Xung đột ở Ukraine làm đảo lộn thị trường năng lượng toàn cầu

Các nước châu Âu đặt cược vào LNG để thay thế nguồn cung năng lượng từ Nga. Nhưng họ có thể phải tranh giành với châu Á trong một thị trường eo hẹp và chấp nhận trả giá cao.

Theo New York Times, chỉ vài tháng trước, kế hoạch xây dựng một bến cảng chuyên tiếp nhận các chuyến tàu chở LNG (khí đốt tự nhiên hóa lỏng) của Đức đã thất bại. Các nhà phát triển sợ tiêu tốn hàng tỷ USD mà không thể thu hút khách hàng.

Cùng với đó, những lo ngại về biến đổi khí hậu khiến triển vọng của LNG - một loại nhiên liệu hóa thạch - xấu đi.

Nhưng tình hình đã thay đổi. Sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, LNG trở thành lựa chọn thay thế cho dầu khí của Nga.

 Khí thiên nhiên hóa lỏng là khí tự nhiên đã được làm lạnh thành dạng lỏng để lưu trữ hoặc vận chuyển. Ảnh: Reuters.

Khí thiên nhiên hóa lỏng là khí tự nhiên đã được làm lạnh thành dạng lỏng để lưu trữ hoặc vận chuyển. Ảnh: Reuters.

Thay thế năng lượng Nga

Trước đây, châu Âu mua một lượng lớn khí đốt của Nga để cung cấp năng lượng cho các hoạt động từ sản xuất đến sinh hoạt. Phần lớn khí đốt được chuyển qua đường ống trên đất liền hoặc dưới biển.

Còn LNG được làm lạnh thành dạng lỏng rồi đưa lên các tàu chuyên dụng. Do vậy, LNG có thể được vận chuyển đến bất cứ cảng nào, miễn là cảng đó có thiết bị chuyển nó trở lại thành dạng khí và bơm vào lưới điện.

Hôm 2/4, Lithuania cho biết đã ngừng mua khí đốt tự nhiên của Nga. Lithuania không phải một khách hàng lớn. Do đó, điều này không mấy ảnh hưởng tới ngân sách của Nga.

Tuy nhiên, với tư cách một thành viên của Liên minh châu Âu (EU), động thái của Lithuania có sức ảnh hưởng lớn. Đến ngày 3/4, bà Christine Lambrech - Bộ trưởng Quốc phòng Đức - cho rằng EU nên cân nhắc lệnh cấm nhập khẩu khí đốt của Nga.

Xung đột Nga - Ukraine đang định hình lại thị trường năng lượng toàn cầu. Trong nhiều năm, châu Âu đã nhập khẩu một lượng lớn khí đốt từ Nga để dùng cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp điện. Nhưng giờ, dòng chảy đó đang đứng trước sự thay đổi lớn.

 Sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, LNG trở thành lựa chọn thay thế cho dầu khí của Nga. Ảnh: Reuters.

Sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, LNG trở thành lựa chọn thay thế cho dầu khí của Nga. Ảnh: Reuters.

Trong vòng một năm, EU muốn cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga. Moscow cung cấp 40% lượng khí đốt tiêu thụ của châu Âu vào năm ngoái.

Để giảm phụ thuộc, EU đặt cược vào LNG. Giới chức châu Âu muốn mua thêm 50 tỷ mét khối LNG trong năm tới, chiếm khoảng 50% lượng khí đốt của Nga mà khối này muốn loại bỏ.

Ngoài ra, châu Âu có thể nhập khí đốt qua các đường ống từ Na Uy và Azerbaijan. Họ cũng có thể giảm tiêu thụ khí đốt bằng cách tăng cường những dự án điện gió và năng lượng mặt trời. Cùng với đó là kêu gọi người dân giảm tiêu thụ.

Theo giới quan sát, rất khó để châu Âu thay thế lượng lớn khí đốt trong thời gian ngắn. Theo giá thị trường ở thời điểm hiện tại, lượng LNG mà châu Âu muốn bổ sung có thể trị giá khoảng 50 tỷ USD. Việc tăng mua LNG cũng có khả năng kéo dài trong nhiều năm.

Đáng nói, châu Âu có thể phải tranh giành với châu Á, vốn là những khách hàng LNG lớn. Năm ngoái, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là các quốc gia nhập khẩu nhiều LNG nhất.

