Xung đột Nga-Ukraine: Chiến thắng đầu tiên, doanh nghiệp phương Tây kiếm bộn tiền, ngày ngày 'nuôi' ngân quỹ Moscow
Các công ty phương Tây đã kiếm được lợi nhuận kỷ lục trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, còn Moscow đã thu được hàng tỷ USD tiền thuế từ đây.
Theo báo cáo của Novaya Gazeta Europe, trang web tin tức độc lập hàng đầu của Nga, các công ty phương Tây lớn nhất vẫn đang hoạt động khá tốt ở Nga và đã ghi nhận tổng lợi nhuận ròng là 1,1 nghìn tỷ Ruble (13,3 tỷ USD) vào năm 2022. Mức tăng đáng kể này thể hiện rõ ràng qua con số tăng trưởng so với năm trước là 54%.
Những phát hiện này dựa trên báo cáo tài chính của các pháp nhân đã đăng ký tại Nga, thuộc sở hữu hoàn toàn hoặc một phần của các thực thể phương Tây.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp, các công ty phương Tây đã đóng góp tổng cộng 288 tỷ Ruble (3,5 tỷ USD) vào thu ngân sách của Nga năm ngoái, chiếm 1% tổng thu. Các công ty của Pháp, Anh và Mỹ là những người nộp thuế lớn nhất, với số tiền đóng góp lần lượt là 55 tỷ, 47 tỷ và 40 tỷ Ruble.
Về tình hình làm ăn kinh doanh của các doanh nghiệp phương Tây tại Nga, các nhà nghiên cứu Ukraine ước tính, có hơn 1.300 công ty phương Tây hiện đang hoạt động ở Nga, The Moscow Times đưa tin.
Tuy nhiên, đã có hơn 700 công ty trong số này đã tạm ngừng hoạt động. 241 công ty khác đã hoàn toàn rời khỏi Nga ngay sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Nhưng trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, giới kinh doanh phương Tây lại là những người chiến thắng đầu tiên. Mặc dù đã rút khỏi một số tài sản nhất định, Tập đoàn Năng lượng Pháp TotalEnergies vẫn tăng gấp đôi lợi nhuận ròng lên 269 tỷ Ruble (3,2 tỷ USD).
Ngân hàng Raiffeisen, một trong những ngân hàng lớn của phương Tây vẫn còn hiện diện ở Nga, đã tăng gần gấp bốn lần lợi nhuận ròng lên 141 tỷ Ruble (1,7 tỷ USD).
Trong số 10 công ty có thu nhập cao nhất ở Nga có các công ty nổi tiếng như PepsiCo, British Oil, Japan Tobacco, Mondelez International (trước đây là Kraft Foods), Mars, gã khổng lồ bao bì Mondi, Kia và công ty vật liệu xây dựng đa quốc gia Knauf.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (2/2022), dưới tầng tầng lớp lớp lệnh trừng phạt từ phương Tây, nhiều công ty toàn cầu hoạt động cả trong và ngoài nước Nga, vẫn tiếp tục kinh doanh như bình thường. Một số doanh nghiệp quốc tế tuyên bố rằng, họ không thể tạm dừng hoạt động tại Nga vì “khách hàng cần họ”. Họ lập luận rằng, việc đình chỉ công việc làm ăn của họ sẽ khiến người dân thường không thể mua được những nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm.
Một số doanh nghiệp cũng không tỏ ra lo ngại bởi cảnh báo sẽ bị Moscow quốc hữu hóa. Bất kể lý do của họ là gì, các công ty con của hơn 1.400 công ty thuộc EU và G7 vẫn hoạt động ở Nga vào mùa Thu năm ngoái, một nghiên cứu cho thấy.
Khi Moscow khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt, Đại học Yale (Mỹ) bắt đầu lập danh sách các công ty và tập đoàn đang hoạt động tại Nga. Tài liệu này trực tiếp theo dõi công ty nào đã cắt giảm hoạt động kinh doanh tại Nga và những doanh nghiệp nào vẫn tiếp tục hoạt động ở đó.
Sẽ không có gì ngạc nhiên khi nhiều công ty trong danh sách của Yale thuộc về Trung Quốc. Nhưng theo wilsoncenter.org, trong danh sách cũng không hiếm các “tên tuổi” đến từ mọi quốc gia là Mỹ hay châu Âu, với đầy đủ các ngành cung cấp hàng hóa và dịch vụ từ các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, năng lượng và công nghệ thông tin đến công nghiệp, vật liệu và tiện ích.
Giới quan sát nhận định, hoạt động liên tục của các doanh nghiệp này có nghĩa là hàng tỷ Ruble vẫn đang giúp kích thích nền kinh tế Nga và làm suy yếu hiệu quả của các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Theo một công cụ do New York Times phát triển, xuất khẩu của Nga sang một số nước châu Âu đã tăng đáng kể vào năm 2022. Chẳng hạn, xuất khẩu của Nga sang Tây Ban Nha tăng 112%, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Nga từ Bỉ tăng 130% và xuất khẩu của Nga sang Hà Lan tăng 74%... Theo ước tính, tổng giá trị thương mại hiện tại của Nga với các quốc gia châu Âu khác nhau vẫn lên tới hàng tỷ USD.