Xung đột Israel - Hamas lan ra nhiều mặt trận ở Trung Đông
Nhiều dấu hiệu xung đột Israel - Hamas sẽ không giới hạn vào Gaza mà còn lan ra bên ngoài lãnh thổ Israel và Palestine, tới nhiều mặt trận ở vùng Trung Đông.
Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Trung Đông ngày càng diễn biến căng thẳng khi Thủ tướng Israel Netanyahu vừa lên tiếng bác bỏ mọi lời kêu gọi ngừng bắn với Hamas. Trong lúc đó cục diện an ninh trên khắp Trung Đông cũng trở nên phức tạp và khó lường, khi giao tranh vũ trang đồng loạt bùng phát tại nhiều chiến trường khu vực.
Trên mặt trận ngoại giao, cuộc xung đột giữa Israel với lực lượng Hamas cũng khiến mối quan hệ giữa một số quốc gia Hồi giáo và Nhà nước Do Thái trở nên xấu đi.
Tình hình Trung Đông khi có chiến sự tại Gaza
Không phải đến bây giờ, mà ngay từ khi xung đột bùng phát ngày 7/10 giữa quân đội Israel và Lực lượng Hamas, nhiều nhà phân tích cũng như chính khách khu vực đã bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ chiến sự sẽ lan rộng ra khỏi dải Gaza, trước hết là khu Bờ Tây, sau đó là chiến trường biên giới Israel-Lebanon và có thể xa hơn thế nữa. Và thực tế, diễn biến thực địa thời gian qua đã dần cho thấy là những lo ngại đó là hoàn toàn có cơ sở.
Trước hết, như chúng ta đã thấy, cùng với chiến sự hết sức đẫm máu ở dải Gaza, bạo lực cũng bùng phát dữ dội tại khu Bờ Tây. Một số số liệu do truyền thông khu vực cung cấp cho thấy các cuộc đụng độ giữa binh lính Israel và người Palestine ở Bờ Tây đến nay đã khiến khoảng 120 người Palestine thiệt mạng, gần 2.000 người bị thương. Đây là con số thương vong rất lớn.
Còn với khu vực biên giới Israel-Lebanon, giao tranh được ghi nhận diễn ra hàng ngày giữa quân đội Israel và Lực lượng Hezbollah kể từ ngày 7/10, gây thương vong lớn cho cả hai phía. Quân đội Israel nhiều lần xác nhận có binh sĩ tử vong hoặc bị thương trong các cuộc giao tranh và tấn công do người vũ trang từ miền Nam Lebanon thực hiện, trong khi Hezbollah xác nhận có gần 50 thành viên bị chết. Đây cũng là con số thương vong rất lớn nếu xét về lịch sử đối đầu giữa hai bên.
Ở biên giới Israel-Syria cũng ghi nhận nhiều cuộc bắn phá qua lại giữa hai bên kể từ khi xung đột bùng phát giữa Israel và Hamas, nhưng mức độ ác liệt không nghiêm trọng bằng ở mặt trận Israel-Lebanon.
Tuy nhiên, diễn biến đáng chú y là cùng với sự leo thang chiến sự tại Gaza, tần suất các cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các căn cứ và mục tiêu của quân đội Mỹ tại chiến trường Syria và Iraq đồng loạt tăng lên một cách đáng lo ngại.
Ngoài ra, quân đội Israel hôm qua (31/10) thông báo hệ thống phòng không tầm xa Arrow của nước này cùng ngày đã lần đầu tiên phải khai hỏa trong nhiều năm qua, để đánh chặn một tên lửa hành trình được cho là do lực lượng Hồi giáo Al Houthi ở Yemen phóng đi để tấn công vào lãnh thổ Israel.
Tất cả những diễn biến chiến sự mới nhất này, cùng với việc Mỹ liên tiếp điều thêm chiến hạm và binh sỹ tới Trung Đông, khiến không ít nhà phân tích khu vực cho rằng nguy cơ xung đột lan rộng vượt khỏi các vùng đất Palestine (tức dải Gaza và khu Bờ Tây), ra toàn khu vực là khá cao. Mặc dù vậy, đa số vẫn tin rằng trong giai đoạn trước mắt, chiến sự ác liệt nhiều khả năng chỉ dừng lại ở Gaza và có thể ở cả Bờ Tây, dù tình hình tại các mặt trận khác như tại Syria, Lebanon…, có thể vẫn tiếp tục căng thẳng, thậm chí là leo thang hơn nữa, nhưng khó có thể bùng phát thành xung đột vũ trang quy mô lớn.
