Xung đột Nga-Ukraine Cú sốc kinh tế toàn cầu?
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm 7-12, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Nga sẽ phải hứng chịu 'nỗi đau kinh tế' nếu leo thang xung đột với Ukraine. Trong thực tế, xung đột quân sự (nếu có) giữa Nga và Ukraine chắc chắn sẽ lôi kéo thêm nhiều bên, nguy cơ tác động xấu đến kinh tế và địa chính trị toàn cầu.
Đạn đã lên nòng
Đó là tình trạng của cả Nga và Mỹ cùng đồng minh. Năm nay, Nga đã tiến hành đợt tăng cường quân sự lớn gần biên giới Ukraine và Crimea. Các quan chức Ukraine cho biết vào cuối tháng 10 Nga đã điều khoảng 115.000 binh sĩ cùng nhiều xe tăng và tên lửa về phía biên giới Ukraine. Moscow cũng đã kêu gọi “hàng chục ngàn” quân dự bị với quy mô chưa từng có. Tháng trước tại Moscow, Giám đốc CIA và cựu Đại sứ Mỹ tại Nga William Burns đã phát đi một cảnh báo. Mỹ và các đồng minh NATO lo lắng Nga có thể đang lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược.
Dù Kremlin phủ nhận các thông tin trên, nhưng phương Tây không ngồi yên. Theo một quan chức quản lý cấp cao của Biden, Mỹ đã phối hợp với các đồng minh châu Âu bàn về gói trừng phạt tài chính sẽ gây "tổn hại kinh tế đáng kể và nghiêm trọng đối với nền kinh tế Nga", nếu ông Putin tấn công quân sự vào Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 1-12 cũng cảnh báo Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng để áp đặt các trừng phạt nghiêm trọng cho sự leo thang quân sự của Nga ở Ukraine: “Chúng tôi đã nói rõ với Điện Kremlin sẽ đáp trả một cách kiên quyết, bao gồm một loạt biện pháp kinh tế có tác động lớn chúng tôi đã hạn chế sử dụng trong quá khứ”. Sau đó, ngày 2-12 ông Blinken đã gặp trực tiếp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov, bên lề cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu tại Thụy Điển. Sau phiên họp, Blinken đã nhắc lại với báo giới lời cảnh báo trên.
Về phần mình, Tổng thống Biden cảnh báo ông Putin có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế cứng rắn; đường ống khí đốt Nord Stream 2 tới châu Âu của Nga sẽ bị chặn; Mỹ cùng các đồng minh châu Âu sẽ cung cấp thêm khả năng phòng thủ quân sự cho Ukraine. Một quan chức cho biết Mỹ cũng có thể nhắm mục tiêu vào các ngân hàng lớn nhất của Nga và làm mất khả năng chuyển đổi đồng rúp thành USD và các loại tiền tệ khác của Moscow.
Nỗi đau đã thấy
Dù 2 bên mới chỉ đấu “võ mồm”, những nỗi đau đã được nhìn thấy, đặc biệt trên thị trường năng lượng, nơi Nga là “tay chơi” lớn. Nga là nhà cung cấp chính dầu thô, các sản phẩm tinh chế và khí đốt tự nhiên - thông qua đường ống và tàu thuyền. Phần lớn lượng hydrocacbon xuất khẩu này đến châu Âu, nhưng khối lượng đáng kể cũng hướng đến châu Á và Bắc Mỹ.
Hôm ông Biden điện đàm với Putin, hợp đồng khí đốt tự nhiên châu Âu tương lai tăng vọt, ngoài việc do thời tiết lạnh giá, còn do thị trường lo ngại về các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga của Mỹ và đồng minh, nếu nước này xâm lược Ukraine. Điều này đã đẩy giá khí đốt lên gần 100EUR/megawatt-giờ.
