Xung đột Nga-Ukraine: Israel sẽ làm nên chuyện?
Israel đang trở thành ứng viên tiềm năng cho vai trò trung gian hòa giải xung đột Nga-Ukraine. Đâu là cơ sở cho điều này?
Vẹn cả hai bên
Israel có quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine, nổi bật là cộng đồng người Do Thái tại đây. Ước tính hơn 1 triệu, tức 1/10 dân số Israel, sinh ra ở Nga hoặc Ukraine.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, quan hệ Israel-Nga đã cải thiện rõ rệt từ những năm 2000, khi ông Vladimir Putin lãnh đạo nước Nga và dưới thời cựu Thủ tướng Ariel Sharon.
Tại Israel, tiếng Nga là ngôn ngữ phổ biến thứ ba sau tiếng Do Thái và tiếng Arab, 1,5 triệu người sử dụng. Vào lúc cao điểm, có tới 100.000 người Israel ở Nga, 90% trong số đó sống và làm việc tại Moscow.
Còn tính cả cộng đồng người Do Thái tại xứ bạch dương, lên tới hơn 400.000 người.
Từ năm 2008, hai nước đã ký thỏa thuận miễn thị thực lẫn nhau. Kể từ năm 2014, Nga là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của Israel.
Bên cạnh du lịch và dầu khí, hai bên cũng hợp tác trong nhiều lĩnh vực quan trọng từ y tế, không gian, công nghệ hạt nhân, khởi nghiệp sáng tạo. Nga và Israel cũng duy trì phối hợp chặt chẽ tại Syria để tránh đối đầu trên thực địa.
Quan hệ Israel-Ukraine cũng không kém phần khăng khít. Ước tính có 200.000 người Do Thái sinh sống ở Ukraine. Bản thân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là người Do Thái và được nhiều người Israel ủng hộ. Hai nước đã ký hiệp định miễn thị thực cho công dân của nhau.
Kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2019 đạt 900 triệu USD. Ukraine là nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu tại Israel nhiều năm khi chiếm gần một nửa lượng tiêu thụ với tổng giá trị lên tới 400 triệu USD/năm.
Đặc biệt, không sai nếu nói rằng một phần lịch sử quan trọng của người Do Thái nằm tại Ukraine, nhất là khu tưởng niệm Babyn Yar.
Vì thế, việc di tích lịch sử này bị hư hại nghiêm trọng sau khi Nga triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine khiến không ít người Do Thái sửng sốt.
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đang ngày một phức tạp, mọi cơ hội để tiến tới hòa bình, dù nhỏ đến đâu, đều cần được chắt chiu.
Một sự lựa chọn
Quan trọng hơn, Israel đã duy trì thái độ trung lập về xung đột Nga-Ukraine.
Một mặt, nước này bỏ phiếu ủng hộ dự thảo chấm dứt xung đột Nga-Ukraine tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Mặt khác, chính phủ của Thủ tướng Naftali Bennett đã hạn chế sử dụng các từ ngữ gay gắt với Moscow. Đồng thời, viện trợ của Israel tới Ukraine chỉ dừng ở nhân đạo, thay vì khí tài như Mỹ và châu Âu.
Bởi vậy, Israel ở vị trí thuận lợi để duy trì đối thoại với cả Nga, Ukraine và phương Tây. Chính phủ Do Thái đã không bỏ lỡ cơ hội này.
Cuối tuần qua, Thủ tướng Israel Naftali Bennett trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi Moscow phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” với Kiev.
Cuộc trò chuyện kéo dài 3 tiếng.
Nhà lãnh đạo này sau đó đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và tới Berlin để thảo luận thêm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Viết trên Twitter, Thủ tướng Naftali Bennett cũng nhấn mạnh Israel đang làm mọi cách để trở thành trung gian hòa giải xung đột Nga-Ukraine.
Chưa đủ "công cụ ngoại giao"?
Dù vậy, mọi chuyện sẽ không dễ dàng với Israel khi còn các rào cản sau.
Đầu tiên, đó là áp lực từ Washington và một số nước phương Tây. Trước đó, Mỹ đã kêu gọi đồng minh thân thiết nhất tại Trung Đông tham gia nhóm 87 nước chỉ trích “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga, song Israel đã từ chối.
Thái độ của xứ cờ hoa sẽ là điều nhà nước Do Thái cần đặc biệt lưu tâm nếu muốn làm trung gian hòa giải cho xung đột Nga-Ukraine.
Ngoài ra, bà Vera Michlin-Shapir, người từng công tác tại Hội đồng An ninh quốc gia Israel, cho rằng Israel chưa có đủ “công cụ ngoại giao” cần thiết để làm trung gian hòa giải cho xung đột Nga-Ukraine phức tạp này.
Ngay cả Pháp hay Thổ Nhĩ Kỳ, hai người chơi với vị thế và kinh nghiệm trong trung gian hòa giải, cũng chưa mang tới tín hiệu tích cực.
Thêm vào đó, dù Ukraine hoan nghênh ý tưởng của Israel, song Nga lại không quá mặn mà với đề xuất này.
Trong cuộc nói chuyện chiều ngày 6/3, ông Putin được cho là một lần nữa từ chối ý tưởng của ông Bennett. Nhiều người cho rằng với Nga, Israel làm trung gian hòa giải Nga-Mỹ sẽ hợp lý hơn là Nga-Ukraine.
Khi đó, Nga có thể tận dụng quan hệ Mỹ-Israel để đặt yêu cầu với Mỹ, trong bối cảnh Nga-Mỹ ngày càng căng thẳng.
Viết trên tờ Israeli Walla News, nhà bình luận Barak Ravid cho rằng Israel đề xuất làm trung gian hòa giải xung đột Nga-Ukraine đã giúp ông Bennett củng cố uy tín nội bộ và tăng cường tiếng nói của Israel.
Tuy nhiên, điều này cũng mang lại rủi ro lớn với sự nghiệp chính trị của nhà lãnh đạo này nói riêng và quan trọng hơn, ảnh hưởng và vị thế quốc tế của Israel.
Phát biểu trước Knesset (Quốc hội Israel) sáng ngày 6/3, bản thân Thủ tướng Naftali Bennett cũng thừa nhận nước này chỉ có một “cơ hội nhỏ” để biến hiện thực hóa mong muốn.
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine ngày một phức tạp, mọi cơ hội để tiến tới hòa bình, dù nhỏ đến đâu, đều cần được chắt chiu.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-nga-ukraine-israel-se-lam-nen-chuyen-176219.html