Xung đột Nga-Ukraine: Moscow tuyên bố về chiến dịch quân sự, Tổng thống Đức nói trật tự an ninh châu Âu 'không còn tồn tại'
Ngày 10/5, người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định, chiến dịch quân sự đặc biệt mà nước này phát động ở Ukraine sẽ còn tiếp tục cho đến khi 'đẩy lùi kẻ địch ra một khoảng cách đủ xa'.
Trong buổi phỏng vấn với kênh ATV của Bosnia và Herzegovina vào ngày 10/5, ông Peskov lưu ý: "Ngay từ đầu ngày đầu chiến dịch 24/2/2022, Tổng thống Nga (Vladimir Putin đã nói rằng, trước hết cần đảm bảo an toàn cho người dân Donbass".
Theo quan chức Điện Kremlin, đó là những người "trong suốt 8 năm dài sống dưới làn đạn pháo của chính quốc gia của họ, dưới những cuộc pháo kích mà phương Tây quyết không để ý tới".
Nhận định Nga đã hoàn thành được một phần nhiệm vụ này nhưng một phần nữa còn xa mới đến mức hoàn thành, ông Peskov nhấn mạnh: "Vì vậy, chúng tôi phải đẩy lùi kẻ địch ra một khoảng cách đủ xa. Chính vì lẽ đó nên chiến dịch sẽ còn tiếp tục".
Đề cập vũ khí thì phương Tây, người phát ngôn Điện Kremlin cho rằng: "Họ có vũ khí tốt, có cả những loại tồi, có loại không đáp ứng được các điều kiện ở đó, có loại rất nguy hiểm, có loại công nghệ cao. Vì vậy chúng tôi đang nghiên cứu tất cả những điểm này trong chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Theo ông, rất khó để so sánh tiềm lực quân sự của Nga và Ukraine và cũng "thật khó hình dung được rằng các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lúc đầu là gián tiếp, sau đó can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột này. NATO hiện nay là một bên thực sự tham gia cuộc xung đột ở phía Ukraine".
Liên quan vụ tấn công Điện Kremlin bằng máy bay không người lái (UAV) hôm 3/5, ông Dmitry Peskov cáo buộc đây là một "âm mưu khủng bố nhằm vào nguyên thủ quốc gia Nga", đồng thời nói rằng, điều này đáng báo động và không thể chấp nhận được.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, phát biểu trên đài phát thanh RBB radio, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nói rằng, các sự kiện gần đây ở Ukraine dẫn tới "trật tự an ninh châu Âu không còn tồn tại nữa" và triết lý về an ninh chung sẽ không còn là một khái niệm phổ biến về lâu dài.
Theo ông, ngay cả khi chấm dứt xung đột ở Ukraine cũng không có nghĩa là châu Âu sẽ quay trở lại triết lý an ninh cũ, "một tình hình mới sẽ nổi lên mà ở đó một bên là châu Âu, một bên là Nga, sẽ chủ yếu đề phòng lẫn nhau".