Xung kích phòng, chống thiên tai

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong nửa cuối năm 2024, khả năng bão, mưa lũ sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Mưa lớn có khả năng xuất hiện nhiều hơn, gia tăng cả về tần suất và cường độ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Để chủ động ứng phó với các tình huống bão lũ xảy ra, lực lượng công an các cấp đang tập trung xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp đặc điểm của từng địa phương, đơn vị.

CHỦ ĐỘNG PHƯƠNG ÁN

Nửa đầu năm 2024, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân trong tỉnh. Trong đó, đã xảy ra 7 vụ lốc xoáy tại các huyện, thị xã, thành phố như Đồng Xoài, Bù Đăng, Phước Long, Chơn Thành, làm tốc mái, sập nhà, gãy đổ nhiều diện tích cây trồng và làm hư hỏng nhiều tài sản, công trình khác. Đặc biệt, ngày 14-6, mưa đá xuất hiện tại xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập. Những dấu hiệu, diễn biến bất thường này của thời tiết cho thấy, nửa cuối năm 2024, biến đổi khí hậu sẽ càng trở nên cực đoan hơn, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân.

Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh tham gia hỗ trợ dọn dẹp ngay trong đêm xảy ra lốc xoáy làm gãy đổ cây trên tuyến đường thuộc TP. Đồng Xoài

Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh tham gia hỗ trợ dọn dẹp ngay trong đêm xảy ra lốc xoáy làm gãy đổ cây trên tuyến đường thuộc TP. Đồng Xoài

Là địa phương có nhiều sông suối, ao hồ và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, Bù Đăng thường bị thiệt hại nghiêm trọng do ngập lụt, sạt lở đất. Theo đó, chỉ cần mưa lớn kéo dài vài ngày hay thậm chí chỉ trong vài giờ, ngập lụt cục bộ sẽ xảy ra. “Khu vực dọc suối Đắk Woa, khu dân cư cầu Hòa Đồng ở thị trấn Đức Phong là các điểm xung yếu thường xuyên bị ngập lụt. Do vậy, ngoài tuyên truyền, cảnh báo người dân không đi vào khu vực nguy hiểm, cơ quan công an đã lên phương án triển khai lực lượng thường trực khi có mưa lớn để hỗ trợ người dân di dời đồ đạc, di chuyển ra khỏi khu vực bị ngập lụt” - Trung tá Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng Công an huyện Bù Đăng cho biết.

Ngoài ngập lụt cục bộ, Bù Đăng còn đang đối mặt với hiện tượng sạt lở khi mưa lớn kéo dài. Mới đây nhất, một vụ sạt lở đất đã xảy ra tại thôn 2, xã Đăng Hà khiến đất, đá tràn vào nhà người dân, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Rất may, vụ sạt lở không gây thiệt hại về người.

Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, Công an huyện Bù Đăng đang triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là xây dựng phương án ứng phó với mưa lớn, sạt lở. “Chúng tôi đã lập phương án sử dụng lực lượng sát với từng tình huống, phù hợp đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương; đồng thời làm tốt công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, Công an huyện cũng sẽ tổ chức hiệp đồng với các đơn vị, địa phương trên địa bàn thống nhất phương án xử lý các tình huống, bảo đảm an ninh trật tự, sẵn sàng sơ tán người dân, bảo đảm an toàn về người và tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra” - Trung tá Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh.

SẴN SÀNG LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN

Việc chủ động chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, nhân lực cần thiết phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là một trong những yếu tố quan trọng quyết định. Bởi khi có sự cố xảy ra, sẵn sàng cơ động lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn sẽ phát huy được “thời gian vàng”, bảo đảm an toàn về người và tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. “Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thường xuyên tổ chức kiểm kê, đánh giá tình trạng hoạt động, bảo trì, bảo dưỡng 635 phương tiện đường bộ, 1.066 phương tiện, trang thiết bị đường thủy và 321 trang thiết bị kỹ thuật khác phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn” - Thượng tá Nguyễn Minh Tàu, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết.

Lực lượng công an các cấp phải tổ chức rà soát, bổ sung và xây dựng các phương án ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên từng địa bàn quản lý. Đặc biệt, công tác tuyên truyền cần chú trọng hơn nữa để người dân nâng cao nhận thức, tránh đi vào khu vực nguy hiểm khi có mưa bão. Khi xảy ra sự cố, cứu nạn, cứu hộ phải kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng người dân.

Đại tá DƯƠNG VĂN MẠNH, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước

Đại tá Dương Văn Mạnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Công an tỉnh chia sẻ, phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu trên mặt trận phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, thời gian qua, Công an tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo lực lượng công an các cấp thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn. Đối với nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Công an tỉnh xác định làm tốt công tác chủ động phòng ngừa, nâng cao năng lực, chất lượng, đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành bảo đảm chủ động, hiệu quả.

Tinh thần tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cùng sự chuẩn bị kỹ về phương tiện và lực lượng sẽ là những yếu tố then chốt để cán bộ, chiến sĩ công an phát huy tốt vai trò của mình. Qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ổn định đời sống người dân, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Thu Thảo

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/160245/xung-kich-phong-chong-thien-tai