Tương lai quan hệ Israel-Syria sau đòn không kích của Tel Aviv?

Cuộc không kích của Israel vào thủ đô Damascus là bước lùi cho triển vọng bình thường hóa quan hệ Israel-Syria.

Từ đầu tuần này, Israel đã phát động nhiều cuộc không kích vào Syria mỗi ngày với lý do bảo vệ người Druze trong bối cảnh xảy ra đụng độ giáo phái giữa người Druze với người Hồi giáo tại TP Sweida (Syria).

Đáng chú ý, trong ngày 16-7, Israel tuyên bố đã thực hiện “hàng chục” cuộc không kích trên khắp Syria, bao gồm cả ở thủ đô Damascus, nhắm vào các cơ sở trọng yếu như bộ quốc phòng và dinh tổng thống Syria.

Các cuộc tấn công của Israel diễn ra trong bối cảnh chính quyền non trẻ ở Syria đang chật vật đối phó bất ổn trong nước.

 Các cuộc không kích của Israel nhằm vào trụ sở Bộ Quốc phòng Syria tại thủ đô Damascus (Syria) ngày 16-7. Ảnh: THE WASHINGTON POST

Các cuộc không kích của Israel nhằm vào trụ sở Bộ Quốc phòng Syria tại thủ đô Damascus (Syria) ngày 16-7. Ảnh: THE WASHINGTON POST

Sẽ tiếp diễn các đòn tấn công?

Sau các cuộc không kích ngày 16-7, Bộ trưởng Quốc phòng Israel - ông Israel Katz cho biết Lực lượng Phòng vệ Israel sẽ “tiếp tục hoạt động mạnh mẽ ở Sweida để tiêu diệt các lực lượng tấn công vào người Druze cho đến khi lực lượng này rút lui hoàn toàn”.

“Những đòn đau đớn đã bắt đầu” - ông Katz viết trên mạng xã hội X, chia sẻ một đoạn video từ truyền hình Syria ghi lại cảnh một người dẫn chương trình đang cúi xuống tìm chỗ ẩn nấp khi Bộ Quốc phòng Syria bị tấn công.

Theo tờ The Washington Post, Israel đã nhiều lần tấn công Bộ Quốc phòng Syria trong ngày 16-7 và một lần tấn công vào dinh tổng thống. Tổ chức giám sát có trụ sở tại Anh dẫn nguồn tin bên trong Syria rằng có 15 nhân viên bộ quốc phòng và bộ nội vụ thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel.

Các cuộc tấn công của Israel diễn ra đồng thời với nỗ lực của quân đội Syria nhằm can thiệp vào làn sóng đụng độ sắc tộc kéo dài nhiều ngày ở miền nam Syria. Theo Mạng lưới Nhân quyền Syria, đã 169 người đã thiệt mạng và hơn 200 người bị thương trong các cuộc đụng độ kể từ ngày 13-7.

Về phía Syria, sau khi lên án các cuộc tấn công của Israel, ngày 17-7, Tổng thống lâm thời Syria - ông Ahmed al-Sharaa tuyên bố việc bảo vệ công dân Druze và quyền lợi của họ là “ưu tiên hàng đầu” của chính quyền.

 Tổng thống lâm thời Syria - ông Ahmed al-Sharaa phát biểu ngày 17-7. Ảnh: TELEGRAM

Tổng thống lâm thời Syria - ông Ahmed al-Sharaa phát biểu ngày 17-7. Ảnh: TELEGRAM

Trong tuyên bố truyền hình đầu tiên sau đợt không kích dữ dội của Israel, ông al-Sharaa gửi thông điệp đến người dân Druze: “Chúng tôi khẳng định rằng việc bảo vệ quyền lợi và tự do của các bạn là một trong những ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi bác bỏ mọi nỗ lực lôi kéo các bạn vào tay những thế lực bên ngoài”.

Ông al-Sharaa nói rằng Israel đang tìm cách phá vỡ sự đoàn kết của Syria và biến đất nước thành một chiến trường hỗn loạn.

Ông al-Sharaa nhấn mạnh rằng người Syria không sợ chiến tranh trở lại, nhưng muốn lựa chọn con đường vì lợi ích dân tộc hơn là con đường hủy diệt. “Chúng tôi đã giao phó cho các lực lượng địa phương và các thủ lĩnh tinh thần Druze trách nhiệm duy trì an ninh ở (Sweida), nhận thức rõ tính nghiêm trọng của tình hình và nhu cầu tránh để đất nước bị kéo vào một cuộc chiến mới” - theo tổng thống lâm thời Syria.

Các quan chức chính phủ Syria và một số lãnh đạo của cộng đồng tôn giáo thiểu số Druze đã tuyên bố một thỏa thuận ngừng bắn trong ngày 16-7. Các đoàn xe của lực lượng chính phủ đã bắt đầu rút khỏi TP Sweida, nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu thỏa thuận ngừng bắn có kéo dài hay không khi thỏa thuận trước đó đã đổ vỡ nhanh chóng.

Trong bối cảnh đụng độ giáo phái ở Syria, một số người Druze Syria đã vượt biên qua Israel, cùng thời điểm đó, một số người Druze Israel cũng vượt biên qua Syria để ủng hộ cộng đồng người Druze ở Syria. Lực lượng Phòng vệ Israel ngày 17-7 cho biết đã giải cứu được hàng chục người Druze Israel vượt biên vào Syria, đồng thời đưa một số người Druze Syria trở về nước.

