Xung đột ở Ukraine khiến Trung Quốc lo ngại 'lạm phát nhập khẩu'

Theo các nhà phân tích, giá nhiên liệu, kim loại và các nguyên liệu thô biến động mạnh sau khi Nga mở chiến dịch quân tại Ukraine có thể bắt đầu ảnh hưởng tới nền kinh tế Trung Quốc. Mối lo lạm phát nhiều hơn là lo ngại về chi phí sản xuất và gián đoạn chuỗi cung.

Người dân mua thực phẩm trong siêu thị tại Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân mua thực phẩm trong siêu thị tại Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ SCMP, ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu và năng lượng Nga và động thái này có thể gây thêm bất ổn cho thị trường năng lượng toàn cầu.

Theo ông Lu Zhengwei, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Công nghiệp, giá dầu thô Brent toàn cầu đã giảm sau khi chạm mức trên 139 USD/thùng, nhưng vẫn làm tăng nguy cơ “lạm phát nhập khẩu” đối với Trung Quốc. Lạm phát nhập khẩu là lạm phát từ nước ngoài đưa vào.

Ông Lu Zhengwei cho biết: “Trung Quốc là nhà nhập khẩu hàng hóa lớn của thế giới và giá hàng hóa tăng có thể đẩy các chỉ số nhập khẩu hàng năm của nước này lên”. Ông ước tính rằng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc chiếm khoảng 10% tổng nhập khẩu của nước này tính theo giá trị.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc tháng 2 đã tăng 0,5% so với tháng trước, đánh dấu mức tăng hàng tháng nhanh nhất kể từ mức tăng 2,5% vào tháng 10/2021.

Tập đoàn Vốn Quốc tế Trung Quốc cho rằng xung đột leo thang giữa Ukraine và Nga cùng với các lệnh trừng phạt mà Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt lên Nga sẽ làm tăng đáng kể giá hàng hóa và phá vỡ chuỗi cung ứng. Tập đoàn này nhận định: “Trong nửa đầu năm nay, chúng tôi cho rằng các yếu tố trên có thể khiến PPI giảm chậm hơn so với cùng kỳ năm trước”.

Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đã chậm lại trong tháng 1 và tháng 2 khi chỉ tăng 6,3% so với một năm trước đó. Con số này giảm so với mức tăng trưởng 29,9% của tháng 12/2021.

Theo số liệu của Hiệp hội Năng lượng Quốc tế, Trung Quốc là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga, chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2021 và cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa cấm nhập khẩu.

Ông Bjørnar Tonhaugen, Giám đốc thị trường dầu tại công ty Rystad Energy cho biết: “Giá dầu tăng cao như thế nào phụ thuộc chủ yếu vào việc thị trường sẽ từ chối dầu Nga trong bao lâu và liệu những người mua khác, chẳng hạn như Trung Quốc, có tăng mua dầu từ Nga hay không”.

Giá của một trong những mặt hàng nhập khẩu quan trọng khác của Trung Quốc là niken cũng đã tăng lên mức cao kỷ lục trên cả thị trường trong nước và quốc tế.

Ngày 8/3, Sàn giao dịch Hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải cho biết sẽ thực hiện thêm biện pháp để tính tới các điều kiện thị trường sau khi giá nicken tăng lên mức cao kỷ lục 228.810 nhân dân tệ (33.254 USD)/tấn.

Sàn giao dịch này đã kêu gọi các nhà đầu tư phòng vệ rủi ro, đầu tư hợp lý và phối hợp để duy trì ổn định thị trường.

Trong khi đó, Sàn giao dịch Kim loại London đã buộc phải đình chỉ giao dịch hợp đồng niken sau khi giá tăng vọt lên 100.000 USD/tấn, mức cao kỷ lục đối với kim loại này. Nicken là nguyên liệu thô thiết yếu của các nhà sản xuất thép không gỉ và pin.

Tàu chở khí đốt hóa lỏng của Nga cập cảng ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 19/7/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tàu chở khí đốt hóa lỏng của Nga cập cảng ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 19/7/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Biến động giá niken khiến các nhà đầu tư tại Tổng công ty Luyện kim thuộc sở hữu nhà nước ở Trung Quốc lo ngại. Ngày 8/3, Tổng công ty Luyện kim đã đảm bảo với các nhà đầu tư rằng họ không bị ảnh hưởng trước thị trường kỳ hạn niken.

Nga là nhà cung cấp niken lớn thứ ba trên thế giới, chiếm gần 13% tổng công suất khai thác toàn cầu vào năm 2021.

Rystad Ene cho biết: “Lo sợ về gián đoạn nguồn cung niken sau xung đột Nga-Ukraine tiếp tục trở nên trầm trọng hơn, châm ngòi cho hoạt động mua rộng rãi trên cả hai sàn London và Thượng Hải".

Theo S&P Global Commodity Insight, ngành kim loại của Nga dự kiến sẽ dựa vào thị trường Trung Quốc. S&P Global Commodity Insight cho biết: “Niken, than luyện kim, đồng và nhôm là những lĩnh vực để hai nước mở rộng thương mại, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc có tham vọng xe điện - vốn đòi hỏi nguồn cung niken ổn định”.

Trong cuộc xung đột ở Ukraine, Bắc Kinh nhiều lần nói rằng sẽ duy trì quan hệ thương mại bình thường với cả Nga và Ukraine.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/xung-dot-o-ukraine-khien-trung-quoc-lo-ngai-lam-phat-nhap-khau-20220310091817552.htm