Xung đột Ukraine khoét sâu cuộc chiến trừng phạt giữa Nga và phương Tây
Nga và phương Tây đang leo thang cuộc chiến trừng phạt lẫn nhau liên quan đến tình hình chiến sự tại Ukraine.
Tình trạng xung đột tài chính giữa Nga và phương Tây đã bắt đầu tăng thêm vào đầu năm 2022, trước khi Moscow bắt đầu phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Mỹ từng cảnh báo Nga rằng Washington đã thiết lập khuôn khổ cho một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính mạnh tay hơn nếu Moscow tấn công Ukraine.
Ngay khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự vào cuối tháng 2, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt lớn đối với Nga nhằm kìm kẹp nền kinh tế và làm suy giảm tiềm lực quân sự của nước này. Những lệnh trừng phạt mới cùng với các biện pháp trừng phạt cũ được áp đặt vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea đã gây nhiều khó khăn cho Nga nhưng vẫn không thể khiến nền kinh tế nước này sụp đổ.
Nga đã có sự chuẩn bị trước
Theo các nhà phân tích, Nga dường như đã có sự chuẩn bị trước để ứng phó với kịch bản xấu này. Trong những năm qua, Nga đã tích lũy được khoảng 600 tỷ USD dự trữ dưới dạng ngoại tệ và vàng. Một nửa trong số này được gửi tại Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và Nhật Bản.
Moscow có thể sử dụng khoản dự trữ còn lại để ổn định thị trường trong nước, duy trì giá trị của đồng rúp hoặc mua vũ khí từ các nhà sản xuất vũ khí ở nước ngoài. Nga có mức nợ nước ngoài khá thấp, chỉ chiếm khoảng 14% GDP. Moscow hoàn toàn có khả năng thanh toán khoản nợ này, thậm chí nhận thêm khoản nợ mới trong trường hợp cần thiết nếu cuộc xung đột với Ukraine kéo dài.
Chưa kể, từ năm 2014 Nga đã xây dựng hệ thống SPFS. Đây là hệ thống xử lý các giao dịch tài chính được Ngân hàng Trung ương Nga phát triển, sau khi phương Tây đe dọa loại Nga khỏi Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea. SPFS có cùng dịch vụ như SWIFT, nhưng hiện chỉ có khoảng 20 ngân hàng nước ngoài sử dụng hệ thống này.
Chiến dịch gây sức ép của phương Tây
Phương Tây đang nỗ lực gây sức ép với Nga bằng cách áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt với số lượng và mức độ chưa từng có trong lịch sử tài chính thế giới. Ngay sau khi xung đột nổ ra, Mỹ, Anh, EU, Nhật Bản đã đóng băng 300 tỷ USD dự trữ tiền tệ mà Nga nắm giữ ở nước ngoài. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt vẫn cho phép Nga sử dụng dự trữ ngoại hối bị đóng băng để trả lãi cho các khoản nợ nước ngoài, nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ.
Phương Tây cũng liệt vào danh sách đen hàng nghìn cá nhân doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ cũng như các cá nhân và tổ chức liên quan đến chính phủ Nga và Tổng thống Putin. Ngoài ra, Mỹ và châu Âu đã tịch thu tài sản của các cá nhân Nga, thu giữ du thuyền hay bất động sản của nhiều nhà tài phiệt Nga ở nước ngoài.
Một số quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc trước đây luôn tránh gây leo thang căng thẳng với Nga song hiện giờ đã tham gia nỗ lực trừng phạt của phương Tây. Ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột Nga-Ukraine, một số ngân hàng lớn của Nga đã bị loại khỏi hệ thống SWIFT, khiến họ gặp khó khăn trong việc tiếp tục xử lý các khoản thanh toán trên phạm vi quốc tế. Ngân hàng lớn duy nhất không bị loại khỏi hệ thống này là Gazprombank do có vai trò quan trọng đối với thị trường năng lượng quốc tế.
Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) cùng các đồng minh trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và Australia thông qua quyết định áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng. Quyết định có hiệu lực từ ngày 5/12. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết lệnh áp trần giá dầu liên quan đến hơn 2/3 lượng dầu Nga xuất khẩu đến EU. Biện pháp trừng phạt mới này nhằm hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Nga, đồng thời vẫn duy trì dòng chảy dầu của quốc gia này trên thị trường toàn cầu.
Nga lách biện pháp trừng phạt như thế nào?
Một số nguồn tin cho biết, các quan chức Nga và Iran đang thảo luận về việc nhờ Iran đóng vai trò “sân sau” để cho phép sản phẩm dầu mỏ của Nga thâm nhập thị trường toàn cầu. Điều này sẽ dễ dàng hơn nếu thỏa thuận hạt nhân mới giữa Iran và các quốc gia phương Tây được thông qua.
Trước đó, Nga được cho là đã thành công trong vai trò này khi giúp Venezuela xuất khẩu dầu mỏ ra thị trường thế giới bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Năm 2020, tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Nga Rosneft bị Mỹ đưa vào danh sách đen nhưng Điện Kremlin đã nhanh chóng thành lập một công ty dầu khí mới, Roszarubezhneft, để tiếp tục hoạt động sau khi Rosneft rời Venezuela. Với sự hỗ trợ của Nga, xuất khẩu dầu của Venezuela đã tăng gấp đôi từ tháng 12/ 2020 đến tháng 12/2021. Ngoài ra, việc tạo ra các công ty vỏ bọc cũng có thể làm giảm hiệu quả của các lệnh trừng phạt.
Liên quan đến việc áp giá trần dầu mỏ, quyết định của châu Âu đã khiến nhiều người Nga lo lắng vì khoảng 95% bảo hiểm đối với tàu chở dầu trên thế giới được thực hiện qua một hiệp hội có tên gọi Hội Bảo vệ và Bồi thường Quốc tế, viết tắt là Hội P&I có trụ sở tại thành phố London [Hội P&I là hội của những chủ tàu cùng nhau đóng góp hội để tự bảo vệ mình và bảo vệ lẫn nhau trước trách nhiệm bồi thường đối với những rủi ro không thuộc trách nhiệm của công ty bảo hiểm].
Nga sẽ gặp khó khăn trong việc xuất khẩu khối lượng lớn dầu mỏ mà không có bảo hiểm cho hoạt động vận chuyển của nước này. Các quan chức phương Tây cho rằng Moscow nên chấp nhận vận chuyển dầu với giá trần hơn là tìm các giải pháp thay thế khác.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, chính phủ Nga sẽ “cung cấp bảo hiểm cho các hoạt động xuất khẩu dầu bằng đường biển và các tàu vận chuyển nhằm đối phó với lệnh cấm của Liên minh Châu Âu”. Điều này có thể tương tự các biện pháp mà chính phủ Nhật Bản đã thực hiện vào năm 2012 theo đó cung cấp “một khoản bảo lãnh lên tới 7,6 tỷ USD cho một tàu chở dầu của Iran” để duy trì thương mại với Tehran.
Nga cũng được cho là đang nhờ sự hỗ trợ của một số nước Liên Xô cũ để lách luật trừng phạt. Vào tháng 5 vừa qua, Ukraine đã cáo buộc Georgia, Armenia và Azerbaijan giúp Nga xuất khẩu sản phẩm của nước này ra thị trường quốc tế sau khi hơn 200 công ty được thành lập. Tuyến đường xuất khẩu Trung Á cũng cho phép Nga tiếp cận với công nghệ phương Tây, chẳng hạn như vi mạch và chất bán dẫn.
Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài, nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn. Phương Tây tuyên bố mục đích của các biện pháp trừng phạt là buộc Nga phải chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhưng Nga và nhiều quốc gia khác có thể tăng cường phát triển các cơ chế thương mại riêng để đối phó với lệnh trừng phạt./.