Xung đột Nga-Ukraine: Thế giới đang và cần làm gì trong cơn địa chấn

Xung đột ở Ukraine được ví như cơn địa chấn chính trị, mà lực tác động, sóng xung kích, sốc nhiệt lan tỏa hầu như đến mọi khu vực trên Trái đất và chưa có dấu hiệu suy giảm.

"Sốc nhiệt" từ cơn địa chấn chính trị mang tên xung đột Nga-Ukraine lan tỏa hầu như đến mọi khu vực trên Trái đất. (Nguồn: WSJ)

"Sốc nhiệt" từ cơn địa chấn chính trị mang tên xung đột Nga-Ukraine lan tỏa hầu như đến mọi khu vực trên Trái đất. (Nguồn: WSJ)

Phản ứng theo nhiều cách

Trong cơn chấn động từ cuộc khủng hoảng Ukraine, các quốc gia đã phản ứng, hành động theo nhiều cách khác nhau.

NATO và phương Tây thực hành “đòn phản cứng”, viện trợ vũ khí phương tiện quân sự hiện đại và tài chính cho Ukraine, trị giá hơn 150 tỷ USD và sẽ còn tiếp tục. Đó là nhân tố rất quan trọng để Ukraine đứng vững trong năm qua và hy vọng chuyển sang phản công, lật ngược thế cờ.

Sâu xa hơn, NATO và phương Tây đẩy Nga vào thế suy yếu, có thể sa lầy. Về danh nghĩa, NATO và phương Tây chưa đối đầu quân sự trực tiếp với Nga, nhưng họ đã chính thức ràng buộc với Ukraine. Chuyên gia quốc tế thừa nhận viện trợ vũ khí “đổ thêm dầu vào lửa”, kéo dài xung đột nhưng sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản. NATO và phương Tây vượt “lằn ranh đỏ”, đẩy Nga vào chân tường, thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra.

“Đòn đánh mềm liên hoàn” là 9 gói với hơn 11 ngàn lệnh trừng phạt và chuẩn bị đợt thứ mười. Nó gây cho Nga vô vàn khó khăn về kinh tế, thương mại, tài chính, công nghệ, ngoại giao, chính trị… Nhưng chưa đủ buộc Nga suy sụp, phải lùi bước. Trừng phạt là con dao hai lưỡi. Nhiều quốc gia không theo bên nào và người dân của chính các nước tham gia trừng phạt rơi vào tình trạng “cháy thành vạ lây”.

Hành động có tính xây dựng là làm trung gian hòa giải, đàm phán. Hungary, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Belarus, Kazakhstan, Indonesia, các nước Arab và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Gutteres… đi theo hướng này. Song chưa có kết quả cụ thể nào. Nỗ lực bị nhấn chìm bởi tiếng gầm của đại bác, tên lửa và xích xe tăng đang dồn về Ukraine.

Ngày 24/2, Trung Quốc công bố lập trường 12 điểm về giải pháp chính trị cho xung đột. Các nguyên tắc đề xuất bao quát nhiều mặt, nhưng một số điểm có thể diễn giải khác nhau, thậm chí là đối lập (như chấm dứt hành động thù địch, từ bỏ tâm lý Chiến tranh lạnh, ngừng cấm vận…). Theo Trung Quốc, an ninh của một nước không thể đánh đổi bằng an ninh của quốc gia khác; an ninh khu vực không thể được đảm bảo bằng cách củng cố hoặc mở rộng các liên minh quân sự

Nga đánh giá cao nỗ lực của Trung Quốc. Ukraine phản ứng thận trọng, vừa nhất trí vừa không nhất trí với một số điểm. Phương Tây phản ứng dè dặt. Từ nguyên tắc, ý tưởng đến hành động thực tế là một chặng đường khá dài.

Một số tổ chức quốc tế, khu vực nỗ lực gây áp lực chính trị, ngoại giao với Nga. Ngày 23/2, Đại hội đồng Liên hợp quốc ra nghị quyết (lần thứ sáu) yêu cầu Nga rút quân ngay lập tức, hoàn toàn, vô điều kiện khỏi lãnh thổ Ukraine. Điểm đồng thuận chung yêu cầu là chấm dứt xung đột.

