Xung đột tăng triển vọng lợi nhuận ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ năm 2024
Mỹ và các đồng minh đang tăng cường mua vũ khí và đạn dược đắt tiền để hướng đến những gì họ cho là những hành động ngày càng cứng rắn hơn từ Nga và Trung Quốc.
Theo hãng tin Reuters, khi Lầu Năm Góc triệu tập các nhà thầu quốc phòng lớn nhất thế giới đến một cuộc họp để yêu cầu họ tăng cường sản xuất ngay sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, một CEO (Giám đốc điều hành) đã do dự và nói rằng họ không làm vậy vì lo ngại bị "mắc kẹt trong một nhà kho đầy tên lửa khi giao tranh dừng lại".
Gần hai năm sau, các công ty quốc phòng lớn đang "ca một giai điệu" khác, với một số dự đoán về nhu cầu mạnh mẽ vào năm 2024 khi Mỹ và các đồng minh mua vũ khí và đạn dược đắt tiền để hướng đến những gì họ cho là những hành động ngày càng cứng rắn hơn từ Nga và Trung Quốc.
Theo một phép tính đơn giản: Để đáp ứng nhu cầu về hệ thống phòng thủ tên lửa, việc sản xuất tên lửa đánh chặn Patriot cho quân đội Mỹ sẽ tăng từ 550 lên 650 quả tên lửa mỗi năm. Với giá khoảng 4 triệu USD mỗi tên lửa, mức tăng doanh thu tiềm năng hàng năm sẽ lên tới 400 triệu USD chỉ tính riêng một hệ thống vũ khí.
Vì việc tăng khối lượng sản xuất của các hệ thống cũ luôn mang lại lợi nhuận cao hơn so với việc đầu tư tăng cường sản xuất các hệ thống mới, nên nhu cầu mạnh hơn sẽ nhanh chóng mang đến lợi nhuận cho các công ty.
Theo ước tính của Phố Wall, cổ phiếu của các công ty quốc phòng lớn nhất, vốn đã đánh bại chỉ số chứng khoán chuẩn S&P 500 trong hai năm qua, dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Cổ phiếu của Lockheed Martin, General Dynamics và Northrop Grumman được dự báo sẽ tăng từ 5% đến 7% trong 12 tháng tới, trong khi S&P được cho là chỉ kiếm được lợi nhuận hạn chế.
Các kho vũ khí của Mỹ đã vơi đi đáng kể sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Eric Fanning, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Mỹ, cho biết.
Việc sản xuất các hệ thống Patriot có thể được chia nhỏ để cho thấy doanh số bán các mặt hàng cơ bản sẽ tác động như thế nào đến nhiều công ty. Để bắt đầu, RTX sản xuất radar và các hệ thống liên quan trên mặt đất, còn Lockheed Martin sản xuất tên lửa đánh chặn thế hệ mới nhất.
RTX đã tăng cường sản xuất hệ thống phóng và điều khiển lên 12 đơn vị mỗi năm. Một bệ phóng và radar đi kèm có giá khoảng 400 triệu USD. Boeing cho biết trong vài năm tới họ sẽ tăng năng lực sản xuất lên hơn 30% ở các nhà máy tại Huntsville, Alabama đối với các cảm biến được sử dụng để dẫn đường cho tên lửa Patriot.
Có thể thấy một tín hiệu nhu cầu mạnh mẽ khác là số lượng động cơ tên lửa được sử dụng bởi rất nhiều loại vũ khí đã tăng cao kể từ cuộc xung đột Nga - Ukraine vào tháng 2/2022. Mỹ có hai nhà sản xuất động cơ tên lửa chính là Northrop Grumman và L3Harris Technologies, cả hai đều cho biết họ đã thấy nhu cầu tăng lên.
Northrop cho biết phần lớn sự gia tăng này là do nhu cầu về động cơ tên lửa và đầu đạn trong Hệ thống tên lửa phóng loạt dẫn đường (GMLRS) vốn được sử dụng nhiều ở Ukraine.
GMLRS là tên lửa dẫn đường bằng GPS với đầu đạn nặng 90kg. Lockheed Martin sản xuất 10.000 tên lửa mỗi năm và đang tăng sản lượng lên 14.000 quả tên lửa. Theo phân tích của Reuters, chúng có giá trung bình là 148.000 USD mỗi tên lửa và hơn 6.100 quả đã được gửi đến Ukraine cho đến nay.
"Mỗi ngày đạn dược được tiêu thụ sẽ càng củng cố nhu cầu về kho dự trữ đáng kể. Và tôi không thấy điều đó sẽ đi xuống", Tim Cahill, người điều hành đơn vị Kiểm soát hỏa lực và Tên lửa của Lockheed - nhà thầu chính cho các hệ thống đánh chặn Patriot và GMLRS - cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.
Một giám đốc điều hành của một nhà sản xuất động cơ tên lửa cũng cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ưu tiên đạn dược trong năm 2024 trong đề nghị ngân sách của Lầu Năm Góc. Tổng thống Biden kỳ vọng số đơn đặt hàng sẽ tăng lên sau khi dự luật về Đạo luật ủy quyền quốc phòng (được gọi là NDAA) trị giá 886 tỷ USD được thông qua.