường và những lo ngại về nguy cơ xung đột với Hamas sẽ lan rộng ra khu vực Trung Đông.
Israel và Hamas nối lại giao tranh toàn diện hôm 1/12 vừa qua sau khi đổ vỡ thỏa thuận ngừng bắn kéo dài một tuần do Qatar, Mỹ và Ai Cập làm trung gian.
Người phát ngôn Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) James Elder cho biết kể từ đó, các cuộc không kích đã gia tăng ở phía Nam Gaza. Tình hình tại đây cũng tàn khốc như những gì phía Bắc Gaza đã hứng chịu trong thời gian qua.
Cơ quan Y tế tại Dải Gaza cho biết kể từ khi nổ ra xung đột Hamas-Israel vào ngày 7/10 năm nay, gần 15.900 người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel. Trong số này có tới 70% là phụ nữ và trẻ em.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva ngày 4/12 đã đưa ra nhận định “nhiều dân thường vô tội Palestine đang phải trả giá cho cuộc xung đột ở Dải Gaza.”
Nhà lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ cũng kêu gọi Liên hợp quốc can thiệp và khẳng định rằng giải pháp duy nhất để giải quyết cuộc xung đột là thành lập hai nhà nước.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, hãng thông tấn nhà nước Palestine (WAFA) đưa tin ít nhất 50 người đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong các vụ không kích của Israel vào khu vực Daraj, ngoại ô thành phố Gaza.
Theo WAFA, các đội cấp cứu đang phải đối mặt với khó khăn vô cùng lớn khi tiếp cận khu vực này để đưa các thi thể ra ngoài đống đổ nát và cứu trợ người bị thương do khu vực này liên tục bị nã pháo.
Cùng ngày, công ty viễn thông Palestine Paltel thông báo các dịch vụ viễn thông ở Dải Gaza sau khi được cung cấp đã tiếp tục bị cắt.
Palestine Paltel nêu rõ: “Chúng tôi rất tiếc phải thông báo việc ngừng hoàn toàn các dịch vụ liên lạc và Internet với Dải Gaza, vì các đường dây dẫn chính được kết nối lại trước đó lại bị ngắt kết nối.”
Hội đồng An ninh Quốc gia Israel (NSC) ngày 4/12 đã nâng cấp độ cảnh báo đi lại đối với công dân quốc gia Do Thái tới 80 quốc gia, nguyên nhân chủ yếu là do tác động từ cuộc chiến tranh tại Dải Gaza.
Theo thông báo của NSC, “có sự gia tăng liên tục và đáng kể những làn sóng kích động, âm mưu tấn công và các biểu hiện phổ biến của chủ nghĩa bài Do Thái ở nhiều quốc gia.”
Thông báo mới nhất của NSC nâng mức độ cảnh báo từ cấp độ 1 (các biện pháp phòng ngừa cơ bản) lên cấp độ 2, tức là “tăng cường các biện pháp phòng ngừa.”
Trong số các nước được nâng mức cảnh báo, có Anh, Đức, Pháp, Brasil, Argentina, Australia và Nga.
Trong khi đó, mức cảnh báo 3 (chỉ nên di chuyển tới nếu thực sự cần thiết) đang được áp dụng với các nước khác như Nam Phi, Eritrea, Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Turkmenistan.
NSC cũng khuyến nghị người dân Israel hoãn các chuyến du lịch tới các quốc gia khác ở khu vực Trung Đông, Bắc Kavkaz, các nước láng giềng với Iran và một số quốc gia Hồi giáo ở châu Á.
Cơ quan này cũng khuyến nghị người dân Israel giữ liên lạc với Đại sứ quán và các cơ quan khẩn cấp của Israel khi cần thiết./.