Xung đột Israel – Hamas có thể gây hậu quả khôn lường với kinh tế thế giới
Xung đột ở Trung Đông giữa Israel và Hams nếu lan rộng có thể gây chấn động khắp thế giới vì khu vực này là nguồn cung đồng thời là tuyến đường vận chuyển năng lượng cực kỳ quan trọng.
Giống như các cuộc chiến ở Trung Đông trong quá khứ, xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra trong tuần qua có thể làm gián đoạn nền kinh tế thế giới và thậm chí khiến kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nếu có thêm nhiều quốc gia tham gia vào xung đột này.
Nguy cơ đó là có thật khi quân đội Israel chuẩn bị đưa quân vào Gaza để đáp trả cuộc tấn công trước đó của Hamas. Số người chết vì xung đột ở cả hai phía kể từ hôm 7/10 đến nay đã lên tới hàng nghìn người. Có nhiều lo ngại cho rằng lực lượng dân quân ở Lebanon và Syria ủng hộ Hamas sẽ tham gia chiến đấu.
Xung đột lan rộng hơn có thể khiến Israel đụng độ trực tiếp với Iran – quốc gia được cho là nhà cung cấp vũ khí và tiền bạc cho Hamas. Trong kịch bản đó, Bloomberg Economics ước tính giá dầu có thể tăng vọt lên 150 USD/thùng và tăng trưởng toàn cầu giảm xuống 1,7% - một cuộc suy thoái khiến thế giới thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD.
Xung đột ở Trung Đông có thể gây chấn động khắp thế giới vì khu vực này là nguồn cung đồng thời là tuyến đường vận chuyển năng lượng cực kỳ quan trọng. Cuộc chiến tranh Arab-Israel năm 1973, dẫn đến lệnh cấm vận dầu mỏ khiến nền kinh tế, sản xuất công nghiệp trì trệ trong suốt nhiều năm là ví dụ rõ ràng nhất.
Nền kinh tế thế giới hiện rất dễ bị tổn thương khi còn đang hồi phục sau cơn lạm phát trầm trọng vì xung đột Nga – Ukraine. Một cuộc xung đột khác ở khu vực sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới sẽ khiến bóng ma lạm phát quay trở lại. Những hậu quả rộng lớn hơn có thể gây ra tình trạng bất ổn mới ở thế giới Arab, tác động đến cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ vào năm tới – nơi giá nhiên liệu được cho là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến tâm lý cử tri.
Tất cả những tác động tiềm tàng này phụ thuộc vào diễn biến của xung đột ở Gaza trong những tuần hoặc tháng tới. Bloomberg Economics đã xem xét tác động có thể xảy ra đối với tăng trưởng và lạm phát toàn cầu theo ba kịch bản.
Xung đột chỉ giới hạn ở Gaza
Năm 2014, vụ Hamas bắt cóc và sát hại 3 người Israel là nguyên nhân gây ra cuộc tấn công trên bộ vào Gaza khiến hơn 2.000 người thiệt mạng. Giao tranh không lan rộng ra ngoài lãnh thổ Palestine và tác động của nó đến giá dầu - cũng như nền kinh tế toàn cầu - là không đáng kể.
Số người chết vì xung đột Israel - Hamas trong tuần qua đã cao hơn con số đó. Tuy nhiên, nhiều khả năng kịch bản xung đột hiện nay sẽ đi theo quỹ đạo cũ – Israel đưa quân vào Gaza, và Mỹ sẽ áp đặt trừng phạt mạnh mẽ hơn nhằm vào dầu mỏ Iran. Theo ước tính của Bloomberg Economics, áp lực từ phía Mỹ sẽ khiến giá dầu tăng từ 3-4 USD.
Tác động đến nền kinh tế toàn cầu theo kịch bản này sẽ ở mức tối thiểu, đặc biệt nếu Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) bù đắp lượng dầu thiếu hụt từ Iran bằng công suất dự phòng của họ.
Trong một cuộc phỏng vấn tại cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế ở Marốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết bà không thấy dấu hiệu của “những tác động kinh tế lớn” ở giai đoạn này. Bà Yellen nói: “Điều cực kỳ quan trọng là bảo đảm xung đột không lan rộng”.
Cuộc chiến ủy nhiệm
Nếu xung đột lan sang Lebanon và Syria, nơi Iran cũng hỗ trợ các nhóm vũ trang thì xung đột hiện nay ở Gaza thực sự sẽ biến thành một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Iran và Israel - và tổn thất kinh tế sẽ tăng lên.
Yair Golan, cựu phó tham mưu trưởng quân đội Israel đánh giá: “Iran và Hezbollah đang theo dõi và đánh giá tình hình. Nếu Hezbollah tham gia vào cuộc xung đột hiện nay thì thời điểm có thể là sau khi Israel bắt đầu chiến dịch trên bộ ở Gaza".