Vài tuần trước, các cơ quan quản lý của Đức đã đình chỉ quy trình đăng ký đường ống Nord Stream 2 của Nga. Sau đó, Mỹ đã trừng phạt các công ty liên quan đến việc xây dựng đường ống. Sau các cuộc đàm phán mới về các biện pháp trừng phạt, khí đốt trước tháng của Hà Lan - tiêu chuẩn của châu Âu, đã tăng 7% lên 96,295 EUR, gần mức đột phá 100EUR.
Nhưng thật oái oăm, các gói trừng phạt Moscow của châu Âu và Mỹ có thể làm tổn hại chính họ. Bởi lẽ, lục địa già là khu vực dễ bị tổn thương nhất do gián đoạn vận chuyển dầu từ Nga - nhà cung cấp dầu thô, nhiên liệu sạch và dầu nặng quốc tế lớn nhất của khu vực. Dữ liệu cho thấy Nga đã cung cấp cho châu Âu khoảng 2,7 triệu thùng/ngày (mbd) dầu thô trong 11 tháng năm 2021, chiếm 2/3 các nguồn cung.
Nga cũng là nhà cung cấp bên ngoài hàng đầu của các sản phẩm tinh chế từ dầu. Các nước châu Âu nhận 1,1 mbd nhiên liệu sạch từ Nga, bao gồm dầu diesel và xăng, gấp đôi khối lượng nhiên liệu sạch họ nhận được từ nhà cung cấp số 2 là Mỹ. Đối với các sản phẩm dầu bẩn như dầu nhiên liệu, Nga cũng là nguồn cung cấp nước ngoài hàng đầu của châu Âu, cung cấp 85% sản phẩm bẩn nhập khẩu với 510 ngàn thùng/ngày (kbd).
Điều thú vị, Nga cũng là nguồn nhập khẩu dầu nhiên liệu quan trọng cho Mỹ. Dữ liệu cho thấy 250kbd dầu nhiên liệu có xuất xứ từ Nga đã cập cảng Mỹ vào tháng 11, chiếm 1/3 tổng lượng dầu nhiên liệu nhập khẩu của Mỹ. Trong số các hệ thống lọc dầu lớn của Mỹ nhận vận chuyển dầu nhiên liệu của Nga vào tháng 11 có Valero, ExxonMobil, Chevron và Shell.
Nga cũng là một công ty toàn cầu lớn trên thị trường dầu mỏ và có liên quan nhất đối với các khách hàng châu Âu hơn là bất kỳ khu vực nào khác. Nếu việc nhập khẩu dầu của Nga từ châu Âu gặp phải sự chậm trễ hoặc gián đoạn, các nguồn thay thế sẵn có sẽ có chi phí cao hơn. Thí dụ, đối với dầu diesel và dầu thô, châu Âu có thể ngày càng dựa vào xuất khẩu của Mỹ hoặc Trung Đông để bù đắp sự gián đoạn nguồn cung tiềm năng của Nga, mặc dù kết quả giá các mặt hàng này tăng đột biến sẽ khiến nhu cầu giảm trở lại.
Trong một kịch bản cực đoan, khoảng 5mbd dầu thô và sản phẩm xuất khẩu có thể bị mất. Khoảng một nửa trong số đó có thể được cân bằng từ công suất dự phòng của OPEC ở Trung Đông (nếu đạt đồng thuận về mặt chính trị). Cuối cùng, 2-3 mbd dầu nhu cầu sẽ phải được định giá ngoài thị trường, tương đương 3-5% nguồn cung cấp sản phẩm và dầu thô từ đường biển, một nhiệm vụ đầy thách thức nhưng không phải là bất khả thi.
Với khí đốt tự nhiên, châu Âu sẽ mất khoảng 55% nguồn cung cấp khí đốt. Nếu họ bù đắp khối lượng đó trên thị trường LNG toàn cầu, các nước tiếp nhận LNG khác sẽ bị mất khoảng 50% nguồn cung. Khi đó giá LNG thế giới chắc chắn sẽ phi mã.
Bất kỳ leo thang xung đột nào giữa Nga-Ukraine và phương Tây sẽ là tổn thất lớn cho cả thế giới.
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/ho-so/xung-dot-ngaukraine-cu-soc-kinh-te-toan-cau-99891.html