Xung đột Israel - Hamas, bầu cử tổng thống đem đến nguy cơ tấn công khủng bố ở Indonesia
Trang Straits Times dẫn lời giới chuyên gia cảnh báo căng thẳng gia tăng từ cuộc xung đột Israel-Hamas và cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi sắp tới tạo ra môi trường bất ổn có thể kích động tâm lý thù ghét, do đó làm đem lại nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố.
Theo giới chuyên gia, vụ bắt giữ 59 đối tượng tình nghi âm mưu tổ chức tấn công nhằm phá hoại bầu cử gần đây chưa chắc là đợt truy quét phần tử cực đoan cuối cùng. Lực lượng an ninh Indonesia xác định các nghi phạm đã lên kế hoạch nhắm vào một số cơ sở cảnh sát với mục đích gây rối khi người dân đi bỏ phiếu ngày 14.2 tới. Biệt đội 88 chuyên trách chống khủng bố (Densus 88) trong đợt truy quét suốt tháng 10 còn thu giữ lượng lớn súng đạn, hóa chất chế tạo bom cùng tài liệu tuyên truyền.
Nhờ nhiều chiến dịch thành công trước đó của lực lượng an ninh mà mối đe dọa phiến quân tại quốc gia vạn đảo suy giảm đáng kể, nhưng đợt truy quét vừa qua cho thấy nguy cơ khủng bố vẫn còn rất đáng kể. Tiến sĩ Noor Huda Ismail (Học viện Quan hệ quốc tế S.Rajaratnam) cho biết mạng lưới khủng bố phức tạp và các hệ tư tưởng cực đoan ảnh hưởng dai dẳng khiến trong cộng đồng luôn có cá nhân hoặc tổ chức theo đuổi bạo lực. Loạt thông tin xoay quanh cuộc bầu cử cũng như xung đột Israel - Hamas là phương tiện hoàn hảo cho các nhóm cực đoan.
“Các nhóm cực đoan thường lợi dụng xung đột đang diễn ra hoặc bất ổn chính trị để truyền bá hệ tư tưởng và tuyển mộ thành viên mới. Xung đột Israel - Hamas cùng cuộc bầu cử sắp tới có thể bị lợi dụng để kích động tâm lý chống chính quyền, khai thác sự bất mãn, nuôi dưỡng cảm giác nạn nhân ở nhóm dân số yếu thế”, theo tiến sĩ Ismail.
Thời gian qua, một số quốc gia như Anh, Đức, Bỉ đã bắt giữ không ít nghi phạm khủng bố liên quan đến xung đột Israel - Hamas. Phó thủ tướng Singapore Lawrence Wong ngày 6.11 cho biết mối đe dọa từ các nhóm cực đoan trong khu vực gia tăng kể từ khi giao tranh nổ ra, ông tiết lộ bắt đầu từ ngày 7.10 lưu lượng truy cập trang web cực đoan tăng gấp ba lần và chính phủ nước này ghi nhận nhiều luận điệu chống Singpore hơn. Tháng trước cảnh sát Singapore báo cáo 8 vụ cộng đồng Do Thái và Hồi giáo nhận phải lời nói hoặc hành động xúc phạm – bằng tổng số vụ 9 tháng trước đó của năm cộng lại.
Indonesia - quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới - cho đến nay chưa ghi nhận mối đe dọa đáng kể nào liên quan đến xung đột Israel - Hamas. Đợt biểu tình quy tụ hàng chục nghìn người tại Jakarta ngày 5.11 vừa qua diễn ra một cách ôn hòa, người tham gia chỉ cầu nguyện và lắng nghe vài bài phát biểu kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Dải Gaza.
Bầu cử Jakarta năm 2017, bầu cử tổng thống năm 2014 và 2019 từng gây chia rẽ sâu sắc giữa người theo chủ nghĩa Hồi giáo với người theo chủ nghĩa đa nguyên. Bạo loạn từng xảy ra.
Tiến sĩ Mustafa Izzuddin (công ty tư vấn Solaris Strategies Singapore) mô tả tình hình hiện tại giống như “một mồi lửa chính trị”.
“Sự kết hợp giữa xung đột bên ngoài nhưng kích động tâm lý thù ghét trong nước với cuộc bầu cử tổng thống có thể làm sâu sắc thêm rạn nứt ngầm trong xã hội khiến tình hình Indonesia trở nên vô cùng biến động. Đây rõ ràng là mối đe dọa an ninh quốc gia”, theo tiến sĩ Izzuddin.
Trong số đối tượng bị bắt gần đây, 40 đối tượng là thành viên nhóm khủng bố lớn nhất Indonesia Jamaah Ansharut Daulah. Học giả Muh Taufiqurrohman (Trung tâm nghiên cứu Chủ nghĩa cực đoan và Chống cực đoan) cho biết nếu Densus 88 không tiến hành truy quét thì hàng chục người sẽ bị giết trong cuộc bầu cử sắp tới cũng như trong nhiều sự kiện khác.
Một điểm nóng tiềm tàng là World Cup U-17 tổ chức tại Indonesia từ ngày 10.11 đến ngày 2.12. Ông Taufiqurrohman lưu ý trong số quốc gia dự giải có không ít quốc gia thân Israel như Mỹ hay Đức.