Trong cuộc chiến Israel-Hezbollah ngắn ngủi nhưng đẫm máu năm 2006, dầu thô đã tăng 5 USD/thùng. Với kịch bản xảy ra một cuộc chiến ủy nhiệm, giá dầu thế giới có thể tăng khoảng 10% so với hiện nay. Giá dầu cao hơn cũng sẽ làm tăng thêm khoảng 0,2 điểm phần trăm vào lạm phát toàn cầu - giữ ở mức gần 6% và duy trì áp lực lên các ngân hàng trung ương trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ ngay cả khi tăng trưởng đáng thất vọng.
Đó là còn chưa kể đến nguy cơ làm gia tăng bất ổn trong khu vực. Ai Cập, Lebanon và Tunisia đều đang sa lầy trong tình trạng trì trệ kinh tế và chính trị. Phản ứng của Israel trước cuộc tấn công của Hamas đã gây ra các cuộc biểu tình ở một số quốc gia trong khu vực.
Xung đột trực tiếp Iran - Israel
Xung đột trực tiếp giữa Iran và Israel là một kịch bản có khả năng xảy ra rất thấp nhưng rất nguy hiểm. Nó có thể là tác nhân gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu. Giá dầu tăng cao và sẽ giáng một đòn đáng kể vào tăng trưởng, khiến lạm phát tăng cao hơn.
Hasan Alhasan, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết: “Không ai trong khu vực, kể cả Iran, muốn thấy xung đột Hamas-Israel leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện. Điều đó không có nghĩa là kịch bản này sẽ không xảy ra, đặc biệt là khi bị kích động. Khả năng tính toán sai lầm là rất lớn”.
Israel từ lâu đã coi tham vọng hạt nhân của Iran là một mối đe dọa hiện hữu. Các động thái của Tehran nhằm xây dựng liên minh quân sự với Nga, khôi phục quan hệ ngoại giao với Saudi Arabia và quan hệ gần đây được đánh giá là “suôn sẻ” với Mỹ đã làm tăng thêm sự lo lắng.
Israel và Mỹ đã gửi đi những thông điệp trái chiều về vai trò của Iran trong vụ tấn công của Hamas hôm 7/10. Bộ trưởng Chiến lược Israel Ron Dermer cho biết: “Có một số bằng chứng cho thấy họ [Iran – ND] có thể đã biết về điều đó”. Trong khi đó, tờ New York Times hôm 11/10 đưa tin, các quan chức Mỹ nói rằng có bằng chứng cho thấy các nhà lãnh đạo Iran đã bị bất ngờ, mặc dù giới chức Mỹ hàm ý Iran đồng lõa theo nghĩa rộng hơn vì nước này tài trợ và vũ trang cho Hamas.
Trong một cuộc đối đầu giữa Israel và Iran, "Tehran có thể sẽ tìm cách kích hoạt toàn bộ mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm và đối tác của mình ở Syria, Iraq, Yemen và Bahrain", Alhasan nói. "Sẽ có một danh sách dài các mục tiêu cứng và mềm của phương Tây trong khu vực bị nhắm đến". Trong kịch bản này, căng thẳng giữa các siêu cường gia tăng sẽ làm tăng thêm tình trạng bất ổn.
Với khoảng 1/5 nguồn cung dầu thế giới đến từ vùng Vịnh, giá sẽ tăng vọt. Việc lặp lại cuộc tấn công như của các chiến binh thân Iran nhằm vào các cơ sở Aramco hồi năm 2019, khiến gần một nửa nguồn cung dầu của Saudi Arabia bị ngừng hoạt động, không nằm ngoài khả năng.
Giá dầu thô có thể sẽ không tăng gấp bốn lần như năm 1973 khi các quốc gia Arab áp đặt lệnh cấm vận để trả đũa việc Mỹ hỗ trợ Israel trong cuộc chiến năm đó. Nhưng nếu Israel và Iran bắn tên lửa vào nhau, giá dầu có thể tăng mạnh như khi xảy ra cuộc chiến tranh Vùng Vịnh thì giá dầu có thể tăng lên 150 USD/thùng.
Giá dầu tăng mạnh sẽ làm chệch hướng nỗ lực kiềm chế giá cả trên toàn thế giới - khiến lạm phát toàn cầu ở mức 6,7% trong năm tới. Tại Mỹ, mục tiêu lạm phát 2% của Fed vẫn nằm ngoài tầm với và giá xăng đắt đỏ sẽ là trở ngại cho chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden.
Vẫn chưa rõ xung đột hiện nay giữa Israel và Hamas sẽ phát triển theo hướng nào nhưng có một điều chắc chắn là: hy vọng về một Trung Đông ổn định hơn đang tan thành mây khói. Trong những năm gần đây, việc xích lại gần nhau giữa Saudi Arabia và Iran, cũng như các hiệp ước hòa bình giữa Israel và một số quốc gia Arab đã làm tăng kỳ vọng rằng Trung Đông có thể chấm dứt hàng thập kỷ xung đột. Tuy nhiên, một “đám cháy lớn” đã lại nhen nhóm và căng thẳng ở Trung Đông rõ ràng chưa bao giờ thực sự biến mất.