Xung đột Hamas - Israel: Mỹ nỗ lực thu hẹp bất đồng về thỏa thuận ngừng bắn

* WHO cảnh báo tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em nghiêm trọng ở Dải Gaza

Các tòa nhà bị phá hủy sau vụ tấn công của Israel nhằm vào trại tị nạn Nuseirat ở Dải Gaza ngày 8/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Các tòa nhà bị phá hủy sau vụ tấn công của Israel nhằm vào trại tị nạn Nuseirat ở Dải Gaza ngày 8/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 12/6 tuyên bố sẽ nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza.

Ông nhấn mạnh không phải tất cả các yêu cầu của Phong trào Hồi giáo Hamas đều được chấp nhận, nhưng bày tỏ hy vọng rằng những khoảng cách giữa lực lượng vũ trang này và Israel có thể được thu hẹp.

Ngoại trưởng Blinken đã tham khảo ý kiến của bên trung gian hòa giải chủ chốt Qatar về phản ứng của Hamas đối với kế hoạch do Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất và cho rằng lực lượng này lẽ ra có thể đưa ra câu trả lời "đồng ý rõ ràng và đơn giản". Mặc dù vậy, ông Blinken bày tỏ hy vọng sẽ có tiến triển liên quan vấn đề này.

Phát biểu với báo giới tại Doha - chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 4 nước Trung Đông gồm Ai Cập, Israel, Jordan và Qatar, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng có thể điều chỉnh một số chi tiết theo yêu cầu (của Hamas), nhưng phần nội dung là không thể thay đổi. Và vì vậy, chúng ta phải khẩn trương xem xét trong những ngày tới liệu điều này có thể khắc phục được hay không. Chúng tôi quyết tâm cố gắng thu hẹp bất đồng và tôi tin rằng những bất đồng đó có thể khắc phục được”.

Kế hoạch mà Tổng thống Biden đưa ra ngày 31/5 kêu gọi Israel rút quân khỏi "các trung tâm dân cư lớn" và ngừng bắn trong 6 tuần. Thời gian ngừng bắn có thể được gia hạn sau đó nếu các nhà đàm phán cần thêm thời gian để tìm kiếm một thỏa thuận lâu dài.

Theo một nguồn thạo tin, Hamas đã đề xuất sửa đổi vào cuối ngày 11/6, bao gồm thời gian ngừng bắn và việc rút hoàn toàn quân đội Israel khỏi Gaza. Thủ tướng Qatar, Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã thừa nhận rằng một sự khác biệt then chốt giữa Israel và Hamas là liệu lệnh ngừng bắn sẽ là tạm thời hay vĩnh viễn.

Tuy nhiên, trong một phát biểu ngày 12/6 trên đài truyền hình Al-Araby TV (đặt trụ sở tại Qatar), ông Osama Hamdan - một quan chức của Hamas - đã phủ nhận việc phong trào này đã đưa ra những ý tưởng mới đối với đề xuất Mỹ đưa ra về lệnh ngừng bắn và thỏa thuận con tin ở Gaza.

Cùng ngày 12/6, các nguồn tin an ninh Ai Cập ngày 12/6 cho biết để ký kết đề xuất ngừng bắn do Mỹ hậu thuẫn, phong trào Hồi giáo Hamas muốn có sự bảo đảm bằng văn bản của Mỹ về lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và việc lực lượng Israel rút khỏi Dải Gaza.

Hamas lo ngại rằng đề xuất hiện tại không đưa ra những đảm bảo rõ ràng về việc chuyển đổi từ giai đoạn đầu của kế hoạch, bao gồm lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần và thả một số con tin, sang giai đoạn thứ hai, bao gồm lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và sự rút quân của Israel.

Hamas sẽ chỉ chấp nhận kế hoạch này nếu có sự đảm bảo và Ai Cập đã trao đổi với Mỹ về yêu cầu này của Hamas. Hiện các quan chức Hamas và Ai Cập chưa đưa ra bình luận về các thông tin trên.

Cũng trong ngày 12/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhắc lại lời kêu gọi về một giải pháp ngoại giao giữa Israel và Libăng, đồng thời khẳng định một thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza sẽ giúp làm giảm đáng kể căng thẳng trong khu vực. Về phần mình, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani khẳng định lệnh ngừng bắn ở Gaza là giải pháp tốt nhất để chấm dứt xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel.

Ông nhấn mạnh: "Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi trong cuộc xung đột này trong thời gian gần đây, và có một lời kêu gọi rõ ràng và kiên quyết để chấm dứt cuộc xung đột này".

Trong diễn biến khác, Tổ chức y tế thế giới (WHO) ngày 12/6 (giờ Geneva) cho biết có hơn 8.000 trẻ em, ở độ tuổi dưới 5, đang được điều trị tại Dải Gaza vì suy dinh dưỡng cấp tính kể từ khi xung đột nổ ra.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, phát biểu trước báo giới, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, 28 em trong tổng số nêu trên đã thiệt mạng và một bộ phận đáng kể dân số ở Dải Gaza đang phải đối mặt với các hiểm họa nhân đạo, điển hình như nạn đói.

Quan chức này cảnh báo: “Mặc dù có báo cáo về việc tăng cường cung cấp thực phẩm nhưng hiện tại, chưa có bằng chứng nào cho thấy những người cần nhất nhận được đủ số lượng và chất lượng thực phẩm. Hơn 8.000 trẻ em dưới 5 tuổi đã được chẩn đoán và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính. Trong số này, 1.600 trẻ đang bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng. Tuy nhiên, do tình trạng mất an ninh và thiếu khả năng tiếp cận, hiện chỉ có hai trung tâm ổn định cho bệnh nhân suy dinh dưỡng nghiêm trọng có thể hoạt động. Hiện WHO không thể cung cấp dịch vụ y tế an toàn và với tình trạng thiếu nước sạch, ngày càng nhiều nguy cơ trẻ em mắc suy dinh dưỡng. Đã có 32 ca tử vong do suy dinh dưỡng, trong đó có 28 trẻ em dưới 5 tuổi".

Theo Tổng giám đốc Tedros, cuộc khủng hoảng y tế cũng đang leo thang ở Bờ Tây, với các vụ tấn công nhằm vào những cơ sở chăm sóc y tế, cùng với đó là các quy định hạn chế di chuyển, gây khó khăn cho việc tiếp cận cơ sở y tế.

Ông cho biết kể từ khi nổ ra cuộc xung đột ở Dải Gaza, WHO đã ghi nhận 480 vụ tấn công nhằm vào các cơ sở và nhân viên y tế ở Bờ Tây, làm 16 người thiệt mạng và 95 người khác bị thương. Tổng giám đốc Tedros nhấn mạnh: “Ở Bờ Tây, cũng như ở Dải Gaza, giải pháp duy nhất là hòa bình. Phương thuốc tốt nhất lúc này là hòa bình”.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/317404/xung-dot-hamas-israel--my-no-luc-thu-hep-bat-dong-ve-thoa-thuan-ngung-ban.html