Xung đột Nga-Ukraine: Kiev lần đầu đưa UAV đánh chặn chuyên dụng vào thực chiến
Ukraine đã triển khai thiết bị bay không người lái (UAV) đánh chặn Win_Hit của Dự án ODIN để tiêu diệt UAV Shahed của Liên bang Nga.

Một hàng thiết bị bay không người lái (UAV) đánh chặn FPV ODIN Win_Hit sẵn sàng phóng theo phương thẳng đứng trong các cuộc thử nghiệm chống UAV với điều kiện thực chiến. Ảnh: Militarnyi.
Kênh United24media ngày 17/7 cho biết Dự án ODIN của Ukraine vừa ra mắt và thử nghiệm thành công UAV đánh chặn tốc độ cao mang tên Win_Hit, chứng minh khả năng đối đầu và tiêu diệt các UAV cảm tử Shahed-136 và Gerbera của Liên bang Nga khi đang bay - mở đường cho việc triển khai 100 chiếc đến các đơn vị phòng không ở tiền tuyến.
Theo United24media, khi các lực lượng Liên bang Nga tăng cường các đợt tấn công kết hợp nhắm vào các thành phố và thị trấn của Ukraine bằng các biến thể Shahed-136 được nâng cấp, Kiev đã coi việc chống UAV là ưu tiên hàng đầu.
Nhóm kỹ sư ODIN đã phát triển Win_Hit - một UAV đánh chặn góc nhìn thứ nhất (FPV) chuyên dụng, có khả năng bay hành trình với tốc độ 200 - 220 km/h và tăng tốc lên 280 - 300 km/h, thời gian hoạt động từ 7 - 10 phút, được tối ưu hóa cho độ cao từ 100 - 5.000 mét.
UAV Win_Hit có thể được phóng từ bệ phóng thủ công, bệ phóng mặt đất di động, hoặc từ các nền tảng mang trên không.
“Chiếc UAV đánh chặn FPV của chúng tôi đã chứng minh trong các bài thử nghiệm thực chiến rằng một UAV nhỏ, cơ động có thể đáng tin cậy trong việc đánh chặn và vô hiệu hóa các UAV kiểu Shahed trước khi chúng tiếp cận khu vực dân cư”, một kỹ sư tham gia Dự án ODIN cho biết.
Đội Night ODIN Crew, gồm các chuyên gia của Dự án ODIN, đã ghi lại được nhiều vụ tiêu diệt thành công các UAV Shahed-136 và UAV Gerbera trên không phận miền Trung Ukraine, xác nhận tính hiệu quả của hệ thống trong điều kiện chiến đấu thực tế.
Hiện tại, các cuộc thử nghiệm trong điều kiện thực chiến đối với UAV đánh chặn Win_Hit đang được tiến hành phối hợp cùng với các đơn vị phòng không, không quân và lục quân, nhằm hoàn thiện thuật toán dẫn đường, khả năng chống tác chiến điện tử và tích hợp hệ thống phóng.
Một đoạn video đăng tải trên kênh Telegram của Yokai UAV Operators Group cho thấy UAV đánh chặn Win_Hit lao vào một UAV cảm tử ZALA khi đang bay giữa không trung (xem video dưới đây).
Theo United24media, lô sản xuất đầu tiên gồm 100 chiếc Win_Hit đã hoàn tất, được tài trợ từ nguồn lực nội bộ của Dự án ODIN và các khoản quyên góp từ những nhà tài trợ trong lĩnh vực nông nghiệp và sẽ sớm bàn giao cho các đơn vị phòng không.
Dự án ODIN cũng đang mời gọi các đối tác doanh nghiệp và phi lợi nhuận tham gia chương trình tài trợ cho các lô sản xuất tiếp theo, cam kết minh bạch trong việc phân bổ nguồn vốn và giao hàng trực tiếp đến các đơn vị tiền tuyến.
Trước đó, các chuyên gia quân sự Ukraine đã cảnh báo rằng việc chỉ dựa vào UAV đánh chặn để đối phó với các UAV kiểu Shahed có thể không đủ, đồng thời khuyến nghị nên triển khai một chiến lược phòng không nhiều tầng lớp, tích hợp các công nghệ dẫn đường và phát hiện tiên tiến hơn.
Trong một diễn biến liên quan tới việc đối phó với UAV của Liên bang Nga, kênh United24media dẫn thông tin do Defence Blog đăng tải ngày 16/7 cho biết khi Liên bang Nga tăng cường các đợt tấn công bằng UAV cảm tử tầm xa Shahed vào Ukraine, các lực lượng của nước này đã triển khai một biện pháp đối phó bất ngờ nhưng hiệu quả: săn UAV của Liên bang Nga bằng trực thăng ngay cả khi chiến trường chìm trong bóng tối đen như mực.
Theo quan chức Ukraine, các trực thăng này có từ thời Liên Xô, sau khi được cải tiến và trang bị hệ thống cảm biến đa chức năng tiên tiến đã trở thành một trong những giải pháp hiệu quả nhất để chống lại mối đe dọa không kích dai dẳng từ UAV của Liên bang Nga, đặc biệt là vào ban đêm hoặc trong điều kiện thời tiết xấu, khi các hệ thống phòng không thông thường gặp khó khăn hoặc không sẵn sàng.

