Xung đột Nga - Ukraine định hình trật tự mới trên bản đồ năng lượng thế giới
Chiến sự giữa Nga và Ukraine khiến giá dầu leo thang, nguồn cung khí đốt bị ảnh hưởng cùng nguy cơ dẫn tới thay đổi đáng kể trên thị trường năng lượng toàn cầu.
20 ngày sau thời điểm quân đội Nga mở cuộc tấn công vào một số mục tiêu quân sự tại Ukraine, sức ảnh hưởng của chiến sự vẫn đang lan tỏa đến nhiều lĩnh vực trên khắp thế giới, trong đó có năng lượng.
Cuộc chiến năng lượng
Theo AP, Nga là nhà cung cấp dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và kim loại cực kỳ quan trọng. Các nước châu Âu đang phụ thuộc vào Nga với gần 40% lượng khí đốt tự nhiên và 25% lượng dầu. Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn của thế giới, chiếm khoảng 12% nguồn cung của toàn cầu.
Dữ liệu của Economist cho biết trong hai nguồn năng lượng chính là khí đốt và dầu mỏ, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn khí đốt tự nhiên của Nga. Với trữ lượng dồi dào, gần các mỏ dầu và mạng lưới đường ống rộng khắp, Nga sở hữu miếng bánh thị phần khí đốt của EU với khoảng 38% tổng nguồn cung.
Tuy nhiên, nguồn cung dầu mỏ và khí đốt của các nước châu Âu nói riêng và thế giới nói chung đang bị đe dọa do xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine.
Hôm 10/3, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga đã ngay lập tức đẩy giá dầu trên thế giới tăng vọt. Trước đó hôm 8/3, Nga đe dọa cắt nguồn cung khí đốt cho Châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 để đáp lại các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ông Patrick DeHaan, người đứng đầu bộ phận phân tích xăng dầu tại công ty chuyên về thông tin trạm xăng dầu GasBuddy, nói rằng việc Nga có thể trả đũa bằng cách ngừng xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên sẽ gây áp lực lên giá xăng và khí đốt tự nhiên không chỉ ở Mỹ mà còn nhiều nơi khác.
Các chuyên gia cho rằng bất kỳ sự gián đoạn nào đối với những hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga đều có thể khiến giá nhiên liệu tăng cao hơn, gây thiệt hại kinh tế trên toàn thế giới. Giá khí đốt, giá nhiên liệu nhanh chóng tăng lên mức cao chưa từng có, kéo theo giá lương thực và chi phí các nguyên vật liệu tăng vọt.
Lường trước nguy cơ, nhưng các nước châu Âu vẫn gặp khó khăn bởi ngày càng phụ thuộc vào các nguồn năng lượng bên ngoài do các nước tập trung vào phát triển các giải pháp năng lượng xanh thay thế. Theo Reuters, vào năm 2019, 60% nhu cầu năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài.
Dù vậy, cả Nga và phương Tây đều đang có những bước đi cần thiết nhằm đa dạng hóa thị trường năng lượng, từ đó giảm bớt sự phụ thuộc năng lượng vào một số đối tác cố định như hiện nay.
Nga cần những thị trường mới trong trường hợp Mỹ và phương Tây gia tăng các lệnh trừng phạt, còn châu Âu cần những giải pháp cụ thể để giảm phụ thuộc vào nguồn cung xăng dầu, khí đốt từ Nga. Điều này dẫn tới khả năng định hình lại bức tranh năng lượng toàn cầu.
Loại bỏ sự phụ thuộc vào Nga
Hôm 5/3, Đức đã tiến hành thêm một bước nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga với việc công bố kế hoạch xây dựng một nhà ga nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Quyết định của Đức xuất phát những cảnh báo liên tục của Mỹ đối với EU về những rủi ro liên quan đến sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung năng lượng của Nga. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine buộc nhiều nước phải hành động để giảm phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga, đề phòng trường hợp Nga cắt nguồn cung cho châu Âu.
Các bước đi như tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng và triển khai dự án sản xuất năng lượng tái tạo nhanh hơn được cho là tiền đề phù hợp để hướng tới sự chuyển đổi.
EU đã liên hệ với một số nhà cung cấp khí LNG từ Qatar, Algeria, Nigeria và đặc biệt là Mỹ. Theo dữ liệu từ Refinitiv châu Âu đã nhập khẩu khối lượng khí LNG lớn nhất trong lịch sử 11,8 tỷ m3 trong tháng 1 năm nay, trong đó 45% khối lượng này đến từ Mỹ.