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng gay gắt với Israel?
Cũng như nhiều quốc gia Hồi giáo khác tại khu vực và trên toàn thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối và lên án rất gay gắt cuộc tấn công của Israel vào dải Gaza khiến rất nhiều dân thường thiệt mạng và bị thương. Tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thẳng thừng cáo buộc quân đội Israel phạm tội ác chiến tranh ở dải Gaza, mô tả cuộc tấn công của quân đội Israel là hành động báo thù “điên rồ” và phải lập tức chấm dứt ngay. Trước đó, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng hủy bỏ chuyến thăm Israel nhằm phản đối cái mà ông gọi là “cuộc chiến vô nhân đạo” mà quân đội Israel tiến hành vào dải Gaza.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng mạnh mẽ như vậy với các hành động tấn công trấn áp của Israel chống người Palestine. Dưới thời kỳ cầm quyền của ông Erdogan, dù là cương vị Tổng thống hay Thủ tướng, Ankara luôn dành sự ủng hộ nhiệt thành cho cuộc đấu tranh chống chiếm đóng của người Palestine. Năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành trục xuất các nhân viên ngoại giao của Israel sau vụ binh lính Israel bắn chết hàng chục người Palestine trong các cuộc biểu tình dọc biên giới Gaza. Trước đó, năm 2010, Thổ Nhĩ Kỳ cũng hạ cấp quan hệ ngoại giao với Israel sau sự cố quân đội Israel tấn công tàu chở hàng hàng viện trợ nhân đạo của Thổ Nhĩ Kỳ vào dải Gaza khiến 10 công dân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.
Theo các nhà phân tích, phản ứng của Ankara với cuộc chiến tại Gaza không chỉ là sự nhất quán trong cách tiếp cận vấn đề Palestine của Tổng thống Erdogan bấy lâu nay, mà còn phù hợp với phản ứng chung của thế giới Hồi giáo trước tình cảnh mà dân thường Palestine đang phải chịu đựng. Không ít y kiến cho rằng quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel sẽ lại một lần nữa rơi vào khủng hoảng nếu chiến sự tại Gaza còn tiếp diễn, còn thêm nhiều dân thường Palestine bị chết bởi bom đạn của quân đội Israel.
Tương lai quan hệ Israel-Arab, Israel và thế giới Hồi giáo
Không chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ lên án cuộc tấn công của Israel gây nhiều thương vong cho dân thường Palestine ở Gaza, mà nhiều quốc gia Arab và Hồi giáo trên khắp thế giới cũng đã có những phản ứng tương tự. Mới đây thôi, Saudi Arabia đã quyết định đình lại tiến trình đàm phán bình thường hóa quan hệ với Israel để bày tỏ sự phản đối và phẫn nộ mạnh mẽ với cuộc tấn công của quân đội Israel vào Gaza.
Theo các nhà phân tích, với số thương vong quá lớn ở Gaza như hiện nay, cùng với sự giận dữ bùng nổ trong dân chúng tại hầu hết các quốc gia Arab Hồi giáo, sự xấu đi trong quan hệ giữa thế giới Arab và Hồi giáo với Israel là chắc chắn xảy ra. Trong đó, nhiều nhà phân tích khẳng định, ngay cả trong kịch bản chiến sự tại Gaza dừng lại ngay bây giờ (điều rất khó xảy ra), thì cũng phải cần đến vài ba năm nữa, tức khi mà sự phẫn nộ trong dân chúng dần nguôi ngoai, câu chuyện hòa giải giữa thế giới Arab Hồi giáo và Israel, mới có thể được đề cập trở lại.
Còn trong trường hợp chiến sự tiếp tục leo thang và có thêm nhiều dân thường Palestine bị giết hại, quan hệ giữa thế giới Arab Hồi giáo với Israel chắc chắn bị tổn hại, xấu đi, lao dốc và không loại trừ nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ tương tự giai đoạn những năm 70 của thế kỷ trước, đó là tình trạng chiến tranh, đối đầu. Tuy nhiên, đây là kịch bản rất khó xảy ra, bởi đó là viễn cảnh mà các quốc gia Arab Hồi giáo, Chính phủ Israel hay chính quyền Mỹ, cũng như cộng đồng quốc tế, đều không hề mong muốn.