Xung đột Trung - Ấn: Hàng loạt vấn đề cần giải quyết

Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ hơn, nhưng đồng thời giữa hai cường quốc cũng ngày càng dễ nảy sinh xung đột hơn. Mới đây nhất, các binh sĩ hai nước đã xung đột dữ dội tại khu vực biên giới, khiến hàng chục người thương vong. Liệu một cuộc chiến tranh giữa hai nước có nguy cơ xảy ra hay không?

Mặc dù đã trải qua nhiều thập kỷ đàm phán nhưng Trung Quốc và Ấn Độ vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn đề tranh chấp các vùng lãnh thổ trên dãy Himalaya. Trong những thập kỷ qua, chính phủ hai nước đã có nhiều động thái hòa giải và tích cực đàm phán để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, từ tháng 6-2017, Trung Quốc bắt đầu triển khai kế hoạch xây dựng một con đường trên cao nguyên Doklam, khu vực thuộc dãy Himalaya do Bhutan - đồng minh của Ấn Độ- kiểm soát. Động thái này của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía Ấn Độ.

Một cuộc đụng độ đã nổ ra, binh sĩ hai bên đã ném gạch đá về phía nhau khiến nhiều người bị thương; hai nước lại ở rất gần một cuộc chiến tranh biên giới. Và giờ đây tiếp tục là một cuộc đụng độ căng thẳng giữa quân đội hai nước mà nguyên nhân được cho là do Ấn Độ xây dựng con đường từ Darbuk qua Shyok đến Daulat Beg Oldi- tuyến đường quan trọng giúp Ấn Độ có thể huy động và triển khai nhanh chóng lực lượng quân đội đến biên giới Trung-Ấn trong tình huống khẩn cấp. Quân đội Ấn Độ cho biết đã có 20 binh sĩ nước này thiệt mạng, nhiều người khác bị thương trong cuộc xung đột. Lời kêu gọi "trả thù" từ phía quân đội Ấn Độ đã bùng lên suốt những ngày qua.

Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới. Ảnh tư liệu

Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới. Ảnh tư liệu

Sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc là hết sức gay gắt và bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ giữa hai nước với nước láng giềng Pakistan- "kẻ thù không đội trời chung" của Ấn Độ. Từ lâu Trung Quốc đã tích cực hỗ trợ Pakistan, cả về chính trị, kinh tế lẫn sức mạnh quân sự; điều đó đã gây ra mối lo ngại và cả sự tức giận từ phía Ấn Độ. Trong thời gian dài New Delhi đã nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Pakistan, nhưng những tranh cãi giữa hai nước về vùng lãnh thổ tranh chấp Kashmir từ khi Ấn Độ giành được độc lập đến nay đã làm những nỗ lực đó gần như thất bại hoàn toàn. Bốn cuộc chiến giữa hai cường quốc hạt nhân khu vực Nam Á này khiến quan hệ hai nước luôn trong trạng thái đối đầu và hoàn toàn mất lòng tin vào nhau.

Một loạt vấn đề tồn tại như cuộc xung đột tại Kashmir chưa được giải quyết, yêu sách lãnh thổ từ cả hai bên, lời kêu gọi tự trị trong chính khu vực Kashmir và các lực lượng khủng bố có nguồn gốc từ Pakistan đã khiến cho việc giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động ngoại giao gần như không có chỗ đứng. Cho đến nay, cả hai nước đều sẵn sàng mang vũ khí ra đe dọa nhau mỗi khi tình hình trở nên căng thẳng, tất nhiên đó mới chỉ là các loại vũ khí thông thường, vũ khí hạt nhân vẫn được hai nước cất giữ phía sau. Trong xung đột này, Trung Quốc thể hiện rõ quan điểm ủng hộ Pakistan. Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Pakistan, đồng thời tích cực hỗ trợ Pakistan trên tất cả các phương diện. Ngược lại, Pakistan luôn ủng hộ vị thế và các hành động của Trung Quốc. Tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa Ấn Độ với Pakistan hay Ấn Độ với Trung Quốc đều là nguồn cơn gây ra sự bất ổn trong khu vực.

Dự án "Con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc tiếp tục làm cho tình hình bất ổn nóng lên. Đặc biệt, Chính phủ Ấn Độ coi dự án "Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan" giữa tỉnh Tân Cương của Trung Quốc và cảng biển nước sâu Gwadar của Pakistan như là một "cái gai trong mắt." Mặc dù dự án này được giới thiệu chỉ đơn thuần là "hành lang kinh tế", nhưng có thể thấy tầm quan trọng chiến lược của nó trong nhiều lĩnh vực là rất rõ ràng. Ở Ấn Độ, người ta không coi các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực này chỉ đơn giản là cạnh tranh toàn cầu như ở châu Âu hay ở Mỹ, mà cho rằng các hoạt động của Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ. Dự án xây dựng tuyến đường sắt và đường bộ này đi qua khu vực mà cả Pakistan và Ấn Độ đều tuyên bố chủ quyền. Ngay từ năm 2015, Ấn Độ đã tuyên bố các kế hoạch của Trung Quốc là "không thể chấp nhận được" và thể hiện sự phản đối gay gắt.

Mặc dù quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn phát triển bình thường, các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa Thủ tướng Narendra Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn thường được tổ chức, nhưng sự cạnh tranh chiến lược giữa hai nước ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn. Ấn Độ luôn coi các hoạt động ngoại giao, kinh tế và hàng hải của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương mang tới nhiều nguy cơ đối với nước này. Những năm qua, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào các dự án cảng biển ở nhiều quốc gia khác nhau, từ Sri Lanka đến Pakistan, từ Myanmar đến Bangladesh và Djibouti. Các chuyên gia an ninh Ấn Độ cho rằng Trung Quốc đang triển khai chiến lược bao vây Ấn Độ thông qua "chuỗi ngọc trai" này, đồng thời kêu gọi Chính phủ Ấn Độ đầu tư mạnh mẽ cho lực lượng hải quân. Trung Quốc luôn phủ nhận mục đích quân sự trong việc đầu tư xây dựng các cảng biển này. Mặc dù vậy "công dụng kép" của các cảng biển, vừa sử dụng cho mục đích dân sự, vừa có thể phục vụ mục đích quân sự khi cần thiết, là điều dễ nhận ra.

Với sức mạnh và tham vọng chính trị to lớn của hai cường quốc châu Á này, các chuyên gia cho rằng sẽ khó có thể có được sự hợp tác vô tư, bền chặt giữa hai nước. Nếu như mối quan hệ mong manh và tồn tại không ít mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Trung Quốc được thay bằng mối quan hệ nồng ấm, tin tưởng lẫn nhau thông qua việc tăng cường hợp tác vì lợi ích chung thì sẽ mang lại những tác động rất tích cực cho sự phát triển kinh tế cũng như đảm bảo an ninh trong khu vực. Tuy nhiên, những nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự vẫn nằm trong chiến lược riêng của mỗi bên để đối phó với bên kia, và cả hai đều sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự nếu cần.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xung-dot-trung-an-hang-loat-van-de-can-giai-quyet-199066.html