Xung đột Nga-Ukraine đang đi đến hồi kết?
Xung đột giữa Nga và Ukraine hiện đã bước sang năm thứ ba nhưng vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, thậm chí đứng nguy cơ lan rộng trở thành xung đột giữa Nga và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Vậy khi nào các bên liên quan đạt được thỏa hiệp chấm dứt cuộc xung đột này?
Tổng thống Zelensky: Xung đột Nga – Ukraine đang gần kết thúc
Khi cuộc xung đột mới bắt đầu hồi năm 2022, Điện Kremlin - dựa trên các tài liệu thu thập được - từng nhận định rằng cuộc xung đột với Ukraine chỉ cần 10 ngày để đi đến hồi kết. Tương tự như vậy, Ukraine cũng từng đặt nhiều hy vọng vào chiến thắng quyết định trong cuộc tấn công mùa hè năm 2023, tuy nhiên, hy vọng ấy đã nhanh chóng bị dập tắt không chỉ bởi quân lực vượt trội của Nga mà còn bởi những điểm yếu về mặt cấu trúc trong các đơn vị Ukraine mới thành lập. Các cuộc giao tranh Nga - Ukraine hiện đã bước sang năm thứ 3 và chưa có kịch bản rõ nét nào cho tương lai cuộc xung đột này.
Trong cuộc phỏng vấn với đài ABC hôm 23/9, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố Ukraine “đang tiến gần hơn đến hồi kết của cuộc chiến” với Nga. Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết chỉ với “vị thế mạnh mẽ”, Ukraine mới có thể thúc đẩy Tổng thống Nga Vladimir Putin “chấm dứt xung đột”.
“Kế hoạch chiến thắng là ủng hộ Ukraine. Đó là lý do tại sao chúng tôi đề nghị bạn bè, đồng minh củng cố cho chúng tôi. Điều đó rất quan trọng”, ABC News dẫn lời ông Zelensky nói trong cuộc phỏng vấn trực tiếp với người dẫn chương trình “Good Morning America” Robin Roberts.
“Ukraine đang đến gần hòa bình hơn chúng tôi nghĩ. Chúng tôi đã đến gần hơn hồi kết của cuộc xung đột”, ông Zelensky nói thêm.
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Ukraine được đưa ra hôm 23/9 khi ông tới New York, Mỹ để tham dự kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Đây là một phần trong chuyến đi đến Mỹ của ông Zelensky, nơi ông trình bày “Kế hoạch chiến thắng” với Tổng thống Joe Biden, cũng như với các nhà lãnh đạo chính trị quan trọng khác của Mỹ.
Trong bài phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 24/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa nêu quan điểm, cuộc xung đột Nga - Ukraine đến một thời điểm nào đó sẽ kết thúc, nhưng không phải vì “ai đó đã mệt mỏi’ hay qua thương lượng với Nga.
“Một ngày nào đó tại hội trường này, người ta sẽ nói rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine đã kết thúc - không phải đóng băng, không phải tạm dừng, không phải bị lãng quên - mà thực sự đã kết thúc. Và điều này sẽ xảy ra không phải vì ai đó đã chán xung đột, không phải vì ai đó đã trao đổi thứ gì đó với Nga. Cuộc xung đột sẽ kết thúc. Nó không thể được xoa dịu bằng đàm phán. Cần phải hành động”, Tổng thống Zelensky nói.
Tuy nhiên, ông không cho biết những hành động cần làm là gì ?
Cũng trong bài phát biểu, ông Zelensky một lần nữa đề cao cái gọi là “công thức hòa bình” của Ukraine và kêu gọi chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần 2 để chấm dứt xung đột với Nga. Ông đã mời Trung Quốc, Brazil, các nước châu Á, Mỹ Latinh, Mỹ và các nước khác tham gia nhưng không nêu rõ nội dung sẽ thảo luận.
