Xung đột Israel-Hamas: Nỗ lực quốc tế đang tới đâu?

Nỗ lực quốc tế đang tới đâu khi xung đột Israel-Hamas ngày càng nguy hiểm?

Xung đột Israel-Hamas đến thời điểm này đã sang ngày thứ 10 và chưa có dấu hiệu kết thúc khi ngày 19-5 Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố ông “xác định sẽ tiếp tục chiến dịch này đến khi các mục tiêu đạt được”.

Pháp đề xuất dự thảo nghị quyết, Mỹ phong tỏa

Theo hãng tin AP, ngày 19-5 Pháp đã đề xuất lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) một dự thảo nghị quyết (Pháp và Ai Cập và Jordan cùng soạn thảo) kêu gọi ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân – Chủ tịch luân phiên HĐBA – xác nhận điều này.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc họp với các đại sứ nước ngoài ở Israel, tại một căn cứ quân sự ở Tel Aviv ngày 19-5. Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc họp với các đại sứ nước ngoài ở Israel, tại một căn cứ quân sự ở Tel Aviv ngày 19-5. Ảnh: REUTERS

Phía Pháp nói trong ngày 19-5 Pháp đã có cuộc thảo luận rất căng thẳng với phía Mỹ về dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên sau đó Phái bộ Mỹ tại LHQ nói “chúng tôi sẽ không ủng hộ những hành động mà chúng tôi cho là sẽ hủy hoại các nỗ lực giảm căng thẳng”, theo AP.

Và rồi một lần nữa Mỹ lại phản đối dự thảo nghị quyết này. Đây là lần thứ tư Mỹ phong tỏa một nghị quyết về xung đột Israel-Hamas. Một dự thảo nghị quyết cần ít nhất 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết nào từ 5 thành viên thường trực trong đó có Mỹ.

Trước đó Mỹ cũng phong tỏa một dự thảo tuyên bố (do Trung Quốc, Tunisia, NaUy đề xuất) kêu gọi Israel và Hamas chấm dứt xung đột. Theo quy định, một dự thảo tuyên bố nếu muốn được thông qua phải có sự đồng ý của toàn bộ 15 nước HĐBA. Dự thảo trên được 14 nước ủng hộ, nhưng không thông qua được vì Mỹ phủ quyết. Thời điểm ra quyết định này Mỹ nói rằng mình có thể can thiệp chấm dứt tình trạng thù địch hai bên, bằng các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi gặp nhau tại Paris và trao đổi trực tuyến với Vua Abdullah II của Jordan vào ngày 18-5. Cả ba ra tuyên bố chung “kêu gọi các bên đồng ý ngừng bắn ngay lập tức”.

Ai Cập nóng ruột

Một quan chức ngoại giao Ai Cập nói ông hy vọng các nỗ lực của Pháp có thể buộc Mỹ phải làm áp lực lên Israel và ông Netanyahu chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt. Tuy nhiên theo quan chức này, nếu Pháp không thành công, hiện có một số kênh thảo luận giữa các nước Ả Rập và Hồi giáo, cùng với Trung Quốc, nhằm đưa vấn đề ra trước Đại Hội đồng LHQ. Bước đi này nhằm bỏ qua thế khó quyền phủ quyết của Mỹ trong khuôn khổ HĐBA.

Hình ảnh đổ nát ở Dải Gaza ngày 19-5. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Hình ảnh đổ nát ở Dải Gaza ngày 19-5. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Quan chức này cũng cho biết Ai Cập đang chờ Israel trả lời về đề xuất ngừng bắn do mình đưa ra. Ai Cập – một trong số ít nước duy trì quan hệ chính thức với cả Israel và Hamas – đang tích cực làm trung gian nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên.

Palestine không tin tưởng Mỹ

Ngày 18-5, Đại sứ Palestine tại LHQ Riyad Mansour yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden thông báo kết quả về các nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas.

Theo ông Mansour, “nếu chính quyền ông Biden có thể dùng áp lực của mình để chấm dứt sự hung hăng với người dân chúng tôi, sẽ không ai chặn đường của họ”.

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy ngược lại, vì thế ông không có niềm tin vào chuyện Mỹ nói sẽ can thiệp ngoại giao để Israel và Hamas ngừng bắn. Ngày 19-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục điện đàm với Thủ tướng Netanyahu và kêu gọi giảm căng thẳng xung đột. Theo AP, đây là lần gây áp lực mạnh nhất của ông Biden lên Israel, nhưng những gì diễn ra sau đó cho thấy áp lực này vẫn chưa đủ. Ông Netanyahu vẫn tuyên bố quyết đánh Hamas đến khi nào “đạt được các mục tiêu”.

Một bé gái 3 tuổi ở Dải Gaza chết vì không kích của Israel, ngày 19-5. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Một bé gái 3 tuổi ở Dải Gaza chết vì không kích của Israel, ngày 19-5. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Phát biểu trên truyền hình ngày 19-5, Tổng thống Palestine – ông Mahmoud Abbas (lãnh đạo chính quyền Bờ Tây) tố cáo rằng Israel đang thực hiện khủng bố quy mô quốc gia có tổ chức và tội ác chiến tranh ở Dải Gaza, bị cấm theo luật pháp quốc tế. Ông Abbas tuyên bố rằng người Palestine sẽ không chần chừ truy đuổi những người phạm các tội ác này ra tòa án quốc tế.

Ông Abbas cáo buộc rằng Israel đã tấn công tàn ác vào dân thường và cố tình phá hủy nhà cửa. Israel nói mình chỉ không kích các mục tiêu của Hamas và tránh hết sức làm tổn thương thường dân, viện dẫn đến việc mình đã có cảnh báo trước đến người dân trước khi không kích vào khu dân cư.

Đầu năm nay, Tòa án hình sự quốc tế đã mở cuộc điều tra về khả năng Israel và Hamas vi phạm tội ác chiến tranh trong cuộc chiến ở Dải Gaza năm 2014.

Ngày 19-5, Liên đoàn Ả Rập đã họp khẩn ở Cairo (Ai Cập) nhằm thể hiện sự đoàn kết với người Palestine và lên án việc Israel không kích Dải Gaza.

Israel cũng vận động

Bộ Ngoại giao Israel cho biết các ngoại trưởng Đức, CH Czech, Slovakia có lịch đến Israel ngày 20-5. Theo thông báo này thì các ngoại trưởng đến theo lời mời của Ngoại trưởng Israel Gabi Ashkenazi nhằm “thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ” với Israel trong cuộc xung đột này.

Theo Bộ Ngoại giao Đức, ngoài Israel, Ngoại trưởng Heiko Maas sẽ sang cả Bờ Tây.

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/ngoai-giao-ngan-xung-dot-israelhamas-phap-ra-tay-my-chan-986503.html