Trực thăng Airbus H225 bay qua bầu trời thành phố trong buổi tổng duyệt cho lễ duyệt binh trên không kỷ niệm 30 năm ngày độc lập của Ukraine, diễn ra vào ngày 18/8/2021 tại Kiev, Ukraine. Ảnh: Getty Images
Với kho tên lửa phòng không đang chịu áp lực và đối mặt với việc có hàng trăm UAV đe dọa một khu vực không phận rộng lớn, các chỉ huy Ukraine đã chuyển sang một giải pháp trên không kiểu “lai ghép”: kết hợp phần cứng Liên Xô cũ với quang học tiên tiến của phương Tây.
Trong khi các trực thăng thời Liên Xô như Mi-8 và Mi-24 được sử dụng hiệu quả trong điều kiện ban ngày và thời tiết tốt, khả năng hoạt động của chúng bị hạn chế nghiêm trọng khi trời tối hoặc tầm nhìn kém.
Để khắc phục lỗ hổng này, Ukraine đã tái sử dụng các trực thăng Airbus H125 và H225, vốn ban đầu được mua cho Lực lượng Biên phòng và Cơ quan Cứu hộ Khẩn cấp, để biến chúng thành nền tảng giám sát trên không.
Những trực thăng này nay được trang bị hệ thống quang-điện tử Teledyne FLIR UltraFORCE 350, có khả năng phát hiện UAV trong bóng tối hoàn toàn.

Một chiếc trực thăng quân sự Mi-8 bay ở độ cao thấp trong một chuyến bay huấn luyện tại một địa điểm không được tiết lộ ở tỉnh Lviv vào ngày 7/11/2024. Ảnh: Getty Images
Chiến thuật cụ thể như sau: Radar mặt đất chịu trách nhiệm truyền tọa độ mục tiêu, sau đó bộ đôi trực thăng sẽ đảm nhận nhiệm vụ theo dõi và đánh chặn, bao gồm: một trực thăng hạng nhẹ Airbus H125 đóng vai trò trinh sát, phát hiện và theo dõi các UAV đang bay tới bằng hệ thống quang học FLIR. Sau đó, chiếc H125 này sẽ dẫn đường cho trực thăng Mi-8 hoặc Mi-24 tiếp cận mục tiêu. Với vũ khí như súng máy, các trực thăng này tiến hành đánh chặn, bắn hạ các UAV khi đang bay và đảm bảo mảnh vỡ rơi xuống khu vực trống.
Theo United24media, chiến thuật này đặc biệt hữu ích tại các vùng nông thôn, nơi cần tránh thương vong dân sự do mảnh vỡ của UAV rơi xuống.