Về kế hoạch hòa bình, ông Zelensky cho biết, kế hoạch đó không liên quan đến đàm phán với Nga, mà xoay quanh việc thúc đẩy năng lực quân sự của Ukraine nhằm giải quyết xung đột. Ông lập luận, chỉ bằng cách củng cố Ukraine, quân đội và nhân dân Ukraine, giúp Ukraine có một vị thế mạnh, khi đó mới có thể thúc ép Nga chấm dứt xung đột.
Nga phản bác tuyên bố của Ukraine
Phản ứng trước phát biểu của tổng thống Ukraine Zelensky, Nga đã lên tiếng phản bác, nhấn mạnh chiến dịch quân sự ở Ukraine chỉ kết thúc khi Nga đạt được các mục tiêu đã đặt ra.
“Mọi cuộc xung đột đều kết thúc trong hòa bình, dù bằng cách này hay cách khác. Tuy vậy, Nga sẽ chỉ kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt sau khi đạt được toàn bộ mục tiêu đã đề ra”, ông Peskov cho biết.
Cũng theo ông Peskov, Nga chưa thể đưa ra đánh giá cụ thể nào về “kế hoạch chiến thắng” của Kiev, bởi hiện có quá ít thông tin đáng tin cậy về vấn đề này.
Theo chuyên gia nghiên cứu chính trị quốc tế James Horncastle của tờ báo The Conversation, tuyên bố “xung đột Nga-Ukraine đi đến hồi kết” của ông Zelensky là “không thực tế”. Hiện tại, Nga đã điều chỉnh chiến thuật để thích nghi với tình hình chiến sự kéo dài, thay vì nỗ lực tìm kiếm một chiến thắng chớp nhoáng như ban đầu.
Moscow đã sử dụng lính đánh thuê từ Tập đoàn Wagner – với khoảng 5.000 nhân sự được triển khai khắp châu Phi, từ Libya đến Sudan, nhằm ổn định vị thế của mình ở Ukraine. Các lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ và phương Tây đã phần nào ảnh hưởng đến khả năng sản xuất vũ khí của Nga; tuy nhiên, điện Kremlin vẫn có thể mua vũ khí ở quy mô lớn từ ngành công nghiệp vũ khí trong nước cũng như từ các quốc gia đồng minh. Kết hợp với chiến dịch ngoại giao của Nga ở châu Phi, Moscow không còn ở thế bị cô lập như các nước phương Tây nhận định và có đủ nguồn cung để tiếp tục chiến sự với Ukraine.
Trước đó, tổng thống Nga Vladimir Putin từng khẳng định rằng hòa đàm chỉ có thể được khởi động nếu Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và công nhận chủ quyền của Nga đối với những khu vực Moscow đã tiếp quản ở miền nam và miền đông Ukraine, bên cạnh những yêu cầu khác.
Nga cũng nhiều lần tuyên bố không có ý định tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần 2 do Ukraine đề xuất, đồng thời khẳng định bất cứ thảo luận hòa bình nào về Ukraine mà không có sự tham gia của Nga đều vô nghĩa.
Kế hoạch hòa bình của Ukraine và những lo ngại của phương Tây
Theo tờ The Times (Anh), “kế hoạch chiến thắng” của tổng thống Ukraine Zelensky bao gồm 4 điểm chính.
Thứ nhất là yêu cầu đảm bảo an ninh từ phương Tây, tương tự như hiệp ước phòng thủ chung mà các quốc gia thành viên NATO được hưởng.
Thứ hai là việc Ukraine tiếp tục hoạt động ở khu vực Kursk. Theo phía Ukraine, điều này sẽ củng cố vị thế của Kiev trong các cuộc đàm phán.
Thứ ba là yêu cầu về cung cấp vũ khí hiện đại. Theo đó, các đối tác quốc tế của Ukraine được kỳ vọng sẽ không chỉ tiếp tục cung cấp vũ khí, mà còn tăng cường hỗ trợ quân sự, tài chính và nhân đạo. Trọng tâm được đặt vào việc cung cấp vũ khí hiện đại, chẳng hạn như xe tăng và máy bay, cho phép Ukraine duy trì khả năng phòng thủ.
