Xung đột Nga-Ukraine: Xe tăng từ viện bảo tàng vẫn hữu ích
Một đoàn tàu chở đầy xe tăng đi trong ánh nắng mùa xuân. 'Ồ, đây là đoàn tàu thứ hai, giống như đoàn tàu trước', một phụ nữ nói và hướng camera về phía đoàn xe.
Đoạn phim có vẻ được quay từ cuối tháng 3, cho thấy những chiếc xe tăng thời Liên Xô đang được di chuyển ở Nga. Đó là những chiếc T-55, mẫu được Hồng quân Liên Xô đưa vào biên chế lần đầu tiên năm 1948, không lâu sau khi Thế chiến 2 kết thúc. Những chiếc xe tăng đó đã quá cũ, nên thường được để trong viện bảo tàng. “Đó là xe tăng chiến đấu chủ lực đầu tiên được Liên Xô sử dụng trong Chiến tranh Lạnh”, nhà sử học John Delaney, công tác tại Viện Bảo tàng chiến tranh ở Cambridge (Anh), cho biết.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga gần đây đưa vài chục chiếc xe tăng ra khỏi nhà kho ở Arsenyev thuộc vùng Viễn Đông. Những bức ảnh công khai cho thấy một trong những chiếc xe tăng ở nhà kho đó là T-55. Sau khi đoạn phim về đoàn tàu chở xe tăng xuất hiện trên mạng xã hội cuối tháng 3, Nhóm Tình báo xung đột (tình nguyện viên chuyên dùng thông tin nguồn mở để điều tra cuộc xung đột ở Ukraine và Syria) là nhóm đầu tiên báo cáo rằng những chiếc xe tăng T-54/55 đã được đưa ra khỏi nhà kho Arsenyev.
Tháng 4 vừa qua, các quan chức phương Tây nói họ đã thấy những chiếc xe tăng cũ xuất hiện trên chiến trường. Nga chưa xác nhận việc đưa T-55 ra chiến trường. Những tuần gần đây, một số blogger ủng hộ Chính phủ Nga chia sẻ ảnh cho thấy những chiếc xe tăng đó hiện diện ở nơi thuộc Ukraine mà Nga đang kiểm soát.
Ông Robert Lee, một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ và hiện là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại ở Mỹ, nói rằng, một số xe tăng như vậy có thể được sử dụng ở phía sau, để bắn từ khoảng cách xa. Nếu mục đích của Nga là như vậy, ông Delaney cho rằng T-55 có thể vẫn hữu ích, hiệu quả đối với các vị trí phòng thủ. Hơn nữa, đối với những binh lính chưa được huấn luyện kỹ càng trước khi ra trận, những chiếc T-55 có một lợi thế so với xe tăng hiện đại: Dễ sử dụng.
Cả 6 lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hiện nay đều không hoạt động trong thời gian chiến tranh. Tuy nhiên, cơ sở này vẫn cần nguồn điện ổn định để chạy hệ thống làm mát nhằm ngăn chặn thảm họa hạt nhân.
Ukraine cũng có một phiên bản của T-55 trong kho. Đó là 28 chiếc M-55 do Slovenia cung cấp. Khi Ukraine tăng tốc chuẩn bị cho chiến dịch phản công, Nga cũng vào cuộc. Hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga đã củng cố các tuyến phòng thủ rộng khắp ở những nơi họ đang kiểm soát.
Nỗi lo về số phận nhà máy điện hạt nhân Ukraine
Nỗi lo về sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ngày càng lớn, sau khi vị thống đốc do Nga bổ nhiệm ở vùng đất của Ukraine chỉ đạo sơ tán dân thường, kể cả ở thành phố nơi hầu hết nhân viên nhà máy sinh sống.
Mấy tháng qua, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cố gắng thuyết phục giới chức Nga và Ukraine lập một vùng an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia để ngăn chặn nguy cơ cuộc xung đột gây ra thảm họa phóng xạ. Lệnh sơ tán do thống đốc tỉnh Zaporizhzhia, ông Yegeny Balitsky, ban bố làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gia tăng chiến sự ở khu vực này. Ngày 5/5, ông Balitsky yêu cầu dân thường sơ tán khỏi 18 khu dân cư mà Nga đang kiểm soát, bao gồm Enerhodar, nơi hầu hết nhân viên nhà máy sinh sống.
Hơn 1.500 người đã nhận yêu cầu sơ tán khỏi 2 thành phố của khu vực này tính đến ngày 7/5, ông Balitsky cho biết. Bộ Tổng tham mưu Ukraine xác nhận việc sơ tán đang diễn ra. Lực lượng Nga kiểm soát nhà máy này không lâu sau khi mở chiến dịch quân sự đầu năm ngoái, nhưng đội ngũ nhân viên người Ukraine vẫn tiếp tục vận hành.
Ukraine nhiều lần nổ súng về phía Nga, và Nga cũng nhiều lần nã pháo vào các khu vực bên kia sông Dnieper. Chiến sự gia tăng khi Ukraine triển khai chiến dịch phản công mà họ đã nói đến từ lâu để giành lại những vùng đất mà Nga đang kiểm soát. Ngày 7/5, giới chức Ukraine nói rằng lực lượng Nga bắn hơn 30 đạn pháo vào thành phố Nikopol, cách nhà máy khoảng 10km phía bên kia sông.
Ông Grossi cho rằng việc sơ tán dân thường có thể là dấu hiệu leo thang chiến sự. “Tình hình chung ở khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ngày càng trở nên khó đoán và có khả năng gây nguy hiểm”, ông Grossi cảnh báo cuối tuần qua. “Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để ngăn chặn mối đe dọa sự cố hạt nhân, để lại hậu quả nghiêm trọng đối với dân cư và môi trường”, ông nói hôm 6/5.