Xung đột leo thang, những kịch bản nào cho tương lai dải Gaza?
Theo các nhà phân tích, chiến dịch tấn công trên bộ là giải pháp duy nhất cho Israel lúc này và nhiều khả năng họ sẽ đạt được mục tiêu quân sự của mình là đánh bại Hamas, đối thủ có tiềm lực yếu hơn rất nhiều, dù sẽ gặp thách thức lớn trong tác chiến đô thị. Trong lúc đó, một câu hỏi liên tục xuất hiện: Gaza sẽ được quản lý thế nào nếu Israel hoàn thành mục tiêu đề ra?
Chính Israel cũng chưa rõ liệu có thể “xóa sổ” hoàn toàn Hamas hay không. Tuy nhiên có một điều chắc chắn là sẽ không được phép tồn tại khoảng trống quyền lực ở dải Gaza hậu xung đột, nếu không các nhóm cực đoan và vô chính phủ sẽ lợi dụng tình hình để gây bất ổn, mà Afghanistan là một ví dụ điển hình.
Theo các nhà phân tích, tương lai của dải Gaza sau khi xung đột kết thúc sẽ được định hình theo một số kịch bản, nhưng mỗi phương án đều tồn tại những thách thức riêng.
NHỮNG KỊCH BẢN HẬU XUNG ĐỘT TẠI GAZA
Ở kịch bản đầu tiên: Israel kiểm soát dải Gaza.
Israel từng nắm quyền kiểm soát dải Gaza cho đến năm 2005 và không loại trừ khả năng lịch sử lặp lại nếu chiến dịch tấn công trên bộ của Israel thành công. Tuy nhiên, việc tái kiểm soát có thể làm bùng lên một cuộc tấn công quân sự mới, đồng thời ảnh hưởng đến cán cân quyền lực khu vực
Với kịch bản Chính quyền Palestine tiếp quản quyền lực.
Tại Gaza, đa phần người dân vẫn ủng hộ Hamas và cho rằng Tổng thống Mahmoud Abbas chưa đủ cứng rắn và quyết đoán trước Israel. Vì vậy ở kịch bản này, chính quyền Palestine ở Bờ Tây có thể không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Gaza nếu tiếp quản vùng đất này hậu xung đột.
Một kịch bản tốt nhưng khó thực hiện, đó là một chính quyền dân sự Palestine tập hợp đại diện nhiều tầng lớp xã hội Palestine. Mô hình lãnh đạo như vậy dễ được Ai Cập, Ảrập Xêút, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) và Mỹ ủng hộ.
Hoặc có thể là kịch bản chính quyền lập nên bởi khối Ảrập - có thể thuyết phục người Palestine rằng lợi ích của họ sẽ được đại diện chứ không phải bị gạt sang một bên – tuy nhiên mô hình như vậy cần sự hợp tác từ phương Tây cũng như Liên hợp quốc, cùng nguồn hỗ trợ tài chính dồi dào.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!