Xung đột từ việc đậu, đỗ xe

* Bạn đọc hỏi: ông Nguyễn Hữu Tùng, giảng viên một trường đại học tại Đà Nẵng, hỏi: Hằng ngày đi làm, tôi đều đậu đỗ xe đúng quy định và cũng đã hạn chế gây ảnh hưởng đến những nhà mặt tiền nhưng khi quay trở lại, xe của tôi đã bị rất nhiều vết trầy xước, thậm chí có hôm còn bị méo móp, đâm thủng lốp. Ngoài ra, trên kính chắn gió cũng kèm theo những mảnh giấy với nhiều nội dung rất khó chịu như: “Đồ vô học”, “Đồ vô ý thức”. Tôi cảm thấy rất bức xúc vì cách hành xử này của các chủ nhà mặt tiền (CNMT). Trong trường hợp như vậy, tôi có thể khởi kiện những CNMT đó vì đã bôi nhọ danh dự của tôi và yêu cầu bồi thường chi phí sửa xe được không?

* Ths. LS Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng CN Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại TP Đà Nẵng, trả lời: Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền nhân thân, quyền tài sản của công dân. Một khi quyền dân sự của cá nhân bị xâm phạm thì họ hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực thi các biện pháp cần thiết, tùy theo mức độ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ. Căn cứ vào mức độ thiệt hại, ảnh hưởng mà cá nhân vi phạm có thể bị xử lý về mặt dân sự, hành chính, thậm chí là hình sự. Các hành vi làm trầy xước xe, làm thủng lốp xe, gây hư hỏng nặng hay để lại các ngôn từ khó nghe của các CNMT đã xâm phạm đến quyền nhân thân, quyền sở hữu tài sản hợp pháp của chủ xe cho dù trong trường hợp các chủ xe có đậu đỗ xe không đúng quy định pháp luật đi chăng nữa thì việc xử lý cũng thuộc thẩm quyền của cơ quan Nhà nước. Do vậy, những hành vi trên của các CNMT đã xâm hại đến quyền tài sản, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của các chủ xe. Trong trường hợp này, chủ xe hoàn toàn có quyền khởi kiện, yêu cầu tòa án buộc các CNMT xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho tổn thất tài sản và cả tổn thất về tinh thần. Tuy nhiên, cần phải lưu ý thêm rằng, quá trình khởi kiện yêu cầu CNMT chịu trách nhiệm đối với các hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, gây thiệt hại tài sản sẽ rất khó thực hiện nếu thiếu đi những chứng cứ. Do vậy, muốn khởi kiện, các chủ xe cần phải thu thập và lưu giữ các chứng cứ liên quan. Ngoài ra, theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, hành vi làm nhục người khác, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Điều 155, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm và mức phạt cao nhất của hành vi này là 5 năm tù giam. Theo Điều 178, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và hình phạt cao nhất đối với hành vi này lên đến 20 năm tù giam.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của CN Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại TP Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456; 0905102425

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_209707_xung-dot-tu-viec-dau-do-xe.aspx