Xung đột Nga-Ukraine: Chi 'khủng' cho chiến dịch quân sự, Tổng thống Putin đang lấy tiền từ đâu?
Mỗi ngày, Nga chi khoảng 900 triệu USD cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, trong bối cảnh Moscow liên tiếp hứng chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ phương Tây, vậy Tổng thống Putin đã lấy tiền từ đâu?
Mỗi ngày 900 triệu USD?
Khi Moscow quyết định thực hiện chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, chắc chắn người đứng đầu nước Nga đã dự tính được khả năng nền kinh tế có thể bị tổn hại nặng nề trong nhiều năm tới.
Tổng biên tập Sean Spoonts của SOFREP - một cơ quan truyền thông chuyên về tin tức quân sự, thông tin với với Newsweek rằng, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã sắp qua tháng thứ ba và để duy trì nó, Tổng thống Putin cần khoảng 900 triệu USD mỗi ngày.
Theo ước tính của SOFREP, một số yếu tố quan trọng đang góp phần đẩy mức chi phí lên mức cao vọt như vậy. Có thể kể đến chi phí trả lương cho những người lính Nga đang chiến đấu ở Ukraine; cung cấp cho họ bom, đạn và tên lửa; và cũng không ít tiền chi để sửa chữa các thiết bị quân sự bị hư hỏng hoặc sắm mới các khí tài bị mất.
Nga cũng phải “đầu tư” lớn cho hàng nghìn vũ khí quan trọng và tên lửa hành trình đã được sử dụng trong cuộc chiến, theo tính toán của Tổng biên tập Spoonts, con số rơi vào khoảng 1,5 triệu USD/chiếc.
Những con số trên hiện không tính đến việc Nga có thể đã thiệt hại bao nhiêu về tài chính vì các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm trọng đã bị áp đặt lên nước này, kể từ sau khi Nga nổ tiếng súng đầu tiên tại Ukraine vào cuối tháng Hai.
Tất nhiên, theo thông tin từ Nhà Trắng, các biện pháp trừng phạt vẫn có được duy trì ngay cả khi Nga tuyên bố rút quân.
Không ít nhà quan sát đã tin rằng, Nga sẽ nhanh chóng đánh bại Ukraine, do ưu thế quân sự của nước này. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Nga vẫn chưa có nhiều thành công về mặt quân sự. Lực lượng quân sự hùng mạnh của Nga vẫn không kiểm soát được thủ đô Kiev và cũng vẫn phải vật lộn ở các thành phố lớn khác.
Mà theo như Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby đã chỉ ra, mọi động thái của lực lượng Nga đều vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của người Ukraine. "Tất cả những gì tôi có thể nói là người Nga đã không đạt được tiến bộ ở Donbas và miền Nam mà chúng tôi tin rằng họ muốn đạt được. Chúng tôi tin rằng, họ đang chậm tiến độ", ông Kirby nói.
Donbas là một khu vực phía Đông của Ukraine có hai nước cộng hòa ly khai do Nga hậu thuẫn là Luhansk và Donetsk.
Những vấn đề Nga gặp phải tại Ukraine có thể khiến nước này phải trả giá rất đắt, cả về tài chính và thiệt hại về nhân mạng, mặc dù Điện Kremlin mới đây cũng đã miễn cưỡng công bố về con số thương vong quân sự.
Một nghiên cứu được phát hành hai tuần/lần cho biết, thiệt hại trực tiếp từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến Moscow thiệt hại khoảng 7 tỷ USD.
Một báo cáo mới đây của CNBC chỉ ra rằng, các biện pháp trừng phạt kinh tế áp đặt lên nền kinh tế Nga kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu đã có những tác động tàn khốc đối với đất nước và có thể được mỗi công dân Nga cảm nhận trong nhiều thập kỷ tới.
Khi đồng Ruble sụp đổ, nền kinh tế nước này có thể bị lùi lại khoảng 30 năm. Một số dự đoán cho rằng, mức sống của Nga có thể bị hạ thấp trong 5 năm tới, theo báo cáo của CNBC.
Viện Tài chính Quốc tế, một tổ chức tư vấn tài chính đại diện cho các công ty ở hơn 70 quốc gia, cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước Nga có thể sẽ giảm 15% trong năm nay, theo Business Insider.
