Xung đột Nga-Ukraine còn kéo dài một thời gian nữa, Amsterdam đã có kế hoạch giải quyết khủng hoảng năng lượng

Chính phủ Hà Lan có kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân mới gần biên giới Bỉ để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Xung đột Nga-Ukraine còn kéo dài một thời gian nữa, Amsterdam đã có kế hoạch giải quyết khủng hoảng khí đốt. Borssele - khu vực có lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động duy nhất ở Hà Lan từ năm 1973. (Nguồn: EPZ)

Xung đột Nga-Ukraine còn kéo dài một thời gian nữa, Amsterdam đã có kế hoạch giải quyết khủng hoảng khí đốt. Borssele - khu vực có lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động duy nhất ở Hà Lan từ năm 1973. (Nguồn: EPZ)

Ngày 9/12, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết, hai nhà máy mới sau khi hoàn thành vào năm 2035 sẽ cung cấp 9-13% sản lượng điện cho cả nước.

Các nhà máy điện hạt nhân mới sẽ được xây dựng gần làng Borssele của tỉnh Zeeland, khu vực có lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động duy nhất ở Hà Lan từ năm 1973. Mỗi lò phản ứng mới sẽ có công suất từ 1.000-1.650 MW.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hà Lan sẽ kéo dài thời hạn sử dụng nhà máy điện hạt nhân hiện nay đến năm 2033.

Theo Thủ tướng Rutte, với việc tăng cường năng lượng hạt nhân vào nguồn năng lượng chung, Hà Lan có thể giảm được lượng khí thải CO2 từ việc sản xuất điện, đồng thời giúp giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ bên ngoài.

Cuộc xung đột tại Ukraine cũng đã khiến giá năng lượng ở Hà Lan tăng mạnh. Theo Thủ tướng Hà Lan, căng thẳng Nga-Ukraine và tình hình hiện tại trên thị trường năng lượng có thể kéo dài trong một thời gian nữa. Do vậy, ngay từ lúc này, chính phủ Hà Lan đã tìm cách lấp đầy kho dự trữ khí đốt cho mùa Đông năm 2023-2024.

Trước đó, ngày 9/12, Đại sứ Hà Lan và 5 nước gồm Đức, Áo, Đan Mạch, Estonia và Luxembourg đã cùng gửi một bức thư lên Cộng hòa Czech - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, bày tỏ hoài nghi về khả năng hạ thấp mức trần giá khí đốt Nga.

Vạch ra "lằn ranh đỏ" về giá trần khí đốt Nga, các nước này nhấn mạnh, họ không chấp nhận bất cứ nỗ lực nào nhằm hạ thấp hơn nữa mức giá trần mà khối sẽ áp với khí đốt nhập khẩu từ Nga. Trong khi đó, các thành viên EU khác như, Bỉ, Italy, Ba Lan và Hy Lạp nằm trong số những quốc gia cho rằng, việc áp giá trần là cần thiết để bảo vệ nền kinh tế khỏi hậu quả do chi phí khí đốt cao gây ra.

Tháng trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất mức giá trần sẽ được áp dụng nếu giá khí đốt vượt quá 275 euro/MWh trong 2 tuần đối với giá khí đốt hợp đồng tương lai tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan.

(theo Reuters, TTXVN)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-nga-ukraine-con-keo-dai-mot-thoi-gian-nua-amsterdam-da-co-ke-hoach-giai-quyet-khung-hoang-nang-luong-209318.html