Điểm có ý kiến khác là nghị quyết chưa đề cập việc ngừng bắn, đàm phán; không tính tới quan ngại của Moscow về mối đe dọa an ninh từ lãnh thổ Ukraine và từ việc NATO mở rộng, áp sát biên giới Nga. Đa số ủng hộ tạo ra áp lực lớn, nhưng chưa đủ buộc Nga đơn phương chấp nhận. Mỹ cũng đã nhiều lần khước từ nghị quyết về Liên hợp quốc về dỡ bỏ cấm vận Cuba.

Nút thắt khó tháo gỡ

Thế giới đã nỗ lực bằng nhiều cách, nhưng chưa mang lại kết quả cụ thể, chưa mở ra hướng tháo gỡ rõ ràng nào. Tình trạng trên do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, xung đột Nga-Ukraine rất phức tạp, nằm trong tổng thể chiến lược giành vị thế địa chính trị giữa các thế lực lớn; ẩn chứa những mâu thuẫn cơ bản, các vấn đề phức tạp về mối quan hệ giữa bảo vệ an ninh quốc gia với an ninh của các quốc gia khác; quan điểm giải quyết đe dọa an ninh bằng vũ lực; chủ trương đi với quốc gia này chống lại quốc gia khác; duy trì, phát triển liên minh quân sự để răn đe, áp đặt vai trò chi phối, lãnh đạo thế giới…

Tính chất, tầm mức xung đột đòi hỏi tư duy mới, cách tiếp cận “cả gói”, cân bằng, linh hoạt hơn trong tháo gỡ vướng mắc, giải quyết mâu thuẫn.

Thứ hai, phản ứng của nhiều quốc gia còn mang tính áp đặt, chưa tính đến lợi ích của các bên, góp phần làm xung đột bế tắc, kéo dài, thậm chí phản ứng cực đoan. Động thái đó do chính sách, chiến lược, tính toán lợi ích quốc gia và các mối quan hệ phức tạp chi phối; do nhận thức khác nhau về bản chất xung đột, tư duy “tiêu chuẩn kép”. Cuộc chiến truyền thông với những thông tin không đầy đủ, thiếu khách quan, thông tin giả dẫn đến quyết sách sai.

Thứ ba, cách tiếp cận, tháo gỡ bế tắc hiện nay thiên về từng mặt, chưa có giải pháp tổng hợp. Với tính chất, tầm mức của xung đột, cần lộ trình nhiều bước, bắt đầu từ ngừng bắn, giữ nguyên hiện trạng, dừng các can dự kích động xung đột, “đóng băng” chiến sự. Tạo cơ sở cho các bên gặp gỡ, đưa ra bước đi trung gian, tiến tới giải pháp toàn diện, lâu dài, các bên chấp nhận được.

Bước đầu tiên rất khó nhưng không khởi hành thì không bao giờ đến đích. Quá trình cần sự giám sát khách quan của quốc tế. Liên hợp quốc là tổ chức có thể đáp ứng được đòi hỏi.

Thứ tư, lãnh đạo các quốc gia liên quan đến xung đột, cả trực tiếp và gián tiếp có thể đã tính toán chưa phù hợp, thậm chí là sai lầm, với mức độ khác nhau. Muốn thoát khỏi bế tắc, cần lường hết hậu họa, lựa chọn giải pháp ít tổn thất hơn so với kéo dài cuộc chiến. Nhưng “vượt qua chính mình” là điều không đơn giản.

Với các yếu tố hiện nay, xung đột nhiều khả năng sẽ kéo dài, bế tắc. Xung đột có thể kết thúc khi một bên giành thắng lợi quân sự áp đảo (mà khả năng này rất ít); “hòn than nóng” thù hận vẫn âm ỉ trong tro, sẽ bùng phát khi có thời cơ.

Hoặc các bên thấu hiểu tình thế, chấp nhận tìm kiếm giải pháp phi quân sự. Với mong muốn chấm dứt xung đột, cộng đồng quốc tế cần và có thể tạo môi trường thuận lợi cho giải pháp như vậy. Dẫu mong manh, nhưng vẫn là hy vọng.

Vũ Đăng Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-nga-ukraine-the-gioi-dang-va-can-lam-gi-trong-con-dia-chan-218082.html