Xung đột leo thang, Nga ứng phó, lắp giáp đặc biệt cho xe chiến đấu MT-LB
Trong bối cảnh xung đột Ukraine – Nga ngày càng căng thẳng, quân đội Nga đang chuyển sang các phương pháp ứng biến để tăng cường khả năng bảo vệ cho xe bọc thép. Một trong những ví dụ mới nhất là việc cải tiến xe bọc thép chở quân MT-LB.
Động thái này dường như là một nỗ lực nhằm giải quyết mối đe dọa ngày càng gia tăng do vũ khí chống tăng hiện đại gây ra, nhưng hiệu quả của nó vẫn còn hạn chế.
MT-LB là loại xe bọc thép đa năng nổi tiếng về tính cơ động, nhưng khả năng bảo vệ tương đối yếu trước các loại đạn và tên lửa chống tăng hiện đại. Để ứng phó, người Nga đã lắp thêm các khúc gỗ lên lớp giáp hiện có của xe nhằm tăng khả năng bảo vệ trước một số mối đe dọa phổ biến nhất trên chiến trường.
Tuy nhiên, việc bổ sung các chi tiết bằng gỗ vào xe chỉ là một giải pháp mang tính ứng biến, không thể cạnh tranh với các tiêu chuẩn công nghệ hiện đại về áo giáp.
Những tấm gỗ này có thể cung cấp một số khả năng bảo vệ hạn chế trước các mảnh đạn và vũ khí cỡ nhỏ như súng trường hoặc súng lục, nhưng hầu như vô dụng trước các vũ khí chống tăng mạnh hơn như ATGM (tên lửa chống tăng có điều khiển) hoặc đầu đạn HEAT (đạn chống tăng nổ mạnh).
Những viên đạn này sẽ dễ dàng xuyên qua gỗ và tấn công lớp giáp chính của xe do sử dụng năng lượng động học cao hoặc thuốc nổ để xuyên thủng lớp giáp. Điều này đặt ra câu hỏi: Lớp giáp gỗ thực sự có tác dụng gì?
Theo Bulgarianmilitary, ngoài mục đích chiến thuật, việc bổ sung các khúc gỗ có thể có tác động tâm lý đến binh sĩ. Trong môi trường nguy hiểm cao, chỉ cần nhận thức rằng xe được "bảo vệ tốt hơn" tinh thần của binh lính có thể sẽ được cải thiện, mặc dù cảm giác này phần lớn là ảo tưởng.
Tuy nhiên, những lợi ích về mặt tâm lý này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và không giải quyết được những vấn đề cơ bản liên quan đến hiệu quả chiến đấu của phương tiện.
Một trong những nhược điểm chính của áo giáp gỗ ứng biến là trọng lượng tăng thêm. MT-LB được thiết kế chú trọng vào tính năng nhẹ và cơ động, đây là những lợi thế quan trọng trong chiến tranh hiện đại.
Mỗi kilogram tăng thêm làm giảm khả năng cơ động của xe, khiến xe chậm hơn và dễ bị tấn công bằng không quân hoặc pháo binh hơn. Xe nặng hơn có xu hướng di chuyển chậm hơn và ít phản ứng hơn trong môi trường chiến đấu chật hẹp hoặc đông đúc.
Hơn nữa, trọng lượng tăng thêm không chỉ làm giảm khả năng cơ động của xe mà còn làm tăng sức ép lên các bộ phận cơ khí của xe, chẳng hạn như động cơ và hộp số. Điều này có thể dẫn đến hao mòn nhanh hơn, làm giảm phạm vi hoạt động của xe, điều này rất quan trọng đối với việc sử dụng xe trên thực địa.
Bất chấp mọi nhược điểm, lớp giáp gỗ có thể bảo vệ một phần MT-LB trong việc chống lại các thiết bị nổ FPV. Trường hợp bị các thiết bị như vậy tấn công từ bên hông, lớp gỗ có thể làm giảm một số tác động của vụ nổ, giảm thiệt hại cho lớp giáp chính của xe.
Tuy nhiên, biện pháp bảo vệ này chỉ là tạm thời và chỉ áp dụng trong những tình huống cụ thể, không thể mở rộng sang nhiều loại vũ khí chống tăng hiện đại mà MT-LB phải đối mặt.
Lớp giáp gỗ trên MT-LB là một ví dụ về những nỗ lực ứng biến để đối phó với nguồn lực hạn chế trong môi trường chiến tranh. Mặc dù nó có thể bảo vệ một phần khỏi mảnh đạn và vũ khí nhỏ nhưng phần lớn không hiệu quả trước các mối đe dọa hiện đại mà những chiếc xe này phải đối mặt.
Cuối cùng, giải pháp này không thể cạnh tranh với vũ khí chống tăng tiên tiến đang thống trị chiến trường hiện nay. Các phương pháp bảo vệ ngẫu hứng thế này có thể mang lại sự cứu trợ tạm thời, nhưng không giải quyết được những thách thức cơ bản mà lực lượng Nga phải đối mặt ở Ukraine.
Chiến lược này nhấn mạnh nhu cầu đổi mới công nghệ thiết giáp và các giải pháp mới để hiện đại hóa xe chiến đấu nếu Nga và các quân đội khác muốn giải quyết những mối đe dọa ngày càng gia tăng trên chiến trường đương đại.
MT-LB được Liên Xô thiết kế và đưa vào sử dụng từ đầu những năm 1960. Xe này chủ yếu được phát triển để vận chuyển quân qua nhiều địa hình khác nhau đồng thời bảo vệ khỏi hỏa lực vũ khí nhỏ và mảnh đạn. Tính linh hoạt, chi phí tương đối thấp khiến nó trở thành loại khí tài chủ lực trong quân đội Liên Xô và sau đó là quân đội Nga cũng như các nước Đông Âu cũ khác.
Thế Hải (Theo Bulgarianmilitary)