Thứ tư là hỗ trợ kinh tế, bao gồm việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng và nền kinh tế bị phá hủy của Ukraine hậu xung đột, xây dựng lại các thành phố, ngành công nghiệp và cải thiện cuộc sống của người dân Ukraine sẽ là những nhiệm vụ chính trong giai đoạn hậu chiến.
Ngoài ra, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andrii Yermak, đã nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York rằng, việc Ukraine được mời gia nhập NATO cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch chiến thắng. Ông Andrii Yermak kêu gọi tăng cường đầu tư vào sản xuất vũ khí của Ukraine và nhấn mạnh phương Tây cần bật đèn xanh cho Kiev tấn công vào sâu lãnh thổ Nga và sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine.
Tuy nhiên, các quan chức phương Tây đã hạ thấp kỳ vọng vào kế hoạch chấm dứt xung đột ở Ukraine mà Tổng thống Volodymyr Zelensky trình bày tại New York, đồng thời cho biết họ không coi kế hoạch đó là một dấu hiệu cho những đột phá trong cuộc xung đột hiện nay.
Một nguồn tin thân cận với các cuộc trao đổi giữa ông Zelensky và các nhà lãnh đạo nước ngoài cho biết, không có sự bất ngờ thực sự với cái gọi là “kế hoạch chiến thắng” của Tổng thống Ukraine và nó không phải là một nhân tố chính thay đổi cục diện. Một quan chức khác thì gọi đây là “một danh sách những mong ước”.
Đánh giá ảm đạm về kế hoạch trên đã cho thấy bầu không khí bi quan giữa các nước ủng hộ Ukraine khi xung đột kéo dài sang năm thứ ba. Các quốc gia này đang lo ngại sự hỗ trợ cho Kiev sẽ suy giảm nếu cựu Tổng thống Donald Trump quay lại Nhà Trắng giữa bối cảnh chỉ còn 6 tuần nữa cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra.
Những tuần gần đây, tổng thống Ukraine Zelensky đã nhiều lần kêu gọi Mỹ và Anh gỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng tên lửa tầm xa mà 2 nước này cung cấp để Ukraine có thể tấn công những mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, cho đến nay, cả Mỹ, Anh cùng nhiều nước phương Tây đều tỏ ra thận trọng về vấn đề này, nhằm tránh leo thanh xung đột giữa Nga và NATO.
Séc: Ukraine cần chấp nhận khả năng Nga kiểm soát một phần lãnh thổ
Trước những diễn biến phức tạp hiện nay, Tổng thống Cộng hòa Séc Petr Pavel nhận định Ukraine nên chấp nhận sự kiểm soát “tạm thời” của Nga đối với một số vùng lãnh thổ như là kết quả của cuộc xung đột hiện nay.
Theo Tổng thống Pavel, cả Nga và Ukraine dường như đều không thể đạt được các mục tiêu tối đa của mình.
“Để nói về việc đánh bại Ukraine hay Nga, điều đó đơn giản là không xảy ra", ông Pavel nhận định với New York Times trong cuộc trả lời phỏng vấn được công bố ngày 23/9. Theo ông: "Kết thúc của cuộc xung đột này sẽ đâu đó nằm ở giữa".
“Kết thúc có thể xảy ra nhất của cuộc xung đột này sẽ là một phần lãnh thổ của Ukraine nằm dưới sự kiểm soát tạm thời của Nga", ông Pavel nói, đồng thời dự đoán, "điều tạm thời" này có thể kéo dài một vài năm.
Chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky đã bác bỏ bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào không khôi phục biên giới năm 1991 của Ukraine, theo đó bao gồm bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng cùng với Kherson và Zaporizhia. Nga đã nhiều lần tuyên bố tình trạng của các khu vực trên là không thể đàm phán và Ukraine cần “thừa nhận thực tế” trước khi lệnh ngừng bắn diễn ra, chứ chưa nói tới một hiệp ước hòa bình.
