Xung đột Nga - Ukraine: Công nghệ deepfake được sử dụng đến
Đầu tháng qua, Trung tâm Truyền thông chiến lược của chính phủ Ukraine cảnh báo Nga có thể đang chuẩn bị video giả dựa trên công nghệ deepfake, với nội dung Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố đầu hàng.
Trước đó, một đoạn video deepfake đã xuất hiện trên Facebook lẫn YouTube, trong đó Tổng thống Zelensky xuất hiện và yêu cầu quân đội Ukraine hạ vũ khí bằng giọng nói khác với giọng thông thường của nhà lãnh đạo này. Trên Telegram lẫn nền tảng mạng xã hội Nga VKontakte cũng lan truyền đoạn video này. Kênh truyền hình Ukraine 24 cho biết tin tặc đã phá hoại trang web của họ, chèn hình ảnh cắt từ đoạn video cùng thông tin tóm tắt nội dung giả.
Vài phút sau khi Ukraine 24 thông báo vụ tấn công mạng, Tổng thống Zelensky đăng lên Facebook một video phủ nhận thông tin ông yêu cầu quân đội Ukraine hạ vũ khí, đồng thời gọi hành động giả mạo là "trò khiêu khích trẻ con". Phía Meta, Twitter, YouTube đều tiến hành xóa đoạn video nói trên.
Hình ảnh từ đoạn deepfake về Tổng thống Zelensky - Ảnh: Twitter
Chưa rõ ai đã tạo ra và lan truyền đoạn video deepfake về Tổng thống Zelensky, nhưng đây có thể là lần đầu tiên công nghệ deepfake được sử dụng trong một cuộc xung đột vũ trang. Tuy nhiên, cách thức Ukraine xử lý cho thấy deepfake sẽ bị đánh bại như thế nào. Phản ứng nhanh chóng từ Tổng thống Zelensky, đài Ukraine 24 cũng như các nền tảng mạng xã hội đã giúp giảm thời gian thông tin sai lệch lan truyền không kiểm soát.
Theo hướng dẫn cách đối phó deepfake do tổ chức nghiên cứu Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế (CEIP) phát hành trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, việc có chuẩn bị trước và phản ứng nhanh là yếu tố quyết định để đánh bại deepfake.
Một vài yếu tố khác cũng giúp Ukraine thành công trong việc ngăn chặn tin giả. Đó là nhờ Tổng thống Zelensky được nhiều người biết đến và chất lượng đoạn deepfake quá tệ.
Sự nổi tiếng của ông Zelensky giúp lời cảnh báo trước đó được đưa tin rộng rãi, giúp video phủ nhận lan truyền nhanh chóng và cũng có thể giúp thúc đẩy các nền tảng mạng xã hội xử lý đoạn deepfake nhanh hơn. Phía Meta từ chối cho biết làm thế nào họ phát hiện đoạn deepfake, còn Twitter tuyên bố nhận được thông báo từ một điều tra bên ngoài.
Trong đoạn video deepfake, hình ảnh Tổng thống Zelensky trông không tự nhiên. Khuôn mặt không khớp với cơ thể, còn giọng nói thì quá khác biệt với giọng thật.
Chuyên gia nghiên cứu chính sách deepfake Sam Gregory thuộc tổ chức phi lợi nhuận Sam Gregory cảnh báo ở những xung đột khác và nhà lãnh đạo khác có thể mọi chuyện không được may mắn như vậy.
Ông lấy ví dụ một video xuất hiện ở Myanmar năm ngoái với nội dung một cựu Bộ trưởng bị giam giữ khai rằng ông hối lộ tiền mặt và vàng cho cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi. Chính quyền quân sự dùng video này buộc tội tham nhũng cho bà, nhưng khuôn mặt lẫn giọng nói của vị cựu Bộ trưởng bị bóp méo khiến nhiều nhà báo cùng người dân tin rằng đây là deepfake.
Do dễ được tạo ra, deepfake thường được dùng cho mục đích gây rối hơn là lừa đảo tầm cỡ. Nhưng đoạn deepfake về Tổng thống Zelensky cùng vụ tấn công mạng đài Ukraine 24 đi kèm có thể đem lại rắc rối lớn hơn, trở thành vũ khí chính trị hiệu quả.
Chuyên gia Samuel Bendett nói: “Nếu được làm chuyên nghiệp hơn và được đăng tải sớm vào lúc chiến dịch quân sự Nga tiến hành ở Ukraine thành công thì đoạn video có thể gây ra nhầm lẫn lớn”.