Xung đột Nga - Ukraine diễn biến ra sao nếu Mỹ cấp tên lửa Tomahawk cho Kiev?

Ukraine công khai thừa nhận đã đề nghị Mỹ cung cấp tên lửa tầm xa Tomahawk, song rất ít khả năng Kiev nhận được loại vũ khí có giá trị tương đương với tên lửa Kalibr của Nga.

Cuối tháng 10, tờ New York Times hé lộ "kế hoạch chiến thắng" của Tổng thống Volodymyr Zelensky, nhà lãnh đạo Ukraine đã đề nghị Mỹ cung cấp tên lửa Tomahawk. Một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ nhấn mạnh, yêu cầu về Tomahawk là hoàn toàn phi thực tế. Ngoài ra, tờ báo cho biết ông Zelensky đã không thành công trong việc thuyết phục Washington cho phép tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng các loại vũ khí do phương Tây cung cấp.

Sau đó, ông Zelensky đã lên tiếng xác nhận về việc muốn có tên lửa Tomahawk, nhưng khẳng định "đây là thông tin mật giữa Ukraine và Nhà Trắng", song đã bị tiết lộ.

Tàu USS Chaffee phóng thử tên lửa hành trình Tomahawk Block V. Ảnh: Hải quân Mỹ

Tàu USS Chaffee phóng thử tên lửa hành trình Tomahawk Block V. Ảnh: Hải quân Mỹ

Tomahawk là vũ khí chính xác tầm xa được các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm của quân đội Mỹ sử dụng. Tầm bắn có sự khác biệt đôi chút giữa các phiên bản, nhưng khoảng cách tấn công là hơn 2.400km. Con số này vượt xa tầm bắn hơn 300km của Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân ATACMS mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine với số lượng hạn chế. Trong khi đó, Ukraine vẫn đang bị áp đặt lệnh cấm liên quan tới việc sử dụng các vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công những mục tiêu có giá trị cao nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

"Những tên lửa Tomahawk chuyển cho Ukraine có thể được sử dụng hiệu quả. Chúng có thể khiến các tài sản và cơ sở hạ tầng quân sự ở xa của Nga dễ dàng bị tấn công, cũng như gây thêm áp lực cho các hệ thống phòng không và tên lửa của Nga”, nhà nghiên cứu William Freer tại tổ chức tư vấn Council on Geostrategy ở Anh cho biết.

Trên thực tế, Moscow đang sở hữu kho dự trữ lớn các tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm, hoặc tàu chiến bao gồm Kalibr, loại tên lửa mà quân đội Nga thường xuyên phóng từ Biển Đen để tấn công Ukraine.

Theo ông Freer, Kalibr đã đóng vai trò quan trọng trong các cuộc tấn công của Nga, và có tầm bắn tương tự như tên lửa Tomahawk của Mỹ. "Không thể đánh giá thấp mối đe dọa từ Kalibr, nhưng thành tích chiến đấu của Tomahawk còn ấn tượng hơn", vị chuyên gia đánh giá.

Cũng theo ông, Ukraine có thể sử dụng Tomahawk để tấn công các tuyến tiếp tế của Nga, và làm gián đoạn đòn tấn công của Moscow. Ông cho rằng, điều này có thể mang lại "kết quả có ý nghĩa trên chiến trường".

Tuy nhiên, ông Freer cho biết Mỹ đã hạn chế số lượng tên lửa hành trình tấn công đất liền, cũng như đã sử dụng hết một phần "đáng kể" kho dự trữ trong những năm gần đây.

Ông cho rằng, do nhu cầu duy trì kho dự trữ tên lửa đề phòng khả năng có thể xảy ra xung đột nên không rõ Mỹ có thể chuyển giao được bao nhiêu tên lửa.

Còn theo tập đoàn quốc phòng Raytheon, đơn vị sản xuất tên lửa Tomahawk, Mỹ và các đồng minh đã sử dụng loại đạn này trong chiến đấu hơn 2.300 lần. Ngoài ra, một số biến thể Tomahawk như seri Block V mới và hiện đại đã được Mỹ dành vài năm qua để nâng cấp.

"Bất kể kết quả ra sao, cuộc xung đột ở Ukraine là lời nhắc nhở rõ ràng về tầm quan trọng của khả năng tấn công, cũng như kho dự trữ thấp cùng năng lực sản xuất hạn chế ở khắp các nước NATO. Những vấn đề này cần được khắc phục", ông Freer kết luận.

Minh Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/xung-dot-nga-ukraine-dien-bien-ra-sao-neu-my-cap-ten-lua-tomahawk-cho-kiev-2338777.html