Lượng LNG mà châu Âu muốn bổ sung sẽ khiến nhu cầu toàn cầu tăng thêm khoảng 10%. Do đó, giá khí đốt, vốn đã chạm mức kỷ lục trong những tháng qua, có thể tiếp tục ở ngưỡng cao.

Người tiêu dùng và ngành công nghiệp có thể hứng chịu tác động tiêu cực của việc giá khí đốt tăng cao.

Trong vòng 3 năm tới, cuộc chiến LNG có thể rất khốc liệt. Châu Âu và châu Á sẽ tranh giành để đáp ứng nhu cầu của mình

Ông Massimo Di Odoardo, Phó chủ tịch tại công ty nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie

Chẳng hạn, hôm 1/4, hóa đơn tiền điện của hàng triệu người tiêu dùng Anh đã tăng 54%. Nguyên nhân chủ yếu là giá khí đốt bán buôn tăng cao. Giá tương lai cũng không có dấu hiệu quay đầu giảm.

"Trong vòng 3 năm tới, cuộc chiến LNG có thể rất khốc liệt. Châu Âu và châu Á sẽ tranh giành để đáp ứng nhu cầu của mình", ông Massimo Di Odoardo - Phó chủ tịch tại công ty nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie - nhận định.

Trên thực tế, ngay cả trước những động thái mới nhất, lượng LNG mà châu Âu mua vào đã vượt xa khí đốt từ Nga. Các tàu chở khí đốt bị thu hút bởi mức giá cao tại châu Âu do xung đột Nga - Ukraine. Giá tăng lên gấp khoảng 7 lần một năm trước đó.

Việc giá tăng cao giúp các nước xuất khẩu LNG như Mỹ, Qatar và Australia hưởng lợi.

Thị trường eo hẹp

Hôm 25/3, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và EU nhất trí rằng Washington sẽ cố gắng đảm bảo rằng ít nhất 15 tỷ mét khối LNG được vận chuyển tới châu Âu trong năm nay.

Con số đó tương đương 10% lượng khí đốt mà châu Âu nhập khẩu từ Nga.

Các nhà phân tích cho rằng mục tiêu này có thể đạt được. Nhưng động lực chủ yếu đến từ thị trường, thay vì những chính sách của chính phủ.

Chỉ tính riêng quý I/2022, ít nhất 115 chuyến LNG đã rời khỏi các cơ sở của Cheniere Energy - nhà cung cấp LNG lớn nhất Mỹ - và đi tới châu Âu, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ông Di Odoardo, dòng chảy LNG từ Mỹ sang châu Âu đã đạt được 2/3 mục tiêu song phương trong năm nay. "Do đó, việc đạt mục tiêu là dễ dàng", ông nhận định.

Câu hỏi đặt ra là cần bổ sung bao nhiều khí đốt

Ông James Henderson tại Oxford Institute for Energy Studies

Chỉ có thể giảm giá bằng cách tăng cung. Trên thực tế, giá cao có thể khuyến khích gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, thường mất tới hơn 2 năm để xây dựng những cơ sở xử lý khí đốt mới như bến cảng mà Đức cần.

Dĩ nhiên, nhu cầu LNG rất có thể sẽ tiếp tục tăng khi Trung Quốc và các quốc gia khác chuyển từ than sang khí đốt. Nhu cầu LNG trên toàn cầu đã tăng 6% vào năm 2021.

"Tôi tin rằng thị trường khí đốt vẫn rất eo hẹp. Bởi thị trường châu Á chuyển từ than sang khí đốt", ông Marco Alverà - Giám đốc điều hành của Snam, công ty năng lượng lớn của Italy - nhận định.

Cheniere Energy đang lên kế hoạch mở rộng cơ sở xuất khẩu tại Corpus Christi (bang Texas, Mỹ). Qatar hiện cũng làm việc để bổ sung một lượng lớn LNG trong vòng 5 năm tới.

Tuy nhiên, các nhà phát triển vẫn lo ngại rằng liệu sự bùng nổ nhu cầu ở châu Âu có sớm lụi tàn hay không. Những dự án LNG thường hoạt động từ 20 năm trở lên. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách châu Âu luôn khẳng định khí đốt là "giải pháp tạm thời", trước khi chuyển sang những nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời và hydro.

"Câu hỏi đặt ra là cần bổ sung bao nhiều khí đốt", ông James Henderson tại Oxford Institute for Energy Studies nhận định.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xung-dot-o-ukraine-lam-dao-lon-thi-truong-nang-luong-toan-cau-post1307307.html