Trong khi sự mệt mỏi vì xung đột gia tăng, cùng với sự trỗi dậy của một số quan điểm theo chủ nghĩa dân túy như Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Thủ tướng Slovakia Robert Fico gây rạn nứt trong nội bộ EU, theo Tổng thống Cộng hòa Séc Petr Pavel, Ukraine cần nhìn nhận “thực tế về sự hỗ trợ mà họ có thể đạt được”.
Nhận định của nhà lãnh đạo Séc về kết cục xung đột Nga - Ukraine vấp phải phản ứng của Kiev. Bộ Ngoại giao Ukraine khẳng định sẽ không nhượng bộ về lãnh thổ để đổi lấy hòa bình với Nga.
Sau hơn 2 năm kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine, trong đó có bán đảo Crimea. Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho đến nay vẫn nhiều lần tuyên bố để ngỏ đàm phán với Nga, nhưng khẳng định không đổi đất để lấy hòa bình.
Khả năng đàm phán giữa Nga và Ukraine
Bước sang năm thứ ba, cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa có hy vọng về một giải pháp hòa bình. Triển vọng càng thêm mịt mờ khi các bên đưa ra lá bài hạt nhân chiến thuật và sẵn sàng sử dụng giải pháp này một khi “lằn ranh đỏ” bị phá vỡ. Thời gian tới, cuộc khủng hoảng này vẫn sẽ là yếu tố chính tác động đến đời sống chính trị - kinh tế - an ninh quốc tế. Không chỉ các bên trực tiếp tham gia là Nga và Ukraine gánh chịu thiệt hại nặng nề, mà thế giới cũng sẽ phải mất nhiều năm mới có thể khắc phục và vượt qua những hệ lụy từ cuộc xung đột dai dẳng này. Hơn lúc nào hết, các bên cần phải kiềm chế các hành động gây leo thang căng thẳng, ngồi vào bàn đàm phán để tìm kiếm một giải pháp hòa bình nhằm chấm dứt xung đột.
Ở thời điểm hiện tại, theo các chuyên gia quân sự, Nga ít nhiều có lợi thế chiến trường. Tuy nhiên, sau gần 3 năm xung đột, Nga cũng chịu nhiều tổn thất trước sức ép về nhiều mặt từ phương Tây. Đàm phán chấm dứt xung đột mà vẫn đạt mục tiêu cơ bản vẫn lợi hơn là tiếp tục kéo dài cuộc chiến tiêu hao lớn.
Về phía Ukraine, Kiev đã nói đến đàm phán nhưng vẫn không từ bỏ điều kiện tiên quyết. Trong khi đó, phương Tây dù muốn tiếp tục cuộc xung đột chống Nga nhưng cũng "bỏ túi" phương án dự phòng, đàm phán trên thế có lợi.
Do đó, giới phân tích cho rằng đàm phán là kịch bản có thể, nhưng dự báo vẫn chỉ là dự báo, bởi có nhiều nhân tố có thể làm chệch hướng. Ngoài hai đối thủ trực tiếp, khả năng đàm phán còn phụ thuộc rất lớn vào bên ngoài. Chừng nào NATO, phương Tây còn muốn loại bỏ Nga, chừng đó chưa thể có đàm phán thực sự.
Một số lãnh đạo phương Tây dần điều chỉnh quan điểm, từ chỗ muốn đánh bại hoàn toàn Nga, sang đóng băng xung đột, mở đường cho cuộc đàm phán kéo dài, giành lợi thế lớn nhất có thể; tranh thủ thời gian khôi phục sức mạnh cho Ukraine. Moscow hiểu rõ và chắc chắn không muốn kịch bản đó xảy ra.
Trong một diễn biến khác, ngày 21-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố Nga sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine lần thứ hai dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Trước đó hồi tháng 6, Ukraine đã tổ chức hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ. Sự kiện thu hút sự tham gia của đại diện 92 quốc gia, nhưng không có Nga và Trung Quốc.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/xung-dot-nga-ukraine-dang-di-den-hoi-ket-268101.htm