Xung đột Nga-Ukraine: Moscow có động thái mới ở Donbass; Belarus tố phương Tây làm đổ vỡ hòa đàm

Các chuyên gia đến từ Bộ Quốc phòng Nga đang xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước để kết nối khu vực Rostov giáp giới Ukraine với khu vực Donbass bên trong lãnh thổ quốc gia Đông Âu này.

Trụ sở Bộ Quốc phòng Nga ở Mocsow. (Nguồn: Wikipedia)

Trụ sở Bộ Quốc phòng Nga ở Mocsow. (Nguồn: Wikipedia)

Năm 2022, Moscow đã tuyên bố chủ quyền đối với các vùng Donetsk và Luhansk ly khai Ukraine, tạo ra khu vực Donbass rộng lớn hơn ở Ukraine.

Hãng thông tấn TASS dẫn lời đại diện Bộ Quốc phòng Nga xác nhận: "Hơn 2.600 chuyên gia của Bộ và hơn 1.000 đơn vị trang thiết bị tham gia dự án này".

Theo Bộ trên, dự án gồm hai đường ống dài 200 km, sẽ hoàn thành trong vài tháng tới và có thể vận chuyển 300.000 m3 nước/ngày.

Đường ống sẽ chạy qua vùng lãnh thổ khu vực Rostov của Nga và vào khu vực Donetsk đến kênh đào Donets-Donbass Severskiy, kéo dài từ sông Donets gần làng Raihorodok đến thành phố Donetsk.

Tình hình nước ở Donbass, nơi có ít tài nguyên, đã trở nên nghiêm trọng. Khu vực này phụ thuộc vào các đường ống lớn đã bị hư hỏng sau gần một năm xảy ra chiến sự và thường xuyên không có điện.

Cùng ngày, phản ứng với các biện pháp trừng phạt mà Kiev đã tung ra nhằm vào Moscow, ông Renat Karchaa - cố vấn Tổng giám đốc của nhà điều hành năng lượng hạt nhân Nga Rosenergoatom - cho rằng, hoạt động của tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom sẽ không bị ảnh hưởng.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ban hành quyết định của Hội đồng Quốc phòng và an ninh quốc gia nước này áp đặt trừng phạt đối với 200 cá nhân, bao gồm cả ông Karchaa và Giám đốc nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia Yury Chernichukc, cùng các nhân viên khác của Rosatom.

Theo ông Karchaa, các biện pháp trừng phạt "chỉ có ý nghĩa nếu chúng ảnh hưởng đến một số quy trình", tuy nhiên, khu vực Zaporizhzhia và thành phố Energodar đã "là một phần của Nga", trong khi Moscow đã có quyền sở hữu đối với Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia cũng như đảm bảo an ninh hạt nhân tại cơ sở.

Vị cố vấn này cho rằng, các biện pháp trừng phạt "không thể ảnh hưởng đến cả ba khía cạnh trên".

Trong diễn biến khác liên quan xung đột Nga-Ukraine, ngày 12/2, Thư ký báo chí Bộ Ngoại giao Belarus Anatoly Glaz cáo buộc phương Tây đã ngăn cản việc hai nước trên ký kết thỏa thuận hòa bình vào mùa Xuân năm 2022.

Theo quan chức ngoại giao, vào thời điểm đó, Moscow và Kiev thực sự chỉ còn một bước nữa là đạt được thỏa thuận, nhưng sau đó, phía bên kia nhận được "những chỉ thị khác" từ phương Tây và quá trình đàm phán bị dừng lại.

Ông Glaz nhận định, hiện nay không thấy có điều kiện nào giúp nối lại đối thoại, mặc dù "ngoại giao cần phát huy tác dụng".

Phương Tây và Ukraine hiện chưa phản hồi về thông tin của Thư ký báo chí Bộ Ngoại giao Belarus.

(theo Reuters, TASS, Sputnik)

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-nga-ukraine-moscow-co-dong-thai-moi-o-donbass-belarus-to-phuong-tay-lam-do-vo-hoa-dam-216444.html