Xung đột Syria: Nguy cơ thảm họa nhân đạo tại Idlib
Cơ hội để Syria kết thúc cuộc nội chiến kéo dài gần một thập kỷ đang đến gần khi quân đội nước này, dưới sự hậu thuẫn của Nga, triển khai chiến dịch bao vây tỉnh Idlib vốn được coi là thành trì cuối cùng của các nhóm thánh chiến và lực lượng nổi dậy luôn tìm cách lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad từ năm 2011. Tuy nhiên, những diễn biến trên chiến trường thời gian qua cùng sự can dự mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến dư luận thế giới lo ngại sẽ phải chứng kiến một thảm họa nhân đạo ở Idlib.
Một phần tỉnh Idlib (Syria) tan hoang sau các cuộc giao tranh.
Các cuộc không kích cùng chiến dịch trên mặt đất ở Tây Bắc Syria đã khiến gần 1 triệu dân thường phải rời bỏ nhà cửa từ tháng 12-2019 và đang phải sống trong điều kiện tồi tệ. Ngoài ra vẫn còn tới gần 3 triệu người đang bị kẹt lại và cần sự hỗ trợ nhân đạo. Nếu các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn, nhiều người cho rằng, Idlib sẽ trở thành mảnh đất tang thương nhất trong cuộc nội chiến của Syria.
Điều phối viên Liên hợp quốc về các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Mark Lowcock đã cảnh báo cuộc khủng hoảng ở Tây Bắc Syria đã lên tới một “điểm đáng sợ mới”. Những dân thường mất nhà ở đang chịu sự tổn thương, nhiều người đang phải ngủ ngoài trời trong thời tiết giá lạnh do các khu trại đều đã chật kín người. Ngay cả các nhân viên cứu trợ nhân đạo cũng bị mất nơi ở và thậm chí thiệt mạng.
Idlib có tầm quan trọng chiến lược đối với Chính phủ Syria. Tỉnh này giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ về phía Bắc và có nhiều tuyến đường chạy từ thành phố Aleppo theo hướng Nam tới thủ đô Damascus và theo hướng Tây tới thành phố cảng Địa Trung Hải Latakia. Kể từ năm 2015, Idlib nằm trong sự kiểm soát của nhiều nhóm vũ trang đối lập, trong đó đáng chú ý nhất là Hayat Tahrir al-Sham (HTS), trước đây có liên hệ với Al-Qaeda. Trong trận chiến chống lại chiến dịch của Chính phủ Syria, nhóm này nhận được sự ủng hộ của một số thế lực, trong đó có cả nhóm Hồi giáo chiến đấu dưới danh nghĩa Quân đội quốc gia Syria (SNA) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Nếu các lực lượng Chính phủ Syria hoàn toàn kiểm soát Idlib, điều đó đồng nghĩa với một thất bại của lực lượng đối lập Syria và những nhóm này sẽ bị loại khỏi các cuộc đàm phán về giải pháp cuối cùng cho một Syria thời hậu chiến. Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ - lực lượng chính ủng hộ phe đối lập Syria - cũng sẽ bị gạt sang một bên và không có tiếng nói trong các cuộc đàm phán trong tương lai. Đây sẽ là một thất bại ngoại giao lớn sau nhiều năm Ankara can dự vào cuộc xung đột ở nước láng giềng.
Để cứu vãn “thế cờ”, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải dồn sức cho trận chiến tại Idlib. Trong 19 ngày qua, chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdorgan đã đưa 2.700 phương tiện quân sự vào Syria. Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, chỉ tính riêng trong ngày 23-2, một đoàn xe gồm 80 chiếc của Thổ Nhĩ Kỳ đã tới Idlib. Bên cạnh đó, hơn 7.400 binh sĩ nước này đang được triển khai ở Idlib và Aleppo trong cùng thời gian. Hoạt động triển khai binh sĩ và phương tiện nói trên là một phần trong kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chặn đứng đà thắng lợi của quân đội Syria ở khu vực nông thôn Idlib.
Trong khi đó, Bộ Giao thông Syria vừa tuyên bố tuyến đường cao tốc chính M5 nối hai thành phố lớn là Damascus và Aleppo đã chính thức thông xe trở lại. Việc kiểm soát lại tuyến đường cao tốc M5 từ tay lực lượng phiến quân sau các cuộc giao tranh ở phía Nam Idlib đánh dấu sự thắng lợi của Tổng thống Bashar al-Assad sau nhiều năm xung đột.
Hiện tia hy vọng duy nhất để tìm ra giải pháp cho Idlib là khả năng các bên tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quốc tế về Syria với sự tham dự của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và một số nước trung gian. Điều này đã từng được Nga đề cập tới song nếu không sớm đưa ra quyết định, Idlib sẽ phải hứng chịu viễn cảnh khó lường.