Mỹ là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng, xuất khẩu LNG sang EU chỉ tính riêng trong năm 2021 đã đạt 22 tỷ m3. Theo các nguồn tin của Nga, Mỹ đang tích cực làm việc với các đối tác châu Âu để tăng khối lượng xuất khẩu. Thế nhưng, nguồn cung của Washington cũng không thể liên tục.
Theo Bloomberg, các nước châu Âu thường giao dịch khí đối với giá chiết khấu đối với thị trường Bắc Á, nơi có các nhà nhập khẩu hàng đầu. Tuy nhiên, kế hoạch không nhập khẩu khí đốt từ Nga sẽ khiến châu Âu cần tăng cường nhập khẩu khí đốt hơn thì thị trường này hơn nữa, với giá được cho là cao hơn giá của châu Á.
Một đối tác tiềm năng khác cung cấp LNG cho châu Âu là Qatar. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Sherida al-Kaabi cảnh báo EU không nên quá kỳ vọng vào nước này để thay thế hoàn toàn nguồn cung ứng Nga.
"Nga đã bảo đảm từ 30-40% nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Tôi nghĩ không một nước nào có thể thay thế được ngần ấy khối lượng. Chúng tôi chỉ có thể cung cấp những gì sẵn có cho châu Âu", ông al-Kaabi nhấn mạnh hôm 23/2.
Cùng với đó, giá khí LNG cũng là một vấn đề khi đã tăng gấp 3 lần chỉ trong giai đoạn từ tháng 10 đến 12/2021. Trong khi đó, đối với dầu hoặc than, chi phí môi trường sẽ rất thảm khốc, nhất là vào đúng thời điểm mà châu Âu theo đuổi các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen từng khẳng định, châu Âu sẽ không gặp vấn đề về khí đốt trong mùa đông này, ngay cả khi nguồn cung cấp từ Nga bị cắt hoàn toàn.
Tuy nhiên, JPMorgan Chase dự báo, châu Âu không phải không đủ nguồn cung nhưng sẽ tốn kém hơn. Ngay cả khi không có việc cắt giảm khí đốt của Nga, châu Âu cũng sẽ phải chi khoảng 1.000 tỷ USD cho năng lượng trong năm nay so với con số 500 tỷ USD vào năm 2019.
Một số giải pháp khác được châu Âu đưa ra là sử dụng năng lượng tái tạo hoặc tiết kiệm năng lượng. Reuters dẫn lời một quan chức của EU cho biết một số quốc gia đang đặt năm 2030 là thời hạn cho nỗ lực giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, một số đề xuất cho rằng nên đặt mục tiêu này vào năm 2027, một số quốc gia muốn ngừng ngay lập tức. Dù vậy, đây không phải vấn đề có thể giải quyết trong ngày một ngày hai.
Hôm 15/3, Trung Quốc đã bán lại một số lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ cho châu Âu. Unipec, chi nhánh thương mại của Sinopec thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, đã bán ít nhất 3 lô hàng LNG để giao cho các cảng ở châu Âu thông qua cuộc đấu thầu kết thúc vào cuối tuần trước, theo các thương nhân am hiểu về vấn đề này.
Các lô hàng sẽ được vận tải từ cơ sở xuất khẩu Calcasieu Pass của Venture Global LNG Inc. ở Louisiana, nơi Sinopec có thỏa thuận mua LNG. Theo Bloomberg, động thái bất ngờ của một trong những nước nhập khẩu khí đốt hàng đầu thế giới cho thấy dòng chảy thương mại đang được định hướng lại.
Theo Economist, nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp tục leo thang, nó sẽ gây tác động lớn đến các công ty tư nhân và đời sống người dân, đặc biệt là ở các nước nghèo. Ở những nước có nền kinh tế phát triển như Đức, người dân cũng sẽ phải cảm nhận cái lạnh mùa đông thêm rõ rệt hơn.
Do đó, tìm thị trường năng lượng mới để giảm phụ thuộc vào Nga là bước đi cần thiết để bảo vệ nền kinh tế của các quốc gia EU.
Xung đột Nga - Ukraine sẽ định hình lại bản đồ năng lượng thế giới, tạo ra động lực để các quốc gia tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng nghiên cứu và vận hành những nguồn năng lượng mới, đồng thời là cơ hội để các nước khác chen chân vào thị trường.