Tương lai quan hệ Israel-Syria

Theo giới quan sát, việc Israel can dự quân sự vào Syria xuất phát từ cả những cân nhắc chiến lược ngắn hạn lẫn dài hạn.

Theo chuyên gia Shalom Lipner của viện nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), ở cấp độ vi mô, chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang thể hiện sự sát cánh mạnh mẽ cùng cộng đồng Druze - một nhóm thiểu số tại Israel vốn từ lâu đã là đồng minh đáng tin cậy với Nhà nước Do Thái. Việc huy động Lực lượng Phòng vệ Israel giúp Israel khẳng định vị thế đạo lý và thể hiện tinh thần đoàn kết với cộng đồng Druze trong nước.

Ở cấp độ vĩ mô, ông Lipner cho rằng Israel đang hành động để kiềm chế nguy cơ tình hình an ninh tại Syria xấu đi.

“Israel cũng sẽ cảnh giác với những nỗ lực từ các tác nhân khu vực khác, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, muốn chen chân vào cuộc xung đột này. Bất chấp các báo cáo về một thỏa thuận ngừng bắn, tình hình thực tế trên thực địa hứa hẹn sẽ còn căng thẳng trong tương lai gần” - ông Lipner dự báo.

Trong khi đó, ông Ammar Kahf, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Omran (Syria), cho rằng Israel đang tìm cách áp đặt ý chí lên chính quyền mới ở Syria. “Israel sẽ không để chính phủ Syria mở rộng quyền lực trên toàn lãnh thổ” - ông Kahf nói với kênh Al Jazeera.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng khả năng Syria sớm tham gia Hiệp định Abraham để bình thường hóa quan hệ với Israel là không thực tế.

“Các cuộc không kích của Israel vào trụ sở Bộ Quốc phòng Syria ở Damascus là một bước thụt lùi đối với các cuộc đàm phán hậu trường nhằm giảm căng thẳng giữa Syria và Israel” - bà Allison Minor, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương và từng là Phó Đặc phái viên Mỹ về Yemen, nhận định.

Theo bà Minor tình hình hiện tại đặt ra yêu cầu về một thỏa thuận không gây hấn giữa Tel Aviv và Damascus nhằm giải quyết một số mối quan tâm an ninh cụ thể của Israel và giới hạn các hoạt động quân sự của Israel bên trong lãnh thổ Syria.

Chuyên gia này chỉ ra rằng chính phủ Syria đã nhanh chóng công bố thỏa thuận ngừng bắn mới với lực lượng Druze sau các cuộc không kích của Israel, cho thấy họ muốn tránh leo thang căng thẳng với Tel Aviv.

“Tuy nhiên, để hiện thực hóa một thỏa thuận không gây hấn, Israel sẽ cần thay đổi đáng kể cách tiếp cận đối với Syria, chuyển từ đối đầu sang hỗ trợ” - bà Minor nói thêm.

Người Druze và nguồn gốc đụng độ giáo phái ở Syria

Theo Hội đồng Đại Tây Dương, người Druze là một nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc tập trung chủ yếu ở miền nam Syria, đặc biệt là tại khu vực Sweida. Trong lịch sử, nhóm người này luôn duy trì bản sắc cộng đồng mạnh mẽ và một mức độ tự trị nhất định. Mối quan hệ giữa người Druze và chính quyền Syria từ lâu đã căng thẳng, khi cộng đồng này thường chống lại quyền lực tập trung.

Căng thẳng giữa các lực lượng dân quân Druze và các bộ tộc Bedouin theo Hồi giáo Sunni đã có từ trước khi nhà nước Syria hiện đại ra đời, và thường bùng phát trở lại mỗi khi Syria rơi vào giai đoạn chia rẽ.

Trong các cuộc đụng độ ở Syria, người Druze đi theo một con đường riêng: thay vì đứng về phía chính quyền hay phe đối lập, họ chọn cách bảo vệ cộng đồng địa phương và phần lớn giữ thái độ trung lập. Chính phủ Syria, trước đây là dưới thời ông Bashar al-Assad và nay là dưới thời Tổng thống Ahmed al-Sharaa, tỏ ra khó chịu với sự tự chủ này, khi chính phủ muốn tái khẳng định quyền kiểm soát của nhà nước đối với khu vực miền nam.

Sau khi chính quyền ông al-Assad sụp đổ, ông Sheikh Hikmat al-Hijri - một trong những thủ lĩnh tinh thần có ảnh hưởng nhất của người Druze tại Syria - đã kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ dân tộc Druze. Đây được xem là một bước ngoặt lớn, thể hiện sự xa rời ngày càng rõ rệt với chính quyền Damascus.

Tuy nhiên, ông al-Hijri không phải là tiếng nói duy nhất của người Druze. Một số lãnh đạo khác trong cộng đồng đã đưa ra quan điểm trái ngược, cảnh báo việc tìm kiếm sự bảo hộ từ bên ngoài, đặc biệt là từ phía Israel, có thể khiến người Druze càng bị cô lập và làm tổn hại đến bất kỳ sự đồng thuận dân tộc nào trong tương lai.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/tuong-lai-quan-he-israel-syria-sau-don-khong-kich-cua-tel-aviv-post860857.html