Xung đột vì tướng Soleimani, Nga vận toàn quân lực 'đối đầu' Mỹ để bảo vệ Iran?
Với đặc tính chính trị mạnh mẽ của Iran cùng tham vọng mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông và Vịnh Ba Tư, không kịch bản nào có thể loại trừ trong lúc này.
Có nguy cơ chiến tranh hay không?
Đảng Dân chủ ở Mỹ đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Donald Trump về vụ sát hại tướng Iran Qasem Soleimani. Quan điểm của phe đối lập cho rằng, bước đi táo bạo của ông Trump sẽ khiến nước Mỹ rơi vào cuộc chiến toàn diện với Iran và phải hứng chịu những tổn thất lớn về người và của.
Tuy nhiên, tờ Asia Times nhận định, những lo ngại nói trên gần như sẽ khó trở thành sự thật khi cả Mỹ và Iran sẽ không mạo hiểm bước vào một cuộc chiến mà cả hai biết rằng sẽ không có ai thắng một cách toàn vẹn.
Theo các nhà phân tích, Mỹ đang ở vị thế rất mạnh so với Iran. Nước này có một lực lượng không quân vượt trội bao gồm máy bay ném bom, tiêm kích tàng hình, lực lượng hải quân hiện đại bao gồm tàu sân bay, tuần dương hạm Aegis và tàu ngầm hạt nhân. Mỹ cũng có mạng lưới tình báo và khả năng đánh giá tình huống hiệu quả, điều mà Iran còn thiếu.
Trong khi đó, Iran chỉ có tên lửa tầm ngắn, tầm trung và một số tên lửa tầm xa làm lợi thế chính. Ngoài ra, Iran có rất ít khía cạnh quân sự khác nổi trội. Hải quân Iran gần như không có nhiều giá trị trong vai trò lực lượng chiến đấu. Không quân hầu hết là các máy bay đã cũ. Ngoài ra, nước này không có vũ khí dẫn đường chính xác.
Về cơ bản, Iran có máy bay không người lái và tên lửa hành trình cũ của Nga, cùng với lợi thế nổi bật là có các lực lượng đồng minh như Hezbollah, hoạt động ở nhiều nơi trong khu vực.
Tuy nhiên, khi nói về đồng minh, Mỹ mới là quốc gia có những đồng minh đáng gờm trong khu vực. Israel có lực lượng không quân hạng nhất, khả năng phòng thủ tên lửa, tàu ngầm, bên cạnh lực lượng quân đội được đào tạo tốt cùng với các hệ thống tiên tiến. Giống như Mỹ, Israel có mạng lưới tình báo và đánh giá tình huống tuyệt vời, khả năng chỉ huy và kiểm soát đáng gờm và kinh nghiệm chiến đấu dày dạn.
Saudi Arabia, UAE và các đồng minh khác trong khu vực cũng có phi đội máy bay và năng lực hải quân tốt. Giống như Israel, các nước này cũng có một số hệ thống phòng thủ tên lửa được Mỹ hỗ trợ và có vũ khí chính xác. Trong bối cảnh xung đột nổ ra, đây sẽ là các tài sản hữu ích và hiệu quả.
Về phần mình, Iran lại đang đuối hơn so với Mỹ ở khía cạnh đồng minh. Các quốc gia vốn được cho là đồng minh của Iran như Trung Quốc và Nga nếu xét một cách hoàn chỉnh cũng không hẳn là đồng minh chính thức, đồng nghĩa với việc họ sẽ không gây chiến với Mỹ vì Tehran.
Quan điểm cho rằng Trung Quốc sẽ bảo vệ Iran vì cần dầu của nước này cũng không hoàn toàn hợp lý. Bắc Kinh có quá nhiều nguồn cung dầu khác thay thế từ các quốc gia vùng Vịnh, Nga, hoặc thậm chí cả Mỹ.
Nga không tham chiến
Về phần mình, Nga cũng có lý do tương tự để không bước vào sát cánh với Iran trong cuộc chiến với Mỹ.
Cần phải nhớ rằng, Nga đã không ngăn cản các cuộc tấn công của Israel vào các mục tiêu Iran ở Syria. Trên thực tế, Moscow có phần nào phản đối và làm nản lòng quyết tâm của Israel ở mức độ nào đó, nhưng để ủng hộ tuyệt đối Tehran thì không.
Trong bối cảnh hiện tại, câu hỏi đặt ra là tại sao Nga phải vì Iran mà bước vào chiến tranh với Mỹ? Nếu Nga làm như vậy, họ sẽ mất đi sự ủng hộ ngày càng tăng ở châu Âu và sẽ làm mất đi mọi cơ hội dàn xếp chính trị ở Ukraine.
Ở kịch bản có sự can thiệp kết hợp giữa Nga và Trung Quốc để bảo vệ Iran, giới phân tích cũng tin rằng đó là một viễn cảnh không thực tế. Người Nga vẫn hiểu mối tương quan lực lượng nghĩa là gì.
Nói theo khía cạnh pháp lý, cả Nga và Trung Quốc đều không có thỏa thuận an ninh hoặc hiệp ước quốc phòng với Iran. Nga có thỏa thuận hợp tác quân sự, nhưng thỏa thuận này không bao gồm nội dung Nga sẽ viện trợ cho Iran. Thỏa thuận hợp tác không phải là một hiệp ước quốc phòng.
Tương tự, Trung Quốc có thỏa thuận hợp tác quân sự với Iran, nhưng nước này không có điều khoản nào nhận sự hỗ trợ từ Trung Quốc và đó không phải là một hiệp ước quốc phòng.
Kết luận lại, với lời đe dọa rõ ràng từ Tổng thống Trump đối với Iran, vấn đề quan trọng ở đây là liệu Tehran có tự tin một mình bước vào cuộc chiến với Mỹ hay không.
Với đặc tính chính trị mạnh mẽ của Iran cùng tham vọng mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông và Vịnh Ba Tư, không kịch bản nào có thể loại trừ trong lúc này.
Nhưng nếu Iran tham chiến, có một “lớp lót bạc” bên ngoài sẽ khiến cho sức nóng bớt lan tỏa hơn. Theo Asia Times, xung đột tăng cao sẽ khiến cho sức mạnh hạt nhân vừa chớm nở của đất nước này có nguy cơ tàn lụi.
Một khi xung đột nổ ra, Mỹ có thể sử dụng bom phá hầm và các vũ khí chính xác để tiêu diệt càng nhiều trung tâm vũ khí hạt nhân và tên lửa của Iran càng tốt.
Điều đó chắc chắn sẽ làm suy yếu sức mạnh về vị thế hàng đầu của Iran ở Trung Đông và là cân nhắc quan trọng trước khi nước này muốn bước vào bất kỳ cuộc chiến nào.