Tất nhiên, ở phía bên kia, Ukraine cũng đang phải đối mặt với chi phí kinh tế nặng nề vì cuộc xung đột với Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, sẽ cần hàng trăm tỷ USD để sửa chữa những thiệt hại đối với nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của đất nước. The Wall Street Journal đưa ra con số ước tính khoảng 600 tỷ USD.
Châu Âu không còn là khách hàng số 1
Nền kinh tế Nga phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu từ lĩnh vực dầu và khí đốt. Ước tính hồi tháng 1/2022, doanh thu từ dầu chiếm 45% ngân sách liên bang Nga, trong đó châu Âu từ lâu đã là khách hàng số 1. Năm ngoái, 1/3 lượng dầu nhập khẩu của khu vực đến từ Nga, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
Trước khi xung đột quân sự Ukraine nổ ra, châu Âu nhập khẩu khoảng 3,4 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Nga. Con số này đã giảm nhẹ từ cuối tháng 2, bởi phần lớn các nhà buôn dầu ở châu Âu bắt đầu ngần ngại với dầu mỏ Nga, khi đối mặt chi phí vận chuyển tăng vọt và khó đảm bảo tài chính, bảo hiểm cho các lô hàng vận chuyển bằng tàu biển.
Đến tháng 4, châu Âu vẫn phải nhập khoảng 3 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Nga, theo Rystad Energy. Tuy nhiên, sau hơn hai tháng xung đột diễn ra ở Ukraine, EU muốn tiến xa hơn nữa và nỗ lực đạt lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga trong vòng 6 tháng và chấm dứt nhập hoàn toàn các sản phẩm dầu tinh chế vào cuối năm nay.
Kế hoạch của EU được dự tính sẽ gây áp lực lên nền kinh tế Nga, thậm chí có thể gây ra cuộc suy thoái nghiêm trọng đối với nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mở này. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán, nền kinh tế Nga sẽ giảm 8,5% trong năm nay. Một số nhà quan sát dự đoán, Nga sẽ phải cắt giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày (tương đương 20% sản lượng) vì lệnh trừng phạt của EU nhằm đúng trụ cột kinh tế của Moscow.
Tuy nhiên, nhìn sự việc ở một góc độ khác, không ít nhà phân tích lại cho rằng, lệnh cấm năng lượng từ một nhà nhập khẩu khổng lồ như châu Âu sẽ khiến giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh, giúp Nga có thể thu về nhiều tiền hơn từ dầu mỏ, ít nhất là trong ngắn hạn. Tất nhiên, điều này phụ thuộc vào khả năng chuyển hướng các lô hàng dầu khí tới các khách hàng mới.
Trên thực tế, Nga đang ráo riết chào mời các khách hàng mới. Chẳng hạn, Ấn Độ - đang tiêu thụ khoảng 5 triệu thùng dầu/ngày, đã tăng mạnh nhập khẩu từ Nga. Con số cụ thể, tháng 4 đã tăng gần 360.000 thùng/ngày, gấp 5 lần so với tháng 1, theo dữ liệu từ Rystad Energy. “Lượng dầu nhập từ Nga vẫn còn rất nhỏ so với mức tiêu thụ của Ấn Độ", Bộ Xăng dầu và khí đốt Ấn Độ cho biết.
Trung Quốc lâu nay vẫn là khách hàng mua dầu đơn lẻ lớn nhất của Nga. Từ sau từ sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc trong tháng 4 được ghi nhận có tăng, nhưng không đáng kể, theo dữ liệu của Rystad.
Tuy nhiên, người ta tin rằng, Trung Quốc - cho đến nay vẫn duy trì mối quan hệ thương mại mạnh mẽ với Nga, khó bỏ qua nguồn cung năng lượng đang được chào bán với mức giá quá hấp dẫn.
Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu dầu và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. Trong năm 2021, Nga là nhà cung cấp dầu lớn thứ 2 của Trung Quốc. Do đó, việc Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì quan hệ đối tác với Nga về năng lượng là điều hiển nhiên. Như lâu nay, Trung Quốc vẫn duy trì nguồn nhập khẩu dầu từ Iran và Venezuela, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ lên hai quốc gia giàu dầu mỏ này.
(theo Newsweek, CNN)